“Chạy nước rút” để mọi người dân được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 sớm nhất

22/02/2021 - 06:40

PNO - Cả vắc-xin “made in Việt Nam” và vắc-xin nhập khẩu đều đang “chạy nước rút” để người dân có thể nhanh chóng tiếp cận trong năm 2021.

 

Quá trình sản xuất vắc-xin Nano Covax ngừa COVID-19 ở Việt Nam - Ảnh: Đinh Tiên
Quá trình sản xuất vắc-xin Nano Covax ngừa COVID-19 ở Việt Nam - Ảnh: Đinh Tiên

Cấp phép nhập khẩu vắc-xin khẩn cấp trong 5 ngày

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết bộ này đã có tờ trình Bộ Chính trị về vấn đề vắc-xin. Làm thế nào để mọi người dân tiếp cận được vắc-xin là một trong những mục tiêu ưu tiên; xã hội hóa và huy động các nguồn lực để cung cấp vắc-xin phòng bệnh COVID-19 một cách nhanh nhất, rộng nhất. 

Với vắc-xin nhập khẩu, Bộ Y tế làm việc với các đối tác nhập khẩu để sớm đưa vắc-xin về Việt Nam phục vụ người dân. Để đảm bảo tiêm đủ cho người dân, Việt Nam cần 150 triệu liều nhưng hiện mới có được cam kết 60 triệu liều. Số lượng vắc-xin này được Bộ Y tế đàm phán với chương trình COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng đã cam kết cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều trong năm 2021. Ngoài ra, Công ty AstraZeneca cũng cam kết cung cấp 30 triệu liều.

“Hiện Bộ Y tế đang tích cực đàm phán với các công ty khác, để có thêm vắc-xin. Chúng tôi khuyến khích các đơn vị có nguồn vắc-xin, có thể trao đổi với Bộ Y tế vấn đề nhập khẩu để có vắc-xin cho người dân. Làm sao cố gắng để người dân tiếp cận được vắc-xin đầy đủ, để tái khởi động kinh tế”, bộ trưởng nhấn mạnh. 

Đặc biệt, để tạo điều kiện cho vắc-xin về Việt Nam sớm nhất có thể, Bộ Y tế triển khai cơ chế cấp phép nhập khẩu vắc-xin khẩn cấp trong 5 ngày. 

Đồng thời, Bộ Y tế đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước. Ngày mai, 23/2, dự kiến, Học viện Quân y (Hà Nội) bắt đầu sàng lọc tình nguyện viên để tham gia vào giai đoạn hai thử nghiệm lâm sàng trên người đối với vắc-xin Nano Covax (do Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Nanogen ở TP.HCM nghiên cứu, sản xuất).

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, lãnh đạo Học viện Quân y cho hay, cùng với Viện Pasteur TP.HCM tham gia nghiên cứu và thực hiện tại H.Bến Lức, tỉnh Long An, vắc-xin Nano Covax sẽ được tiêm trên 560 tình nguyện viên để tiếp tục đánh giá an toàn và tính sinh miễn dịch - hiệu quả phòng bệnh. Mũi tiêm đầu tiên của Nano Covax trong giai đoạn hai được lên kế hoạch tiêm trong tuần này, ngày 26/2. 

Việc cùng lúc triển khai hai điểm tiêm thử nghiệm vắc-xin “made in Việt Nam”, theo ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ (Bộ Y tế), là để đẩy nhanh tiến độ và rút ngắn thời gian nghiên cứu. Qua tính toán sơ bộ ban đầu, với cách tổ chức như hiện nay, thời gian nghiên cứu được rút ngắn 50%, chỉ còn lại ba tháng chạy thử nghiệm trong giai đoạn hai, thay vì sáu tháng như kế hoạch trước đây. Vì vậy, ông Nguyễn Ngô Quang kỳ vọng, đến tháng 4/2021 có thể có kết quả nghiên cứu giai đoạn hai và chuyển sang giai đoạn ba trong đầu tháng 5/2021, trong đó, tiêm chủng rộng rãi cho những người có nguy cơ tại Việt Nam.

Cùng với Nanogen, ba đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc-xin COVID-19 ở Việt Nam là Công ty TNHH Một thành viên vắc-xin và sinh phẩm y tế số 1 (Vabiotech), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (Polyvac), Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế (Ivac) cũng đang “chạy nước rút” để tiêm thử nghiệm trên người. 

Vắc-xin trong nước đang chạy nước rút để ra thành phẩm phục vụ người dân. Ảnh: Đinh Tiên.
Vắc-xin trong nước đang "chạy nước rút" để ra thành phẩm phục vụ người dân. Ảnh: Đinh Tiên.

Sẽ tập huấn tiêm ngừa trước khi triển khai rộng rãi

Trong tuần này, 204.000 liều vắc-xin ngừa COVID-19 AstraZeneca nhập khẩu đầu tiên dự kiến sẽ về tới Việt Nam. Đồng thời, khoảng 4,88 triệu liều vắc-xin của COVAX facility cũng sẽ về đến Việt Nam cuối tháng này. Như vậy, Việt Nam có khoảng hơn 5 triệu liều để tiêm mũi thứ nhất cho hơn 5 triệu người.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vắc-xin Việt Nam (VNVC), cho biết 204.000 liều vắc-xin mà công ty nhập về là một phần trong tổng số 30 triệu liều vắc-xin AstraZeneca mà VNVC đã ký kết để đưa về Việt Nam.

“Thế giới đang thiếu vắc-xin, ngay cả với những quốc gia lớn như Mỹ hay ở châu Âu, nơi có những công ty sản xuất vắc-xin nhưng cũng chưa đủ. Chính vì vậy, tôi chỉ có thể chia sẻ, việc đưa vắc-xin về Việt Nam là nỗ lực rất lớn không chỉ của VNVC mà còn của AstraZeneca và Bộ Y tế Việt Nam”, ông Dũng nói.

Khi vắc-xin nhập khẩu “cập bến”, theo lãnh đạo Bộ Y tế, sẽ được triển khai tiêm theo hướng dẫn của WHO trong đó có việc xếp các đối tượng ưu tiên. Cụ thể là người làm việc ở tuyến đầu như y bác sĩ, người tham gia chống dịch; người làm việc trong các khu vực có tiếp xúc rộng, dễ lây nhiễm; người có bệnh nền… Việc sử dụng vắc-xin tuân thủ theo khuyến cáo của WHO, quy định pháp luật, ưu tiên khu vực có dịch và có nguy cơ cao. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề xuất thêm, khi có vắc-xin ngừa COVID-19, Bộ Y tế cần có chỉ đạo tập huấn, đánh giá, hướng dẫn kỹ thuật tiêm vắc-xin. Việc này sẽ giao Cục Y tế dự phòng, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur các địa phương xây dựng giáo trình, tập huấn để khi tiêm trong cộng đồng số lượng lớn phải có lực lượng sẵn sàng, không thể trông chờ vào lực lượng y tế dự phòng mỏng như hiện tại. 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, cho rằng: nhu cầu xét nghiệm tự nguyện của người dân ngày càng nhiều, đã đến lúc cần tính đến khả năng đáp ứng nhu cầu này. TP.HCM có thể thực hiện việc này thay vì tầm soát ngẫu nhiên trong cộng đồng như hiện nay. Việc thực hiện xét nghiệm COVID-19 tự nguyện phải chặt chẽ, luôn phải qua tư vấn của bác sĩ, dặn dò kỹ lưỡng trước và sau khi xét nghiệm để tránh người dân chủ quan. 

Với loại vắc-xin AstraZeneca đang chuẩn bị được tiêm tại Việt Nam, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng có thể sẽ có một số trường hợp bị phản ứng phụ như sưng đỏ, đau chỗ tiêm. Vì vậy, cần đánh giá dựa trên số lượng người được tiêm, để biết tỷ lệ bị phản ứng phụ bao nhiêu. 

Hiếu Nguyễn

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI