Cần ưu tiên các hợp tác xã có lao động nữ làm quản lý

25/05/2023 - 17:19

PNO - ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân đề nghị, trong tiêu chí thụ hưởng chính sách, cần ưu tiên các hợp tác xã có lao động nữ làm quản lý, nhiều lao động nữ.

 

ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân đề nghị ưu tiên hơn

ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân đề nghị ưu tiên hơn đối với các hợp tác xã do phụ nữ làm quản lý, có nhiều lao động nữ

Chiều 25/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân (đoàn TPHCM) - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM - kiến nghị có chính sách ưu tiên các hợp tác xã có phụ nữ làm quản lý và có nhiều thành viên nữ, hoặc sử dụng lao động nữ.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 3, điều 18 của dự thảo luật về tiêu chí hưởng thụ chính sách, trường hợp nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cùng đáp ứng quy định thì ưu tiên lựa chọn tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo các tiêu chí sau đây: số lượng thành viên nhiều hơn; số lượng thành viên là người khuyết tật nhiều hơn; số lượng thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số nhiều hơn; số lượng thành viên, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện nhiều hơn; có phụ nữ làm quản lý, có nhiều thành viên là nữ hoặc sử dụng nhiều lao động nữ hơn; hoạt động tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của Nhà nước; tham gia liên kết hình thành chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số vì mục tiêu phát triển bền vững, tổ chức hoặc tham gia các hoạt động lợi ích cộng đồng dân cư.

Chủ tịch Hội LHPN kiến nghị đưa tiêu chí “có phụ nữ làm quản lý, có nhiều thành viên là nữ hoặc sử dụng nhiều lao động nữ” lên trước tiêu chí “số lượng thành viên, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện nhiều hơn”. Quy định này nhằm thống nhất với chính sách ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ và chính sách bình đẳng giới.

Tại điều 79 dự thảo về “chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã”, ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân đề nghị lựa chọn phương án 2. Theo đó, dự luật không quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mà chỉ quy định về trả lại phần vốn góp khi chấm dứt tư cách thành viên, ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Lý do là việc cho phép chuyển nhượng vốn góp của thành viên làm cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động tương tự như loại hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, không còn giữ được bản chất hợp tác xã là “hợp tác tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội của thành viên”.

Đồng thời, việc chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có thể dẫn đến việc một số tổ chức, cá nhân thông qua đó từng bước thâu tóm, chi phối hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

“Vì vậy, nếu thành viên không còn nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì có thể xin ra khỏi và được trả lại phần vốn góp chứ không được chuyển nhượng phần vốn góp. Tổ chức, cá nhân nếu có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và đáp ứng điều kiện quy định của Luật này và Điều lệ thì có đơn tự nguyện gia nhập, góp vốn hoặc nộp phí thành viên để trở thành thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã” - ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân đóng góp ý kiến.

Liên quan tới quy định trong dự thảo “Quản lý, sử dụng các quỹ”, ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân kiến nghị mở rộng mục đích sử dụng đối với quỹ chung thay vì chỉ cho phép sử dụng quỹ chung không chia để hình thành và phát triển tài sản chung không chia (như Điều 87 của dự thảo)

ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân cũng kiến nghị bổ sung cho Hội đồng quản trị thẩm quyền quyết định chuyển nhượng, thanh lý tài sản chung không chia bên cạnh thẩm quyền của Đại hội thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định tại Điều 88 dự thảo Luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong quá trình hoạt động.

Ngoài ra, ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân đề xuất trong phần giải thích từ ngữ của dự thảo về “giao dịch nội bộ”, cần bổ sung thêm giao dịch của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với thành viên liên kết không góp vốn. Việc bổ sung này sẽ mở rộng thêm thành viên liên kết không góp vốn tham gia sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI