Cán bộ Hội Phụ nữ phải kiêm nhiệm nhiều việc nhưng đãi ngộ chưa tương xứng

15/10/2022 - 17:06

PNO - Chủ tịch Hội LHPN TP.Thủ Đức thẳng thắn nêu thực tế, nhiều nơi, cán bộ phụ nữ phải kiêm thêm nhiều việc nhưng chưa có chế độ đãi ngộ tương xứng.

Thủ tướng Chính phủ và nhiều lãnh đạo Bộ, Ban ngành tham gia đối thoại với hơn 5.000 hội viên phụ nữ trên cả nước tại Hội nghị trực tuyến sáng ngày 15/10

Thủ tướng Chính phủ và nhiều lãnh đạo bộ, ban ngành tham gia đối thoại với hơn 5.000 hội viên phụ nữ trên cả nước tại Hội nghị trực tuyến sáng ngày 15/10

Tham gia đối thoại với Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sáng 15/10, bà Nguyễn Hạnh Thảo - Chủ tịch Hội LHPN TP.Thủ Đức (TP.HCM) đặt vấn đề liên quan tới chủ trương tinh giản biên chế.

Bà Nguyễn Hạnh Thảo đánh giá, kết luận 40-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở các thành phố lớn là rất đúng đắn. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện ở những nơi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị đang gặp khó khăn, trong đó quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách tối đa 14 người tại phường, xã, thị trấn loại 1 theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP (nghị định 34) là không đủ khả năng đáp ứng khối lượng công việc dẫn đến tình trạng quá tải.

“Tại một số địa phương, cán bộ Hội phụ nữ phải kiêm thêm nhiều việc theo phân công của Đảng ủy, nhưng lại chưa có chế độ đãi ngộ tương xứng” - Chủ tịch Hội LHPN TP.Thủ Đức chỉ ra.

Để phát huy tốt tiềm năng và vai trò của phụ nữ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đại biểu đặt câu hỏi, Chính phủ có những giải pháp, cơ chế đặc thù gì để khích lệ đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ Hội LHPN và cán bộ của các đoàn thể ở các thành phố lớn, nhất là những nơi thực hiện thí điểm chính quyền đô thị.

Thực tế, TP.Thủ Đức có 15.000 Hội viên phụ nữ. Trong thời gian dịch bệnh COVID-19, Thủ Đức có 6 bệnh viện dã chiến, 3 bệnh viện cố định. Các chị em hội viên Hội LHPN đã ngày đêm tham gia cùng các lực lượng phát thực phẩm cho người dân.

Cán bộ Hội LHPN TPHCM đi chợ giúp người dân trong dịch COVID-19 năm 2021

Cán bộ Hội LHPN TPHCM đi chợ giúp người dân trong dịch COVID-19 năm 2021

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tinh giảm biên chế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Mục tiêu cố gắng tới 2026 tiếp tục giảm biên chế 5% hưởng lương nhà nước. Đây là chỉ tiêu hết sức khó khăn trong khi số lượng công việc ngày càng nhiều, đòi hỏi chất lượng ngày càng cao.

Thực tiễn liên quan tới hoạt động của cán bộ công chức cũng như cán bộ không chuyên trách, bà Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận còn có nhiều khó khăn. Do đó, Bộ Nội vụ đang rà soát lại toàn bộ Nghị định này và sắp tới sẽ tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 34 để tính số lượng cán bộ công chức làm việc ở đơn vị cấp xã theo quy mô dân số.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, hiện nay đang thực hiện thí điểm Chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Đây là những nơi có dân số lớn nhưng cán bộ công chức ít. “Chính vì vậy, chúng tôi sẽ không tính theo khung của Nghị định 34 hiện nay nữa mà sẽ tham mưu, điều chỉnh lại cho phù hợp trên cơ sở quy mô dân số” - bà Phạm Thị Thanh Trà nói.

Đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách, theo đại diện Bộ Nội vụ, sẽ tính theo hướng khoán mức kinh phí hoạt động.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang chỉ đạo quyết liệt để tháng 12/2022 có Nghị định sửa đổi, thay thế. Bà Phạm Thị Thanh Trà hy vọng nếu sửa đổi được thì đây sẽ là điều kiện tốt để Hội LHPN nói riêng và các tổ chức cấp cơ sở hoạt động hiệu quả hơn.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, khi thí điểm Chính quyền đô thị có một số điểm chưa thực tiễn trong đó có ý kiến như bà Nguyễn Hạnh Thảo nêu. Thủ tướng đánh giá đây là ý kiến hay, phản ánh từ thực tiễn và đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, có thêm cơ sở thực tiễn sửa đổi Nghị định 34, điều chỉnh cho phù hợp.

H.Anh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI