Cả lớp thích thú khi giáo viên đưa chuyện đời thường vào đề kiểm tra

26/10/2022 - 23:02

PNO - Những câu chuyện đời thường được đưa vào đề kiểm tra Vật lý của lớp 10A1, Trường THPT Ten lơ man (quận 1,TPHCM) khiến học sinh vô cùng thích thú.

Cụ thể, đề kiểm tra giữa kỳ môn Vật lý của học sinh lớp 10A1 đang gây "bão mạng" có những sự "lạ lùng" sau:

"Hai bạn Lê Duy (10A1) và chị Hồng Ngọc (11A2) chuyển động thẳng đều, cùng xuất phát lúc 7g từ cổng trường (gọi là điểm A) và trên sân khấu (gọi là điểm B) cách nhau 20m với tốc độ lần lượt là 6m/s và 4m/s. Chọn A là gốc tọa độ, chiều dương từ A đến B, gốc thời gian là lúc xuất phát. Tìm thời điểm và vị trí hai bạn gặp nhau".

"Quang đang lái chiếc xe đạp điện của mình với tốc độ bàn thờ 72km/h. Khi nhìn thấy một bà lão đang băng qua đường cách đó 55m, bạn ấy ngay lập tức đạp thắng để được giảm tốc tối đa với gia tốc 4m/s. a. Liệu bạn Quang có gây tai nạn cho bà già không? Giải thích. b. Tính quãng đường bạn đi trong 2 giây cuối trước khi xe dừng lại".

"Đăng Khoa đi bộ từ nhà đến siêu thị để mua đồ ăn cho Thanh Trà với tốc độ 2m/s. Đến nơi siêu thị chưa mở cửa, Khoa đứng chờ 5 phút rồi quyết định đi về bằng đường cũ với tốc độ 5,4km/h. Tìm tốc độ trung bình của Khoa trên cả quãng đường cả đi lẫn về. Biết siêu thị cách nhà Khoa 600m...".

 

Đề kiểm tra đang gây bão mạng
Đề kiểm tra đang gây "bão mạng"

 

Chia sẻ về đề kiểm tra thú vị này, thầy Phạm Thư Tùng, Giáo viên Vật lý, Trường THPT Ten lơ man (quận 1) cho hay, đây là lần đầu tiên thầy sử dụng các câu chuyện thật của học sinh trong lớp làm "chất liệu" đưa vào đề kiểm tra định kỳ, với mong muốn tạo ra không khí thoải mái, vui tươi, nhẹ nhàng, bớt áp lực cho học sinh khi làm bài kiểm tra.

"Ngoài vai trò là giáo viên bộ môn, tôi còn là giáo viên chủ nhiệm lớp 10A1 nên có điều kiện theo sát các em. Quang thì có chiếc xe đạp điện màu đỏ, hay đi mua đồ giúp bạn bè trong lớp; Đăng Khoa và Thanh Trà thì luôn được bạn bè ghép đôi; Lê Duy tính tình dễ mến, hay giao lưu với các anh chị khóa trên... Khi đưa tên các em cũng như các câu chuyện thực tế hàng ngày vào trong đề kiểm tra, tôi mong muốn các em có thể làm bài một cách nhẹ nhàng, không còn áp lực, cũng mong muốn tình cảm thầy trò thêm gắn kết. Qua đó, hy vọng các em sẽ yêu thích môn học hơn, thấy môn học gần gũi với cuộc sống chứ không phải chỉ là các kiến thức khô khan..." - thầy Phạm Thư Tùng chia sẻ.

Giáo viên này cho biết thêm, môn Vật lý trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở khối lớp 10 kiến thức khá nặng, chính bản thân giáo viên khi triển khai trong năm đầu tiên cũng không tránh khỏi những bỡ ngỡ, lúng túng. Thậm chí, còn tranh cãi về yêu cầu cần đạt tối thiểu của học sinh sẽ ở mức độ nào... 

Về phía học sinh, ngoài việc thay đổi môi trường học tập từ bậc THCS lên THPT, các em còn phải đối mặt với những khó khăn trong phương pháp học tập, nhất là chuyển đổi từ tư duy đọc, chép, học thuộc lòng sang tư duy vận dụng, liên hệ kiến thức vào thực tiễn.

Học sinh lớp 10A1 thích thú khi thường xuyên xuất hiện trong các bài học về Vật lý
Học sinh lớp 10A1 thích thú khi thường xuyên xuất hiện trong các bài học về Vật lý


"Trong mỗi tiết học, để học sinh thoải mái, hứng khởi khi tiếp thu kiến thức, giúp không khí lớp học nhẹ nhàng, tôi cũng thường đưa chính các ví dụ thực tế gắn liền với cuộc sống hàng ngày của các em, các câu chuyện trong lớp, trong trường vào bài học như chuyện các em chơi kéo co đạt hạng nhất, quãng đường các em đến trường... Trong bài kiểm tra định kỳ đầu tiên (kỳ kiểm tra giữa học kỳ 1) của các em trong năm lớp 10, tôi hy vọng việc đổi mới cách ra đề kiểm tra sẽ giúp các em có thêm động lực trong học tập, thầy trò sẽ đoàn kết gắn bó trong suốt năm học...", thầy Phạm Thư Tùng bày tỏ.

Quốc Trung

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • TrangNguyen 27-10-2022 13:10:08

    Con mình rất may mắn vì năm nay dc học lớp của Thầy Tùng, thầy rất tâm lý, nhiệt tình và có cách dạy mới làm cho các em học sinh rất yêu thích tiết học của thầy, ko lý thuyết suông mà đi đôi với thực tế dễ hiểu để các em nhớ bài, hiểu bài ngay trên lớp, ko nặng nề sách vở, mình rất mong thế hệ giáo viên bây giờ phải truyền dc lửa, nhiệt huyết của mình để các em đam mê, yêu thích môn học do mình dạy, có như vậy mới kích thích dc các em phát huy hết khả năng sáng tạo, phát triển tư duy một cách tối đa!

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtuyensinhvi /strCate=tuyensinh

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsukienvandevi /strCate=sukienvande
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgiaoducvi /strCate=giaoduc