Burning: Ngon lửa đốt ai, ai đốt?

30/08/2020 - 07:30

PNO - Là bộ phim thứ ba của Lee Chang Dong và gây tiếng vang cực kỳ lớn tại Liên hoan phim Cannes 2018, "Burning" soi chiếu vào sự cô đơn, lạc lõng của những người trẻ tại xã hội Hàn Quốc, sự phân cách giữa giàu và nghèo một cách
nghiệt ngã.

K-Pop và phim truyền hình đã đưa hình ảnh đất nước Hàn Quốc xinh đẹp, lãng mạn tỏa đi khắp thế giới, thúc đẩy nền kinh tế Hàn phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, như hai mặt của một bàn tay, đất nước nào phát triển cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề về nghèo đói, sự quẩn quanh, đầy bất an của thế hệ thanh niên nghèo đến cùng cực; sự ích kỷ đến mức nung nấu thành những ý tưởng bệnh hoạn của một số cậu ấm cô chiêu.

Burning, ở khía cạnh nào đó, có thể xem là phản đề của Lee Chang Dong, một nhà văn nổi tiếng trước khi trở thành đạo diễn, trước sự tô hồng hiện thực của những bộ phim truyền hình xứ Hàn hay mở rộng ra là góc nhìn vừa đồng cảm vừa đau xót của ông khi chứng kiến hiện thực mà thế hệ thanh niên - vốn luôn được xem là tương lai của một quốc gia - đối mặt.

Để chuyển tải được tất cả những điều này, Lee đã mang vào bộ phim nhiều ẩn dụ, bóc trần lớp vỏ phía sau của câu chuyện tình tay ba kiểu thần tượng phổ biến, cũng như dựng nên bức tranh tương phản, từ hoàn cảnh, xuất thân của nhân vật cho đến bối cảnh, màu sắc, ánh sáng…

Joong So tốt nghiệp đại học chuyên ngành viết văn nhưng chật vật mãi, phải làm nghề bốc vác kiếm sống, nuôi giấc mộng một ngày trở thành tiểu thuyết gia nổi tiếng. Hae Mi là cô gái nghèo tích cực kiếm tiền cho giấc mơ du lịch châu Phi. Tình cảm của họ phát triển tốt đẹp, ngỡ có thể tiến đến tình yêu. Nhưng khi Hae Mi trở về, cô còn đi cùng Ben - một anh chàng chẳng có gì ngoài… điều kiện và cuộc sống luôn vây quanh tiệc tùng rộn ràng và sở thích có phần quái gở: thích đốt những ngôi nhà kính vì… “chúng chẳng được tích sự gì”.

Cả Hae Mi và Ben đều yêu quý Joong So nên bộ ba vẫn thường đi chơi cùng nhau. Không có câu chuyện cổ tích hay tình yêu nào ở đây dù Ben đúng chuẩn soái ca, Joong So si tình còn Hae Mi là cô Lọ Lem yếu đuối. Dù giàu hay nghèo, cả ba đều là nạn nhân của sự lạc lối và của chính xã hội đã tạo ra họ.

Ben - đại diện cho tầng lớp thanh niên giàu có đầy rẫy trong xã hội - thừa mứa đến mức chẳng cần biết tiền bạc đến từ đâu, làm gì cho cuộc đời bớt chán. Ben giải khuây bằng việc quen Hae Mi, thường ví von bản thân gần với thể “thánh thần” và vì thế, Ben tự cho anh ta cái quyền chọn lọc tự nhiên (đốt những ngôi nhà kính).

Hae Mi ngây thơ, nhiều năng lượng, mơ mộng nhưng rốt cục cũng bị bóng tối của đói nghèo nhấn chìm rồi biến mất không tăm tích. Còn Joong So - đại diện cho tầng lớp thanh niên nghèo đến cùng cực, đứng bên rìa xã hội - là kết quả phức tạp của sự vẫy vùng trong tuyệt vọng, nỗi cô đơn, lòng uất hận khi bị ba chiếc tròng từ gia đình đến xã hội - chữ hiếu (bị mẹ bỏ rơi, căm ghét cha), cường quyền và tiền bạc - ghì chặt. Hơn ai hết, Joong So thấm thía: nghèo đồng nghĩa với việc bước ra khỏi sự bảo vệ của pháp luật.

Trailer phim Burning:

 

 

 Hành động cuối phim của Joong So ngỡ bộc phát nhưng lại là sự vùng dậy bản năng, đầy bất lực của người nghèo. Nguồn gốc sự phân tầng xã hội vẫn ở nguyên đó và ngày càng khoét sâu hơn; số người đứng bên rìa hay ở tầng dưới ngày một nhiều hơn nếu những gì đang diễn ra vẫn tiếp tục. Mối bận tâm này, sau đó đã được đạo diễn Bong Joon Ho tiếp nối và thể hiện cực kỳ thành công qua Parasite

Minh Nguyễn 

* Xem phim trên nền tảng FPT Play.

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI