Bộ Y tế biện minh cho sự yếu kém trong quản lý

04/11/2013 - 19:26

PNO - PNO - Ngày 4/11, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường quản lý Nhà nước về hành nghề y dược ngoài công lập. Cuộc giao lưu trực tuyến được thực hiện sau hàng loạt sự cố trong ngành y thời gian qua. Thế...

Lực bất tòng tâm

Theo ông Đặng Văn Chính, Chánh thanh tra Bộ Y tế, toàn bộ lực lượng thanh tra y tế trong toàn quốc hiện có 290 người, nhiều nhất là TP. HCM, Hà Nội đứng thứ 2 cũng chỉ có 14 người, mỗi tỉnh chỉ có 2-4 người. Thanh tra chuyên về y, dược thì đa số các tỉnh chưa có cán bộ thanh tra chuyên sâu. Trong khi đó khối lượng công việc quá nhiều.

Ông Chính cũng thừa nhận, lực lượng thanh tra quá mỏng so với yêu cầu, khối lượng công việc thực tế quá lớn. Đơn cử, tại Hà Nội, thanh tra về lĩnh vực y và dược mỗi bộ phận có 4 thanh tra viên, phải quản lý 2.308 cơ sở hành nghề y và 2.827 cơ sở hành nghề dược ngoài công lập. Ý thức chấp hành pháp luật của nhiều thanh tra còn chưa tốt, cố tình lách luật, vi phạm luật vì mục đích tư lợi. Sự vào cuộc của chính quyền tại một số địa phương còn chưa kịp thời.

Bo Y te bien minh cho su yeu kem trong quan ly
Quang cảnh hội nghị

Để lấp những yếu kém của mình, Chánh thanh tra Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ cho phép tổ chức hệ thống thanh tra, kiểm tra tới tuyến huyện. Riêng đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm và hành nghề y, dược ngoài công lập, đề nghị tới tận tuyến xã. Có biện pháp tăng cường biên chế cho thanh tra các tỉnh, thành phố đảm bảo ít nhất từ 7-10 người; riêng TP. HCM và Hà Nội có từ 50-70 người.

Đồng tình với những hạn chế của ngành là do yếu tố khách quan, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, một số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân hành nghề vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép; lạm dụng cận lâm sàng (xét nghiệm, X-quang...) nhằm thu lợi nhuận cao. Một số chủ đầu tư các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân quá coi trọng lợi nhuận, coi thường pháp luật, lợi dụng lòng tin của người dân, đã quảng cáo không đúng, không niêm yết giá dịch vụ hoặc có niêm yết nhưng thu tiền cao hơn giá niêm yết. Nguyên nhân của tình trạng trên là do người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của các cơ sở tư nhân chưa thực sự hiểu biết đầy đủ về pháp luật, vì vậy chưa phát huy được vai trò và trách nhiệm của mình. Trong khi đó, chế tài xử phạt các vi phạm hành chính về khám, chữa bệnh chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, chưa huy động được các cấp chính quyền và nhân dân trên địa bàn cùng tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.

Người đứng đầu ngành y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, một số cơ sở hành nghề y dược tư còn hành nghề quá chuyên môn cho phép, quảng cáo quá phạm vi cho phép. Thế nhưng, chế tài xử phạt còn quá nhẹ, chỉ 30-50 triệu, không có tính chất răn đe.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng, lực lượng thanh tra y tế còn thiếu trong khi số lượng công việc quá nhiều. Lỗ hổng hiện nay trong quản lý là không có sự tham gia của hệ thống chính trị địa phương.

Hứa "sẽ thay đổi"

Xảy ra những sự cố như thời gian qua, Bộ Y tế đã bắt tay chấn chỉnh những sai phạm để nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế, trong thời gian qua. Bộ Y tế đã mở 11 lớp tuận huấn cho gần 6.000 bác sĩ, điều dưỡng từ tuyến trung ương đến huyện về những nội dung trên nhưng chưa được các cơ sở thực hiện nghiêm. Thái độ của một số nhân viên y tế chưa hòa nhã, chưa tận tình. Đôi lúc quá tải bệnh nhân, áp lực quá lớn nên cán bộ, nhân viên y tế chưa chăm sóc kỹ được người bệnh.

Thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế hứa sẽ lập đường dây nóng, nối với trưởng khoa khám bệnh, Giám đốc bệnh viện để trực tiếp nhận phản ánh của người bệnh. Khi có phản ánh của người dân thì trưởng khoa phải chịu trách nhiệm với giám đốc bệnh viện, giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm với Sở Y tế hoặc lãnh đạo Bộ. “Nếu sai phạm bao nhiêu lần thì xử lý kỷ luật như thế nào. Chúng ta phải nghiêm khắc nhìn lại mình và có giải pháp quyết liệt dù chỉ có vài con sâu làm rầu nồi canh” nữ Bộ trưởng nhấn mạnh.

Kết thúc hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Y tế phải có phương thức giám sát, quản lý phù hợp chứ không thể tăng số thanh tra để phù hợp với số cơ sở. Số cơ sở ngoài công lập vô cùng lớn, hơn 6.000 trong khi chỉ có 290 thanh tra.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, phân cấp quản lý trong việc cấp phép hành nghề và giám sát như thế nào. Trường hợp thẩm mỹ viện Cát Tường mới cấp phép kinh doanh của huyện, giấy phép hành nghề Sở Y tế chưa cấp mà cơ sở này đã hoạt động 5-6 tháng, cơ quan quản lý nhà nước không biết. Cần tăng cường quản lý nhà nước sau cấp phép, rút giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề nếu cơ sở không đạt yêu cầu quy định.

BẢO THOA
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI