Bộ Xây dựng đề nghị sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản

13/10/2021 - 08:37

PNO - Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS).

Theo Bộ Xây dựng, qua thực tế triển khai thực hiện luật, đã phát sinh một số vướng mắc, tồn tại hạn chế về kinh doanh nhà, công trình xây dựng có sẵn; kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai; kinh doanh quyền sử dụng đất, về chuyển nhượng dự án; dịch vụ môi giới BĐS…

Cụ thể, Luật Kinh doanh BĐS chưa quy định rõ một số khái niệm quan trọng như: thế nào là “dự án BĐS”, “chuyển nhượng hợp đồng kinh doanh BĐS”... gây lúng túng, khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện. Chưa có quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có sự mâu thuẫn, chồng chéo của Luật Kinh doanh BĐS với các luật có liên quan…

Về dịch vụ môi giới BĐS, đội ngũ môi giới hiện nay hoạt động thiếu chuyên nghiệp, thiếu kiến thức pháp luật, nặng tính “chụp giật”, kiếm lời, chưa tôn trọng khách hàng, gây thiệt hại cho khách hàng dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài. Một số quy định pháp luật về quản lý hoạt động môi giới hiện nay còn khá lỏng lẻo dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân môi giới có cơ hội “lách luật” trốn thuế.

Cả nước hiện có khoảng 1.600 sàn giao dịch BĐS được thành lập và đa phần có quy mô nhỏ, tính chuyên nghiệp chưa cao, năng lực tài chính thấp... Hầu hết các sàn chủ yếu làm chức năng quảng cáo cho các chủ đầu tư, môi giới BĐS chứ chưa thực hiện hết chức năng của mình như: báo cáo thông tin về tình hình giao dịch BĐS, kiểm tra tính pháp lý của các sản phẩm trước khi đưa vào giao dịch… Tình trạng “ôm” hàng, “thổi giá” ăn chênh lệch gây lũng đoạn thị trường còn diễn ra phổ biến. 

Luật chưa có quy định kiểm soát nội dung, mẫu hợp đồng kinh doanh BĐS; quy định về hợp đồng kinh doanh BĐS chưa chặt chẽ để đảm bảo sự minh bạch về giá BĐS và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế đối với Nhà nước của các tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS. 

Về thanh toán hợp đồng và giá BĐS, luật không có quy định bắt buộc phải thực hiện thanh toán hợp đồng thông qua tổ chức tín dụng; không được sử dụng ngoại tệ trong thanh toán hợp đồng; chưa rõ ràng về nguyên tắc xác định giá giao dịch… dẫn đến giá BĐS chưa minh bạch; các tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS chưa thực hiện nghiêm nghĩa vụ về thuế đối với Nhà nước. 

Do vậy, việc sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS là cần thiết nhằm xử lý những tồn tại, bất cập, bảo đảm tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với các luật khác có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đất đai… bảo đảm thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh.

Phước Quyền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI