Bỏ quy định cấm hát nhép: Sự cởi mở quá mức của luật hiện hành

19/12/2020 - 16:08

PNO - Việc cơ quan quản lý trông đợi vào trách nhiệm của nghệ sĩ để tránh thực trạng hát nhép, có lẽ, đó là điều quá xa xỉ.

Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn vừa được Chính phủ ban hành có nhiều điểm đổi mới, so với Nghị định 79/2012/NĐ-CP đang được áp dụng.

Trong đó, Điểm d Khoản 2 Điều 6 Nghị định 79 quy định một trong các hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật là: Sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn. Nay với Nghị định 144, Chính phủ đã không còn quy định cấm nêu trên.

Quan điểm của cơ quan quản lý cho rằng dẫu không có quy định phạt nhưng nghệ sĩ phải có trách nhiệm với uy tín của bản thân và công chúng. “Nghệ thuật là sự sáng tạo và đào thải, nếu mãi cứ mang bản nhép của mình đi hát công chúng sẽ nhận ra và tự loại ca sĩ đó ra khỏi sự yêu mến của mình. Vậy thì, có nghệ sĩ nào lại mong muốn công chúng tẩy chay mình không?”, ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) chia sẻ.

Quy định mới có hiệu lực từ 1/2/2021
Quy định mới có hiệu lực từ 1/2/2021 đã bỏ điều luật cấm hát nhép

Hiện tại, quy định mới này đang bị nhiều người trong nghề phản ứng. Nhạc sĩ, NSX Phạm Hải Âu cho rằng anh bị sốc, không hiểu vì sao cơ quan quản lý lại cho ra đời quy định vô tiền khoáng hậu như thế. Còn nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung không tán thành với ý kiến của cơ quan quản lý, rằng quy định mới không tạo điều kiện cho việc sáng tạo, mà ngược lại chỉ khiến nghệ sĩ lơ là, dễ dãi hơn với chính mình. Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng trong tương lai liveshow tại Việt Nam có thể phải được khái niệm lại là performance show, tức chỉ cần lên sân khấu diễn mà thôi.

Hát nhép là hành vi đáng khinh, trong bất kỳ nền âm nhạc nào. Về bản chất, đó là sự lừa dối của ca sĩ với khán giả, vừa thể hiện sự biếng nhác trong lao động… Nhưng, không hiểu vì sao, những điều trái đạo đức như thế lại lọt cửa của cơ quan quản lý, để rồi chỉ một thời gian ngắn tới đây, chúng sẽ được hợp thức hoá.

Đầu tiên, một dấu hỏi lớn được đặt ra về năng lực, nhận thức quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi nhà quản lý phó mặc mọi thứ cho ý thức của nghệ sĩ và trông đợi vào sự tẩy chay của công chúng thì vai trò của đơn vị này là gì, cơ quan quản lý có cần tiếp tục tồn tại hay không?

Sau bỏ cấm hát nhép, sẽ đến lượt hành vi nào tiếp tục được “cởi trói” với quan điểm trông chờ vào trách nhiệm của nghệ sĩ? Còn nhớ cách đây hơn 1 năm, phim giang hồ, bạo lực xuất hiện tràn lan trên mạng, MV dung tục cũng phát triển rầm rộ. Truyền thông vào cuộc, dư luận lên tiếng vì lo ngại những ảnh hưởng xấu từ các sản phẩm này dành cho đối tượng khán giả trẻ, nhưng nghệ sĩ vẫn cứ làm, bất chấp sự góp ý, chỉ trích. Trách nhiệm của nghệ sĩ với cộng đồng đôi lúc giống như một món quà xa xỉ 

Chi Pu hát live phô trong chương trình truyền hình:

 

 

Thậm chí, ngay khi việc hát nhép còn nằm trong vùng cấm thì đã có không ít ca sĩ vi phạm quy định này. Một bầu show, khi nghe được thông tin về quy định mới, cho biết anh có thể liệt kê ra ngay danh sách không ít những ca sĩ “mê hát nhép” hiện tại.

Nhìn rộng và sâu hơn, việc bỏ quy định cũ vốn chỉ mang đến những mặt trái.

Công nghệ thu âm hiện đại đã hỗ trợ rất nhiều cho ca sĩ. Thậm chí, có không ít những gương mặt hát live khá tệ nhưng đều có bản thu âm rất chỉn chu, thu hút nhờ việc chỉnh âm, ghép nối. Khi đó, việc hát live trên sân khấu vô cùng quan trọng để khán giả sàng lọc, lựa chọn lại. Đây cũng là yếu tố buộc ca sĩ phải tự trau dồi mình để tồn tại được trên thị trường.

Chẳng hạn như trường hợp của Chi Pu, cô từng bị ghi lại những clip hát live bị chênh, phô so với bản thu âm. Trước áp lực từ dư luận, buộc nữ ca sĩ phải liên tục trau dồi thanh nhạc. Hay dở chưa bàn đến, nhưng ít nhiều đó là một sự điều chỉnh tích cực. Nhưng nay khi quy định đã thoáng hơn, khi ai cũng bước lên sân khấu với bản thu chỉn chu nhất, lấy gì để khán giả thực hiện thao tác đó. 

Công nghệ phòng thu hiện đại đã giúp nhiều giọng ca yếu vẫn có bài hát tốt
Công nghệ phòng thu hiện đại đã giúp nhiều giọng ca yếu vẫn có bài hát tốt

Khi ca sĩ được sử dụng bản ghi âm, liệu có kéo theo sau đó là sự chểnh mảng, thậm chí triệt tiêu sự tồn tại của ban nhạc trên sân khấu? Chưa kể, vì sao khán giả phải trả tiền để đến sân khấu, phòng trà để nghe một bài hát không khác họ được nghe miễn phí, hoặc phải trả một ít phí trên các ứng dụng nhạc số?

Làng nhạc Việt Nam đang phát triển. Bên cạnh sự tích cực, cũng có không ít mặt chưa được, như âm nhạc dễ dãi, thiếu đầu tư về giai điệu, ca từ… Tương lai của nền âm nhạc ra sao với quyết định lạ đời này khi một hành vi đáng chê trách như thế được hợp pháp hoá.

Năm 2019, khi biểu diễn, Bích Phương bị khán giả giật micro làm lộ việc cô hát đè lên bản thu âm có sẵn
Năm 2019, khi biểu diễn, Bích Phương bị khán giả giật micro làm lộ việc cô hát đè lên bản thu âm có sẵn

Bích Phương hốt hoảng khi lộ việc hát đè trên sân khấu:

 

Khán giả Việt Nam vốn dĩ mau quên, hay hành động theo kiểu “chín bỏ làm mười”, “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Một ca sĩ mới vừa bị chỉ trích thì sau đó khi có một sản phẩm tương đối tốt lại nhanh chóng được đón nhận. Vì thế, cơ quan quản lý trông chờ vào khán giả để điều tiết thị trường là chuyện khó có thể diễn ra. Đừng phó mặc cho họ, khi đó là trách nhiệm mà cơ quan quản lý phải làm.

Sự cởi mở của luật là điều đáng hoan nghênh, nhưng khi chưa tính được hệ luỵ, thành ra lại dở.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI