Bỏ giám sát với chánh án tòa và viện trưởng viện kiểm sát, dân oan sai biết cậy ai chất vấn?

14/05/2025 - 10:45

PNO - Sáng 14/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất).

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy đề xuát giữ quyền chất vấn Viện trưởng VKSND và Chánh án TAND
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy đề xuất giữ quyền chất vấn Viện trưởng VKSND và Chánh án TAND - Ảnh: Quốc hội

Đề xuất giữ quyền chất vấn Viện trưởng VKSND và Chánh án TAND

Một trong những vấn đề được quan tâm là dự thảo quy định bỏ quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) đối với Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND).

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy băn khoăn: “Không lẽ TAND, VKSND khu vực sẽ là những cơ quan tư pháp duy nhất ở nước ta nằm ngoài sự giám sát bằng hình thức chất vấn của đại biểu HĐND. Nếu vậy thì dân bị oan sai, sẽ nhờ cậy ai chất vấn để mà bảo về quyền lợi của họ?”.

Trước khi thông qua mô hình TAND, VKSND khu vực, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Quốc hội xem xét kỹ cơ chế giám sát quyền lực đối với các cơ quan này.

Bên cạnh đó, bà Thúy nhận thấy, lập luận của Ban soạn thảo “đánh đồng” các hình thức giám sát khác nhau, trong khi các biện pháp này có ý nghĩa, vai trò và tính chất pháp lý khác nhau. Bà cho rằng, quyền kiến nghị hoàn toàn không thể thay thế cho quyền chất vấn - vốn là hình thức giám sát trực tiếp, công khai, buộc người chất vấn phải trả lời trực tiếp, phải chịu trách nhiệm về phần trả lời của mình.

Theo đại biểu, không có quyền chất vấn đại biểu HĐND sẽ khó có thể yêu cầu Chánh án hoặc Viện trưởng ra trước kỳ họp HĐND để trả lời cụ thể từng vấn đề đối thoại công khai với đại biểu và cử tri.

“Việc Hiến pháp không còn quy định thẩm quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng VKSND là đi ngược lại với Nghị quyết 27 của Trung ương để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy nói.

Từ những phân tích trên, bà Thúy đề nghị Quốc hội giữ lại quy định quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND trong Hiến pháp.

Đồng quan điểm trên, ĐBQH Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) đề xuất giữ lại quyền chất vấn Viện trưởng VKSND và Chánh án TAND của HĐND cấp tỉnh. Ông chỉ ra, hiện nay, các tỉnh khi chưa sáp nhập, dù nhỏ nhưng vẫn có quyền chất vấn này. Sau khi sáp nhập, quy mô mở rộng lại không được chất vấn là điều bất hợp lý. Nếu không chất vấn, Viện trưởng VKSND hay Chánh án TAND chỉ lên đọc báo cáo. Trong khi, chức năng giám sát của HĐND là có quyền chất vấn.

Đề xuất tăng gấp đôi mức trợ cấp cho cán bộ chuyên trách cấp xã

ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh nêu, do lương thấp nên mức hỗ trợ
ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh nêu, do phụ cấp không cao nên mức hỗ trợ cán bộ chuyên trách cấp xã nghỉ việc rất thấp - Ảnh: Quốc hội

Góp ý vào dự thảo, ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) đánh giá, việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 Quốc hội tiến hành một cách thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học. Đặc biệt, cơ quan soạn thảo đã tăng cường vận động Nhân dân góp ý qua hệ thống VneID. Chỉ trong 3 ngày, tại Vĩnh Long đã có 2.500 lượt ý kiến đóng góp qua hình thức này.

ĐBQH đồng tình với phương án tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện hành về cấp xã mới. Có 90/99 nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện sẽ chuyển giao cho cấp xã; 9 nhiệm vụ, quyền hạn còn lại của cấp huyện sẽ được phân cấp cho cấp tỉnh.

Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung thêm điều kiện, nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ việc đảm bảo phân cấp trên; cũng như quy định rõ trách nhiệm giải trình của các cấp thực hiện nhiệm vụ.

ĐBQH cũng nêu, chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố dôi dư do sáp nhập là vấn đề mà nhiều người quan tâm.

Hiện nay, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính ở cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền sẽ được hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 29 của Chính phủ quy định về chính sách tinh giản biên chế.

Tuy nhiên, do phụ cấp hằng tháng đối với những đối tượng này không cao, nên mức trợ cấp sau sắp xếp còn thấp.

Bà kiến nghị, Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ xem xét hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố được hưởng chế độ bằng 2 lần mức trợ cấp theo quy định. Đồng thời hỗ trợ thêm chế độ cho mỗi một năm công tác bằng 3 tháng nhân với 2 lần mức trợ cấp hiện hưởng, thời gian tối đa không quá 60 tháng; bổ sung chế độ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người hoạt động không chuyên trách thôi việc.

Minh Quang

 
TIN MỚI