BHYT cho trẻ bị lé và suy dinh dưỡng nặng: Đợi đến bao giờ?

03/06/2014 - 13:07

PNO - PN - Trẻ bị lé bẩm sinh nếu không được điều trị trước hai tuổi sẽ bị giảm thị lực, thậm chí mù mắt. Còn trẻ suy dinh dưỡng nặng khi mắc thêm bệnh khác nếu không có điều kiện điều trị sẽ tử vong từ 30-50%. Hai bệnh lý...

Nhiều trẻ bị lé, suy dinh dưỡng

Ba tháng đầu năm nay, Bệnh viện (BV) Mắt TP.HCM khám cho hơn 2.600 lượt trẻ bị lé, trong đó có 321 ca đủ điều kiện để mổ. Riêng năm 2013, số lượt trẻ đến khám xấp xỉ 18.000 ca, nhưng chỉ gần 2.300 ca được mổ. Một trong những nguyên nhân trẻ không được mổ là do gia đình khó khăn hoặc do trẻ nhập viện quá trễ.

TS-BS Nguyễn Thị Xuân Hồng, Phòng khám lé, BV Mắt TP.HCM cho biết, lé là một trong những nguyên nhân gây mù ở trẻ em đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo. Lé khiến mắt bị ảnh hưởng về mặt chức năng và tính thẩm mỹ. Cụ thể, ở trẻ bị lé bẩm sinh, nếu không được điều trị trước hai tuổi, có thể bị giảm thị lực và lâu ngày dẫn đến mù mắt. Trẻ bị lé thường kèm theo các tật khúc xạ, giảm thị lực nên khó theo học các môn đòi tính tỉ mỉ như: thêu thùa, may vá, làm việc phòng thí nghiệm, lắp rắp đồ chơi… Trẻ cũng sẽ gặp khó khăn trong học tập như viết không thẳng hàng, học không tốt các môn hình học, dễ chui vào gầm xe khác khi tham gia giao thông do khó “canh” được khoảng cách an toàn, dễ trượt chân xuống bờ sông, ao hồ. Mặt khác, mắt lé không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn khiến tâm lý của trẻ bị tổn thương khi bị bạn bè trêu chọc. Trẻ sẽ càng trở nên rụt rè, tự ti hoặc hung hăng hơn.

Với trẻ bị suy dinh dưỡng (SDD), hiện mỗi tháng BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 4.460 lượt trẻ đến khám, trong đó đến 164 lượt SDD nặng, chiếm 3,68%. ThS-BS Hoàng Thị Tín, quyền Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ SDD cấp nặng kèm biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng máu… có tỷ lệ tử vong lên đến 30 - 50%, nhưng nếu áp dụng phác đồ của WHO trong điều trị, có thể giảm tỷ lệ tử vong này xuống còn 5%.

BHYT cho tre bi le và suy dinh duong nang: Doi den bao gio?
Trẻ đang khám lé bẩm sinh tại Bệnh viện Mắt TP.HCM

Chi phí thấp, hiệu quả cao

Theo phác đồ của WHO, trẻ SDD cấp nặng sẽ được điều trị theo ba giai đoạn bệnh là cấp tính, hồi phục - chuyển tiếp và bắt kịp tốc độ tăng trưởng, bằng ba loại thực phẩm gồm: sữa F-75, sữa F-100 và RUTF (vì các loại thực phẩm thông thường không bảo đảm đủ năng lượng cho trẻ bắt kịp tốc độ tăng trưởng). ThS-BS Hoàng Thị Tín cho biết, hiện Việt Nam đã sản xuất được những thực phẩm này. Tuy nhiên, phần lớn gia đình trẻ bị SDD nặng đều khó khăn về kinh tế. Nếu những thực phẩm này được Bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán thì việc điều trị theo phác đồ WHO có lẽ sẽ được thực hiện triệt để và rộng rãi hơn ở các BV. Điều kiện dinh dưỡng tốt sẽ làm tăng hiệu quả điều trị, giảm biến chứng, giảm chi phí điều trị do các bệnh liên quan khác, rút ngắn thời gian nằm viện, giảm tỷ lệ tử vong.

Về bệnh lé mắt bẩm sinh, theo TS-BS Nguyễn Thị Xuân Hồng, BHYT nên đưa chi phí phẫu thuật (từ 2,5 - 4 triệu đồng/tùy vào một hoặc hai mắt lé) vào thanh toán để giúp nhiều trẻ có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được mổ sớm. Việc này còn giúp cho nhiều trẻ “đổi đời” vì chức năng hai mắt sau mổ hoàn toàn như trẻ bình thường. Tuy nhiên, trẻ phải được mổ trước hai tuổi, vì trong giai đoạn này cấu trúc não của trẻ đang trong quá trình hoàn thiện, chức năng của mắt bị lé mới dễ trở lại bình thường. Nếu để đến hai - năm tuổi mới mổ thì chức năng của mắt có thể chỉ hồi phục được 50%. Nhưng nếu để trẻ đủ sáu tuổi mới mổ thì chức năng của mắt không cải thiện được nữa, cuộc mổ chỉ nhằm mục đích thẩm mỹ.

 Văn Thanh

Theo TS-BS Nguyễn Thị Xuân Hồng, ở trẻ dưới 18 tuổi, mắt phát triển chưa ổn định, bị tật khúc xạ (loạn thị, cận thị, viễn thị), BHYT chỉ nên thanh toán viện phí khám, làm kính mà không thanh toán phẫu thuật, vì đây là đối tượng chống chỉ định phẫu thuật.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI