Bệnh nhân là trung tâm của chăm sóc sức khỏe

17/08/2023 - 06:36

PNO - Giữa tháng 11/2022, nhiều người dân của xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM bất ngờ khi được các bác sĩ trẻ tình nguyện của Sở Y tế TPHCM kiểm tra phổi bằng một hình thức khác lạ.

 

Các giải pháp công nghệ trong chăm sóc sức khỏe mang lại nhiều lợi ích cho con người
Các giải pháp công nghệ trong chăm sóc sức khỏe mang lại nhiều lợi ích cho con người

Bác sĩ chụp X-quang phổi và sau 10 giây là có ngay kết quả chi tiết trên phim X-quang nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tích hợp trên máy X-quang kỹ thuật số. Sau đó, các bác sĩ trẻ kết nối hình ảnh X-quang qua hệ thống PACs (Picture Archiving and Communication Systems) và máy tính để hội chẩn từ xa với các chuyên gia công tác ở các bệnh viện tuyến cuối của TPHCM.

Nhờ đó, bệnh nhân có bệnh lý phức tạp sẽ được các bậc thầy y khoa tư vấn sức khỏe mà không phải mất công lặn lội từ nhà vào trung tâm thành phố khám bệnh như trước đây. 

Cách đây khoảng 20 năm, lãnh đạo một bệnh viện tuyến cuối của TPHCM chia sẻ, bệnh viện này phải tốn nhiều tiền và mất vài năm chuẩn bị để đầu tư hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh trong chẩn đoán hình ảnh y khoa (PACs). Vậy mà giờ đây, mọi chuyện trở nên đơn giản và ít tốn kém, ngay đến trạm y tế xã cũng có thể triển khai được. 

Con người thời nay thừa hưởng ngày càng nhiều giải pháp công nghệ chăm sóc sức khỏe, từ việc ngồi ở nhà đặt lịch khám bệnh, thanh toán viện phí qua thẻ, truy cập hồ sơ sức khỏe cá nhân cho đến khám bệnh từ xa, theo dõi và cảnh báo sức khỏe bằng thiết bị cá nhân mang trên người, thậm chí được chuyên gia nước ngoài tham gia phẫu thuật từ xa.

Các giải pháp công nghệ mang lại nhiều lợi ích cho con người như giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức cho bệnh nhân, gia tăng hiệu quả điều trị, giảm thiểu nguy cơ lây lan và mắc bệnh khi tụ tập đông người. 

Chăm sóc sức khỏe là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh ở Việt Nam. Theo dự báo của Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Úc tại Việt Nam (Austrade) vào năm 2019, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe của người Việt sẽ tăng từ 15,6 tỉ USD vào năm 2018 lên 42,9 tỉ USD vào năm 2028, nghĩa là tăng gần 2,8 lần chỉ trong 10 năm. 

Đây là thuận lợi lớn cho việc chuyển đổi số và áp dụng các công nghệ chăm sóc sức khỏe hiện đại vào nước ta. Một thuận lợi khác là 60% dân số Việt Nam dưới 54 tuổi dễ đón nhận những giải pháp công nghệ mới, 95% hộ gia đình được phủ sóng 4G.

Một thuận lợi lớn là Chính phủ rất quan tâm đến việc áp dụng các giải pháp chăm sóc sức khỏe tiên tiến, thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách thu hút sự đầu tư vào lĩnh vực này. Tháng 6/2020, Chính phủ ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phát triển nền tảng khám, chữa bệnh từ xa, thử nghiệm sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng”. Sau đó, Bộ Y tế cũng ban hành Quyết định 2628/QĐ-BYT phê duyệt đề án “Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025”. 

Thuận lợi có nhiều, nhưng thách thức cũng không ít. Quá trình số hóa và áp dụng công nghệ ở các cơ sở y tế của Việt Nam vẫn còn rời rạc, nhỏ lẻ, chủ yếu tập trung ở những bệnh viện tuyến cuối và các thành phố lớn. Trong cùng bệnh viện, việc kết nối và tích hợp giữa các khoa, phòng cũng khó khăn. Bên cạnh đó, niềm tin vào y tế số và công nghệ hiện đại của người dân, đặc biệt người lớn tuổi, còn hạn chế; không ít người còn lo dữ liệu cá nhân bị tiết lộ.

Năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban hành khuyến cáo về các can thiệp số giúp nâng cao năng lực của hệ thống y tế. Có lẽ, các nhà quản lý bệnh viện cần quan tâm và chọn lọc những vấn đề ưu tiên theo khuyến cáo này để nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho người dân, để qua đó góp phần phát triển đất nước, xã hội. 

Theo quan điểm của WHO, bệnh nhân là trung tâm của điều trị, cũng là trung tâm của công cuộc số hóa và áp dụng công nghệ tiên tiến. Chiếu theo tinh thần này, các cơ sở y tế nước ta cần phải nỗ lực rất nhiều. 

 Phan Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI