Phụ nữ TPHCM: Sâu sát với đời sống để mạnh mẽ trong tiếng nói phản biện:

Bài 2: Tăng cường tiếng nói của giới vào các chính sách pháp luật

10/12/2021 - 10:30

PNO - Hội LHPN TP.HCM đã gửi những kiến nghị của giới đến đúng nơi, đúng chỗ những kiến nghị lồng ghép giới trong các dự án, chính sách pháp luật.

Phản biện chính sách nhằm góp phần làm tăng tiếng nói của giới vào các đề án luật là công việc không đơn giản, nhưng trong nhiệm kỳ vừa qua, đây lại là nội dung mà Hội LHPN TP.HCM đã “ghi điểm”. 

Không ngại “đối thoại” với lãnh đạo

Từ những chuyến khảo sát, giám sát việc thực thi các chính sách pháp luật, các vấn đề xã hội, các cấp Hội Phụ nữ ở thành phố đã nhận diện rất nhiều vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em cần phải “lên tiếng”. Các chị đã góp ý, phản biện bằng nhiều cách thức như gửi văn bản đến cơ quan có thẩm quyền, phát biểu tại các kỳ họp HĐND thành phố, gửi kiến nghị đến Quốc hội…

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, sau các cuộc “gặp gỡ và đối thoại với lãnh đạo cấp ủy và chính quyền”, nhằm thực hiện các Quyết định 935-QĐ/TU, Quyết định 936-QĐ/TU và Quyết định 994-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Hội Phụ nữ các cấp tại TP.HCM đã kiến nghị rất nhiều vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, tham gia ý kiến vào việc xây dựng chính quyền, xây dựng thành phố và đất nước. 

Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ, đối thoại cùng cán bộ, hội viên và phụ nữ thành phố năm 2018
Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ, đối thoại cùng cán bộ, hội viên và phụ nữ thành phố năm 2018

Ở cấp thành, từ năm 2016 đến 2020, lãnh đạo TP.HCM đã duy trì chương trình tiếp xúc, gặp gỡ với cán bộ, hội viên phụ nữ để lắng nghe tâm tư nguyện vọng. Tại các cuộc tiếp xúc, hầu hết những vấn đề “mắt thấy, tai nghe” của cán bộ, hội viên phụ nữ về cơ chế chính sách cho sự phát triển an toàn, hạnh phúc của phụ nữ, trẻ em đã được chia sẻ, gửi gắm. Mỗi vấn đề đặt ra đều được lãnh đạo thành phố tiếp thu và nhận được sự phản hồi từ những người đứng đầu các sở ban ngành. Các ý kiến đề xuất liên quan đến phụ nữ, cán bộ nữ đã được Thành ủy, UBND thành phố ghi nhận, cụ thể hóa thành chủ trương trong từng khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bố trí sử dụng cán bộ nữ. Cụ thể như việc thí điểm xây dựng mô hình thành phố an toàn thân thiện cho phụ nữ và trẻ em…

Ở cấp cơ sở, những cuộc tiếp xúc đối thoại giữa cán bộ, hội viên phụ nữ với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cũng diễn ra đều đặn, thiết thực và hiệu quả. Trên “diễn đàn này” các chị em đã nói lên được tiếng nói của mình và đề đạt những vấn đề của giới với chính quyền. Đó có thể là những kiến nghị của các nữ vận động viên, huấn luyện viên thể dục thể thao về chính sách nghề nghiệp sau tuổi 35, là tâm tư của các nữ công nhân lao động ngành vệ sinh môi trường về an toàn lao động, là trăn trở của những công nhân nhập cư… Tuy nhiên, an toàn cho phụ nữ và trẻ em, bảo vệ môi trường, giao thông - trật tự đô thị… vẫn là những vấn đề được quan tâm hơn cả. 

Tại cuộc đối thoại với lãnh đạo Quận ủy Q.8 ngày 1/6/2019, khi các dì, các chị đề xuất việc kiểm tra các trường mầm non, can thiệp vào những vụ bạo lực gia đình, kiên quyết với vấn nạn xâm hại tình dục, Phó Bí thư thường trực Quận ủy, người chủ trì cuộc đối thoại, đã đề nghị các ngành giáo dục, công an phản hồi và đưa ngay ra hướng xử lý cho từng vấn đề. Bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh - cán bộ Hội Phụ nữ P.6 - nói: “Tôi rất tâm đắc về cuộc đối thoại này. Theo tôi, cần nhiều hơn những buổi gặp gỡ trực tiếp như thế để giúp chị em phụ nữ có cơ hội tham gia thảo luận, giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em”. 

Lồng ghép các vấn đề của giới vào chính sách

Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM lần thứ XI cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội đã tham mưu đề xuất chính sách đối với phụ nữ dân tộc thiểu số và lao động nữ hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố; tham gia đóng góp ý kiến đối với 55 dự thảo, dự án luật, các văn bản hướng dẫn thi hành các chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, gia đình, bình đẳng giới của các bộ ngành và cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM… Không chỉ góp ý xây dựng luật pháp, Hội LHPN thành phố còn tham gia phản biện dự thảo đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn thành phố, tổ chức hội thảo góp ý các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và dự thảo báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. 

Hội LHPN Q.6 tập huấn kỹ năng giám sát và phản biện xã hội cho cán bộ Hội
Hội LHPN Q.6 tập huấn kỹ năng giám sát và phản biện xã hội cho cán bộ Hội

Để đạt được hiệu quả cao trong công tác giám sát, phản biện xã hội, các cấp Hội đã không ngừng học hỏi. Những lớp bồi dưỡng kỹ năng nắm bắt dư luận, giám sát, phản biện xã hội được tổ chức từ cấp thành đến cơ sở với nhiều đối tượng cán bộ, hội viên tham gia học tập. Bài bản hơn, Hội LHPN thành phố còn thực hiện hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở: “Công tác giám sát của các cấp Hội LHPN TP.HCM - thực trạng và giải pháp” và “Công tác phòng, chống xâm hại trẻ em của các cấp Hội LHPN trên địa bàn TP.HCM - thực trạng và giải pháp”. Kết quả nghiên cứu của các đề tài đã góp phần vào quá trình quản lý, hoạch định, điều chỉnh, bổ sung chính sách, làm cho chính sách pháp luật ngày càng trở nên thiết thực và sát với đời sống. Từ đó, quy trình tiếp nhận, xử lý, can thiệp những vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em cũng được thống nhất trong toàn hệ thống Hội.

Những buổi góp ý về các dự án luật thay đổi, bổ sung như Luật Dân sự 2015, Luật Hình sự 2015 và mới đây là dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Lao động, Luật Khiếu nại, tố cáo… do Hội tổ chức đã thể hiện rất rõ sự tâm huyết, trăn trở của các chị em với từng câu, từng chữ trong các văn bản. Các văn bản luật sau khi được ban hành, thực thi, các chị lại tiếp tục phát hiện và ghi lại những bất cập để kiến nghị sửa đổi cho phù hợp. Mỗi khi có vụ việc xảy ra, cán bộ phụ trách nhiệm vụ chính sách pháp luật của các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tham gia giám sát việc giải quyết nhằm bảo vệ nạn nhân; chia sẻ, hỗ trợ cho nạn nhân một cách căn cơ, lâu dài.

Luật sư Trương Thị Hòa - Đoàn Luật sư TP.HCM - cho biết, với vai trò một luật sư, bà phải tham gia nhiều lần ở nhiều nơi khi góp ý cho các dự án luật. Thế nhưng bà vẫn luôn chờ đợi những buổi góp ý dự thảo luật do Hội LHPN thành phố tổ chức, vì ở đó, các kiến nghị của bà về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em không chỉ được trân trọng, ghi nhận một cách đầy đủ, toàn diện, mà còn được chia sẻ, thấu cảm của những người có chuyên môn, trân quý từng số phận phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người neo đơn, yếm thế. 

Nghi Anh

 

“Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM lần thứ XI cho thấy, 5 năm qua, Hội LHPN các cấp tại TP.HCM đã tham gia giải quyết 190 vụ việc liên quan phụ nữ, trẻ em; tiếp và tư vấn pháp luật trên 6.700 lượt công dân, nhận 1.254 đơn thư, bảo vệ quyền và lợi ích của hàng trăm phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục. Từ những lúng túng trong giai đoạn đầu, đến nay, Hội LHPN các cấp đã thực hiện bài bản, hiệu quả hơn trong từng bước xử lý các tình huống, vụ việc; không chỉ là cử luật sư tư vấn, can thiệp hay thông qua hệ thống các kênh thông tin của Hội để gióng lên tiếng nói về an toàn vệ sinh thực phẩm, về chống xâm hại, bạo lực với phụ nữ và trẻ em, góp phần bảo vệ và xây dựng gia đình hạnh phúc… mà còn là những bước đi nghiêm túc, khoa học. Qua quá trình giám sát, các chị nhận ra những “lỗ hổng” trong các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em và đã ra sức “lấp đầy” bằng tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên, phụ nữ; xây dựng quy trình để chủ động phối hợp các cấp, các ngành, lên tiếng bằng văn bản để phản biện các vấn đề liên quan đến giới. Bằng kết quả các công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, bằng những kiến nghị lồng ghép giới trong các luật, bộ luật, chính sách pháp luật rõ ràng, Hội LHPN TP.HCM đã gửi những kiến nghị của giới đến đúng nơi, đúng chỗ. Đó là sự tiến bộ vượt bậc của Hội LHPN TP.HCM cả trong nhận thức và hành động”.

 Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI