Anh Hai Nghĩa - người đồng chí mẫu mực, tấm gương sáng cho mọi người soi chung

21/02/2021 - 06:12

PNO - Với tôi, anh Hai Nghĩa (nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng) vừa là người bạn chí cốt, là người đồng chí mẫu mực, một tấm gương sáng cho mọi người cùng soi chung.

 

Hoc vien Hoc ky quan doi den nha ong Hai Nghia thang 6-2017
Học viên Học kỳ quân đội đến nhà anh Hai Nghĩa hồi tháng 6/2017
Anh Hai Nghĩa vận động nhà tài trợ mua bảo hiểm y tế cho người nghèo ở Bến Tre
Anh Hai Nghĩa vận động nhà tài trợ mua bảo hiểm y tế cho người nghèo ở Bến Tre
Trờ về quê nhà sau thời gian công tác, anh chăm sóc vườn tược như một nông dân chính hiệu
Trở về quê nhà sau thời gian công tác, anh chăm sóc vườn tược như một nông dân chính hiệu

Tôi và anh Hai Nghĩa - Trương Vĩnh Trọng là người cùng quê, tại xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Từ nhỏ, chúng tôi cùng học tiểu học tại trường Bến Miễu, anh Hai Nghĩa học trên tôi một lớp. Năm 1955, tôi học lớp nhì tại Bến Miễu, anh Hai Nghĩa học lớp nhứt trường Giồng Trôm. Năm 1956, Trường trung học tư thục Bình Hòa dời về chợ Bến Miễu, anh Hai Nghĩa vào học lớp đệ thất. Cuối năm 1956, tôi thi tiểu học và năm 1957 lên học đệ thất trường Bình Hòa, anh Hai Nghĩa học lớp đệ lục.

Trường trung học tư thục Bình Hòa chỉ có 3 lớp: đệ thất, đệ lục và đệ ngũ. Chúng tôi cùng học và cùng hoạt động trong phong trào học sinh của trường. Anh Hai Nghĩa là người hiền hậu, chăm chỉ và rất tích cực hoạt động trong phong trào học sinh cùng với các anh Trần Văn Bộ (Ba Nhiệm, nguyên Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM), Hà Văn Hiển (Tư Biên, phu quân bà Trương Mỹ Hoa - nguyên Phó chủ tịch nước), Lục Văn Bời (Sáu Thắng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre), Bùi Quang Tôn (Sáu Phong, nguyên Phó trưởng ban Dân vận Trung ương)...

Trường Bình Hòa thực chất là một cơ sở cách mạng hoạt động công khai tại thị trấn Giồng Trôm dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Ba Tri (vì lúc đó chưa có huyện Giồng Trôm).

Tháng 4/1958, bọn công an quận Giồng Trôm phát hiện trường Bình Hòa là cơ sở của cách mạng nên chúng vây ráp bắt các giáo viên. Trường đóng cửa, chúng tôi phải tìm đường chạy lên Sài Gòn và các huyện để lánh nạn, tôi và anh Hai Nghĩa không còn liên lạc cho đến sau Đồng Khởi 1960 mới gặp nhau.

Đầu năm 1964, tôi về công tác tại tòa soạn Báo Chiến Thắng (tiền thân Báo Đồng Khởi), thỉnh thoảng có gặp anh.

Sau ngày giải phóng 30/4/1975, chúng tôi mới gặp nhau thường, nhưng sau đó tôi đi học trường mỹ thuật, anh công tác tại Ban Tuyên huấn tỉnh Bến Tre.

Năm 1983, anh Hai Nghĩa về làm Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm, anh có nhờ tôi vẽ một bức tranh để treo ở văn phòng. Tôi vẽ bức sơn dầu khổ 90cm x 120cm, đề tài là Mùa mía ở Giồng Trôm.

Bức tranh được anh Hai Nghĩa treo một cách trân trọng tại Văn phòng Huyện ủy. Sau đó khoảng một tuần, anh cử người đến trả nhuận bút cho tôi, số tiền 290 đồng (bằng 3 lần lương hàng tháng của tôi).

Năm 1991, khi về làm Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, anh Hai Nghĩa là một trong bảy đồng chí của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre duyệt và đồng ý phác thảo tượng Đồng Khởi của tôi; đã được thi công tại trung tâm thành phố Bến Tre.

Như một duyên may, năm về Giồng Trôm công tác, anh mua đất cất nhà ở cạnh nhà tôi (ấp 3, xã Lương Quới, Giồng Trôm). Từ đó, chúng tôi có điều kiện gặp nhau thường xuyên hơn. Cho đến sau này, khi bị bệnh nặng, anh vẫn đến nhà tôi chơi hoặc điện thoại cho tôi xuống chơi, ăn bánh xèo.

Cách nay mấy ngày, được tin anh trở bệnh nặng, ra đi mãi mãi nhưng tôi vẫn không khỏi bàng hoàng. Với tôi, anh Hai Nghĩa vừa là người bạn chí cốt, là người đồng chí mẫu mực, một tấm gương sáng cho mọi người cùng soi chung.

Lê Dân

(Nguyên Chủ tịch Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre)

 

 

 

 
TIN MỚI