Âm nhạc thiếu nhi: Còn ai mặn nồng?

03/06/2021 - 06:15

PNO - Nhiều năm qua, nhạc sĩ sáng tác nhạc thiếu nhi chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Không có “giải pháp” kịp thời, nguồn âm nhạc phù hợp lứa tuổi của trẻ sẽ tiếp tục thiếu hụt.

Tác giả, tác phẩm đều… hiếm

Cuối tháng 12/2020, Nguyễn Văn Chung được xác lập kỷ lục nhạc sĩ trẻ sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi nhất Việt Nam, với tổng số 300 sáng tác. Anh đã dành suốt tám năm cho dự án này. 

Hiện, Nguyễn Văn Chung đang tập trung cho việc phát hành, phổ biến chúng, như in sách, quảng bá đến các trường học, trung tâm văn hóa thiếu nhi… Anh dự định triển khai dự án thiếu nhi hát nhạc thiếu nhi để vực dậy mảng này trong thời gian tới. Cụ thể, anh mong 300 tác phẩm của mình sẽ xuất hiện nhiều hơn trên truyền hình, sân khấu thiếu nhi, đài phát thanh…

Đến năm 2019, nhạc sĩ Hoài An và em trai - nhạc sĩ Đỗ Hoài Phúc - đã có 100 MV, tương ứng 100 ca khúc thuộc nhiều chủ đề khác nhau như: gia đình, lễ hội, truyền thuyết… Trong đó, có thể kể đến Hồn quê tò he, Ba miền nghĩa nặng tình sâu, Kính vạn hoa, Hạnh phúc của ba… Hiện Hoài An vẫn đang tiếp tục phát triển dự án này.

Hình ảnh trong MV Hồn quê tò he của nhạc sĩ Hoài An
Hình ảnh trong MV Hồn quê tò he của nhạc sĩ Hoài An

Màu sắc, phong cách có thể khác nhau, nhưng cả hai đều gặp nhau ở một điểm: sự trăn trở với mảng âm nhạc thiếu nhi đã bị bỏ khuyết, mà trước tiên họ quan sát được từ con em mình. Ngoài Nguyễn Văn Chung và Hoài An, thì nhiều năm trở lại đây, rất ít nhạc sĩ sáng tác cho thiếu nhi. Chiếc bụng đói (Tiên Cookie), Về ăn cơm (Sa Huỳnh) là hai ca khúc hiếm hoi nổi bật trong mảng này. Vì vậy có thể thấy, sự quan tâm của người lớn dành cho sự phát triển tâm hồn của trẻ em rất thiếu hụt, thậm chí bị xem nhẹ.

Cuối tháng 4/2021, trại sáng tác ca khúc thiếu nhi lần đầu tiên được Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tại Tam Đảo, thu được 77 tác phẩm. Đây là một nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng liệu có hơi muộn màng?

Tìm thị trường cho âm nhạc thiếu nhi: dễ hay khó?

Chúng ta đều biết, trẻ em là tương lai của đất nước. Chúng ta càng biết rõ, sẽ không có sự phát triển bền vững, nếu đời sống tinh thần không được chăm chút. Âm nhạc chính là yếu tố giúp làm giàu cảm xúc, định hướng tâm hồn, suy nghĩ cho trẻ từ những năm tháng đầu đời. Để đảm bảo sự phát triển bền vững cho âm nhạc thiếu nhi trong tương lai, chỉ vài nhạc sĩ gồng gánh sẽ là điều không thể. 

Sáng tác nhạc thiếu nhi dễ ở chỗ câu từ ngắn gọn, dễ hiểu, cảm xúc trong sáng đơn thuần. Nhưng rất khó ở việc không phải ai cũng có thể thực sự bước vào thế giới của con trẻ, bằng cách chơi, tiếp cận, và thấu hiểu chúng… Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói anh sẽ không tài nào hoàn thành được dự án trên, nếu bản thân anh chưa có con.

Vì thế, các nhạc sĩ trẻ cũng có những hạn chế nhất định khi tham gia vào mảng này. Chưa kể, theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, việc sáng tác nhạc thiếu nhi khó thể mang về danh tiếng, tài chính tốt như sáng tác nhạc dành cho người lớn.

“Nhạc sĩ cũng giống như nhiều nghề nghiệp khác, muốn cống hiến cũng phải lo những điều căn bản cho bản thân, gia đình. Ai cũng có ước mơ, lý tưởng nhưng phải bảo đảm cuộc sống cơ bản”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ. Không tiết lộ cụ thể, nhưng anh tâm sự rằng những năm qua, anh đã bỏ tiền túi khá nhiều để duy trì dự án này. 

Nhạc sĩ Hoài An cho biết, tuy vẫn có nhạc sĩ tâm huyết, nhưng để thu âm, quay hình, dàn dựng và phát hành chính thức những ca khúc này, lại là một câu chuyện khác, vì cần rất nhiều nguồn lực để đầu tư. Điều này rất khó khăn. Ngoài ra, một khó khăn khác còn đến từ việc “cung”, “cầu” chưa gặp được nhau. Thị trường, đầu ra là yếu tố khá quan trọng để giải quyết thắt nút. Bởi khi có thị trường tiêu thụ, sẽ kích thích được nhạc sĩ tham gia sáng tác. Hoài An đặt ra ba vấn đề cần giải quyết: ai đầu tư, giới thiệu kênh nào, quảng bá ra sao? Riêng nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, sau những nỗ lực nhất định đã có sáu ca khúc được đưa vào chương trình giảng dạy cho học sinh bậc tiểu học. 

Gameshow, các chương trình truyền hình cũng là những điểm đến lý tưởng, nhưng hiện còn nhiều vướng mắc. Chẳng hạn, nhà sản xuất lại chuộng những bài hit của người lớn viết lời lại cho trẻ con. Truyền hình không có những khung giờ ưu tiên cho chương trình giải trí nói chung và ca nhạc nói riêng dành cho thiếu nhi. Và để điều chỉnh được thực trạng này, tiếng nói, chiến lược của các nhạc sĩ là không đủ.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng sự quan tâm của cơ quan quản lý đã có nhưng chưa triệt để. Anh đề xuất nên có những chương trình, dự án cụ thể phát triển âm nhạc thiếu nhi, trong đó Nhà nước có thể hỗ trợ về kinh phí để trước nhất vực dậy mảng này. Khi thiếu nhi có điểm vui chơi, thương hiệu giải trí quen thuộc, thì sẽ tạo cơ hội cho âm nhạc. Cơ quan quản lý văn hóa cần có sự hướng dẫn để các đài truyền hình có khung giờ ưu tiên dành cho văn nghệ thiếu nhi. Hơn nữa, anh mong các nhạc sĩ trẻ sẽ dành thời gian quan tâm hơn đến mảng này.

Với vai trò nhạc sĩ lẫn phụ huynh, nhạc sĩ Sa Huỳnh bày tỏ quan điểm: “Ngoài sự cố gắng từ bên ngoài, thì phụ huynh cũng đóng một vai trò không nhỏ. Bởi thông thường họ nghe gì, con em cũng sẽ nghe theo như thế. Đây cũng là một nhánh tác động rất lớn đến thị trường. Hiện tại, theo tôi quan sát, phụ huynh đã bắt đầu quan tâm hơn đến cách giáo dục con em, trong đó có đời sống tinh thần. Vì thế, chúng ta cần nhân rộng, đẩy mạnh điều này để ý thức đó phủ sóng rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Mọi sự thay đổi đều xuất phát từ ý thức, giáo dục”. 

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsaovi /strCate=sao

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhautruongvi /strCate=hautruong
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgiaitrivi /strCate=giaitri