Âm nhạc mùa chia tay tuổi học trò: Sự lãng mạn mỗi thời mỗi khác

20/07/2021 - 06:45

PNO - Giai điệu, ngôn từ được giới trẻ ưa chuộng đã khác đi nhiều. Điều đó có làm mất đi chất trữ tình, mộng mơ vốn có của những ca khúc này?

Đến hẹn lại lên

Ca sĩ Hồng Nhung vừa cho ra mắt MV Một nhành hoa phượng vĩ (sáng tác Nguyễn Duy Hùng) trước khi học sinh cả nước bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Bài hát nói về tình cảm chớm nở của đôi bạn trong những ngày tháng cuối của tuổi học trò, và sự luyến tiếc, nhớ thương khi nhìn lại quá khứ. Với sáng tác này, anh sử dụng phong cách ballad làm chủ đạo, kết hợp giữa country và folk tạo nên giai điệu nhẹ nhàng, du dương - mô típ đang khá thịnh hành với giới trẻ.

Trước đó, Ngô Lan Hương cũng đã giới thiệu Mùa hè ấy em khóc, với những nỗi nhớ nhung kỷ niệm thuở cắp sách đến trường như: giờ ra chơi, ôn bài, kiểm tra cho đến những cảm xúc bâng khuâng đầu đời.

Ngô Lan Hương trong MV Mùa hè ấy em khóc
Ngô Lan Hương trong MV Mùa hè ấy em khóc

Đến hẹn lại lên, tháng Năm, Sáu hằng năm là thời điểm các ca sĩ, nhạc sĩ giới thiệu loạt ca khúc dành cho mùa chia tay của học trò. Tuy nhiên, năm nay, tình hình vắng lặng hẳn. Nhạc sĩ Dương Trường Giang (tác giả Hẹn nhau nơi ấy) nhận định dù âm nhạc tuổi học trò mùa chia tay là mảng đề tài khá thú vị, không có tính cạnh tranh cao, nhưng do chỉ xuất hiện trong một thời điểm nhất định, thời gian tồn tại tương đối ngắn, nên khó kích thích tác giả sáng tác hơn so với chủ đề khác. Một lý do khác, theo nhạc sĩ Nguyễn Duy Hùng, có thể các tác giả vẫn sáng tác, nhưng chưa tìm được người trình bày phù hợp nên chưa cho ra mắt.

Sự lãng mạn mỗi thời mỗi khác

Điểm chung của những ca khúc này là cảm xúc ngây thơ, trong sáng, phù hợp với lứa tuổi học trò. Trước nay, chúng thường được thể hiện qua ngôn ngữ và giai điệu mềm mại, đậm chất thơ, ngọt ngào, da diết. Boléro hay ballad được các nhạc sĩ ưa chuộng vì thể hiện rõ điều này. 

MV Một nhành hoa phượng vĩ - Hồng Nhung:

 

 

Nhưng âm nhạc luôn vận động và phát triển không ngừng. Trong số những ca khúc được kể trên, Tháng năm không quên của H2K và KN hơn 42 triệu lượt xem trên YouTube, trở thành hiện tượng với giới học sinh trong vài năm trở lại đây. Những ngày học cuối cũng thu về hai triệu lượt xem. Tháng năm không trở lại, Hết giờ học cuối cũng được yêu thích, xuất hiện rất nhiều bản cover từ học sinh, biểu diễn trong các hoạt động ngoại khóa. Những tác phẩm này đều có giai điệu hiện đại, cách xử lý nhịp phách gãy gọn, hoặc tiết tấu nhanh, kết hợp với rap, thay cho những câu hát dài, luyến láy như trước đây trong những bản boléro, hoặc ballad. 

Dễ thấy, sự thay đổi này là tất yếu khi gu tiếp nhận âm nhạc của học sinh sau này, đặc biệt thế hệ gen Z đã thay đổi nhiều. Trong đó, rap, nhạc indie… được nhóm khán giả này rất ưa chuộng. “Âm nhạc phản ánh chính xác thời đại chúng ta đang sống. Thời đại nào, âm nhạc cũng sẽ được thể hiện theo đúng ngôn ngữ của thế hệ đang làm chủ thị trường. Âm nhạc hiện tại chỉ trong một năm đã thay đổi rất nhiều, huống gì đến một thế hệ”, nhạc sĩ Dương Trường Giang chia sẻ.

Không chỉ giai điệu, anh cho rằng ngôn ngữ, cách thể hiện nội dung cũng đã khác đi nhiều. Ngày trước, nhạc sĩ thường mượn cảnh vật, hình ảnh để bày tỏ cảm xúc qua những từ ngữ đậm chất thơ, trữ tình, thì nay giới trẻ chuộng nội dung được thể hiện gọn gàng, đi thẳng vào vấn đề, thể hiện rõ cái tôi của mình. 

MV Mùa hè ấy em khóc - Ngô Lan Hương:

 

 

Cùng nói về nỗi buồn khi chia xa, nhạc sĩ Thanh Sơn từng viết trong Ba tháng tạ từ: “Cầm tay bốn mắt thương cảm nỗi sầu/ Tiễn đưa bùi ngùi bốn mắt như nhau/ Đời không bao giờ gặp nhau mãi mãi/ Thương yêu rồi nỡ đành biệt nhau/ Để nhung nhớ muôn vạn ngày sau”. 

Nay, cũng với cảm xúc ấy, Ngô Lan Hương (sinh năm 1998) viết trong Mùa hè ấy em khóc: “Em khóc vì, cơn mưa mùa hạ buồn quá/ Em khóc vì, tiếng chân không còn vội vã/…/ Em ước rằng, giấc mơ mùa hạ năm ấy/ Và những giọt nước mắt đã rơi, sẽ luôn ở lại”. 

“Môi trường sống, giáo dục, thời đại có tác động không nhỏ đến việc sáng tác, thể hiện. Người trẻ hiện tại luôn đề cao việc đi thẳng vào vấn đề, nhanh gọn, trực diện. Đó cũng là cách vận hành chung của xã hội hiện tại. Tuy nhiên, tôi không cho rằng việc thay đổi về nhịp điệu, sử dụng ca từ sẽ làm mất đi sự lãng mạn, thơ mộng. Mỗi thời sẽ có cách cảm nhận, thể hiện khác nhau. Có thể thế hệ trước nghe nhạc mùa chia tay của thế hệ sau này khó cảm, nhưng với họ đó mới là những điều gần gũi”, nhạc sĩ Dương Trường Giang nhận định. 

“Dòng chảy âm nhạc luôn vận động không ngừng để phát triển, hay hơn, đẹp hơn và hiện đại hơn nữa là điều tất yếu. Chúng làm thay đổi lối viết nhạc và sản xuất âm nhạc tại Việt Nam. Công nghệ số phát triển, khán giả tuổi học trò có nhiều sự lựa chọn để nghe loại nhạc họ thích là hết sức bình thường, quan trọng là nhạc sĩ có viết được bài hay và hợp thời đại không để các bạn tuổi học trò tìm nghe”, nhạc sĩ Nguyễn Duy Hùng nói. 

Người trẻ sáng tác sẽ dễ tiệm cận người trẻ. Nhưng không ít nhạc sĩ đi trước vẫn viết cho mảng đề tài này. Anh cho rằng, dẫu bài hát có thể mang đậm ký ức của thế hệ trước, nhưng cách hòa âm, phối khí phải hiện đại để bắt nhịp được với giới trẻ, như thế mới giúp ca khúc có sức sống khi bước ra thị trường. 

Trung Sơn

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI