Ai bảo vệ người chống tham nhũng?

28/06/2020 - 14:16

PNO - Ai bảo vệ người chống tham nhũng? Pháp luật. Cơ quan nào bảo vệ báo chí phòng, chống tham nhũng? Hệ thống luật pháp, các quy định, chỉ thị của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng... Nhưng vẫn “rơi rớt” đâu đó những con người, chính họ áp dụng, vận hành, điều khiển luật lẫn... lệ.

Năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc nội xâm. 

Tháng 6/2018, tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khẳng định tiếp tục “đẩy mạnh cuộc chiến chống giặc nội xâm đang ở giai đoạn hết sức quan trọng, quyết liệt”. 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân kiểm tra điểm nóng xây dựng không phép ở xã Vĩnh Lộc A, sáng 17/5 -Ảnh: Trung Thanh
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân kiểm tra điểm nóng xây dựng không phép ở xã Vĩnh Lộc A, sáng 17/5 - Ảnh: Trung Thanh

Ngày 30/11/2019, tại hội nghị tiếp xúc cử tri tỉnh Yên Bái, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là bước đột phá trong công tác xây dựng Đảng. 

Trong Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 -2025, bản dự thảo lần 2, phần Mục tiêu, phương hướng, chương IV, mục 2.1, điểm 4 - Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đoạn cuối: "Phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí". 

Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi. Chống tham nhũng là chống ngay chính các chủ thể  có quyền hạn, chức vụ. Báo chí phòng, chống tham nhũng cũng không nằm ngoài phạm vi đối tượng, đề tài này. Nhưng, một khi các “chủ thể” đã biết cách leo cao luồn sâu, “đóng vai” trong nhiều lớp diễn thì từ điểm hoài nghi, phát hiện đến tiếp cận, bóc tách và phơi bày sự thật của bản chất, hành vi, hậu quả tham nhũng là cả một "trận đồ" thách thức, cam go. 

Vả lại, trong điều kiện “nắng mưa” của việc áp dụng vào thực tế Luật tiếp cận thông tin, của cái gọi là cơ chế người phát ngôn thì báo chí, nhất là ở mảng đề tài phòng, chống tham nhũng luôn ở trạng thái… hẹn giờ hoặc ngoài vùng phủ sóng; dễ dẫn tới nguy cơ sập bẫy, là nạn nhân của chính những quy định mà đúng ra, báo chí được quyền thụ hưởng. 

Báo chí cách mạng Việt Nam là công cụ tuyên truyền của Đảng, là nhịp cầu để kết nối nhân dân với Đảng, Nhà nước trên mặt trận thông tin, tư tưởng... Phòng, chống tham nhũng là hành động nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ trong Đảng, là củng cố sức mạnh chính nghĩa của tổ chức Đảng.

Ngoại trừ toan tính lợi dụng, nhân danh mục tiêu tốt đẹp để thực hiện hành vi vụ lợi, có động cơ tiêu cực thì thái độ, sự chọn lựa đi vào mảng đề tài nguy hiểm này, luôn xác tín một sự dấn thân trách nhiệm với Đảng - là niềm tin, tin vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng để xây dựng Đảng ngày một tốt đẹp hơn; với nhân dân - là nhằm góp phần tạo nên một môi trường trong sạch, văn minh, người dân được thụ hưởng tương xứng với những gì họ đã lao động, đóng góp mà không bị thiệt thòi, xói mòn bởi các "chủ thể" tham nhũng. 

Dù vậy, dù “chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm” nhưng khi chọn lấy, giữ lấy ngòi bút chính nghĩa mà “đâm mấy thằng gian”, há dễ để nhận diện gian tà hay chính nghĩa đằng sau cái “chủ thể” quan chức lại bộ kia.

Ai bảo vệ người chống tham nhũng? Pháp luật. Cơ quan nào bảo vệ báo chí phòng, chống tham nhũng? Hệ thống luật pháp, các quy định, chỉ thị của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng... Nhưng vẫn “rơi rớt” đâu đó những con người, chính họ áp dụng, vận hành, điều khiển luật lẫn... lệ. 

Xin khép lại bài viết bằng một con người với cái tên… viết tắt, chị M. Sở dĩ tôi phải viết tắt tên chị vì chính chị là người đã gọi điện thoại, hẹn và dẫn phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM đến từng ngóc ngách của nạn xây nhà lụi không phép trên đất nông nghiệp ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM. Nhờ chị - một bạn đọc luôn tin rằng “Báo Phụ Nữ sẽ dám làm tới cùng vụ này” mà chúng tôi đã có loạt 3 bài về vấn nạn này. Ngày báo đăng bài, chị M. mừng mà lo. 

Ngày 17/5, đích thân Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn công tác về thị sát, kiểm tra, làm việc với huyện, xã, ông quyết liệt chỉ đạo chấm dứt tình trạng xây nhà trái phép này.

Hôm ấy, chị M. đứng lẫn trong bà con, dõi theo ông bí thư đi thị sát, khấp khởi tin, lần này ắt sẽ dẹp được đám đầu nậu, bảo kê. 

Còn chúng tôi, ít nhất với tuyến bài này, đã có được người-bảo-vệ! 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI