Hình mẫu về lòng kiên trung, tận tuỵ
Với 88 năm tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã để lại những giá trị tinh thần và bài học mẫu mực về lòng kiên trung, tận tụy vì dân, vì nước. Trong điếu văn đọc tại lễ truy điệu sáng 25/5, Chủ tịch nước Lương Cường - Trưởng ban lễ tang - nhận định: “Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là nhà lãnh đạo có uy tín lớn, một tấm gương sáng về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, một đảng viên cộng sản kiên trung”.
Cũng theo điếu văn, từ người kỹ sư đến cán bộ lãnh đạo ngành mỏ - địa chất, đến các vai trò như Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó thủ tướng và Chủ tịch nước, ông luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, chí công vô tư. Ông đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện thành công đường lối đối ngoại mở rộng, đa dạng hóa, đa phương hóa trên các lĩnh vực, từ đó mở ra những cơ hội lớn cho sự phát triển của đất nước, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam.
 |
Lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương sáng 25/5 tại nhà tang lễ Quốc gia (TP Hà Nội) - Ảnh: Bảo Khang |
Tổng bí thư Tô Lâm ghi vào sổ tang tiễn biệt: “Trên mọi cương vị công tác, đồng chí luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có phương pháp làm việc khoa học, tận tụy, có lối sống giản dị, khiêm tốn, gần gũi với đồng chí, anh em, với nhân dân… Đồng chí là đảng viên cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo tận tụy, mẫu mực, người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi anh hùng, là người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính viết: “Trong quá trình hoạt động và lãnh đạo đất nước, đồng chí luôn thể hiện là nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, sâu sắc, thực tế, lấy hiệu quả làm thước đo cao nhất. Cuộc đời cống hiến của đồng chí là tấm gương sáng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân noi theo”.
Đại diện cho gia đình, ông Trần Tuấn Anh đã có những lời chia sẻ xúc động về cha mình: “Ba đã dạy chúng tôi bài học về lòng yêu nước, về sự tận tâm với công việc, về cách sống chân thành, giản dị, khiêm nhường, về trách nhiệm đối với đất nước, với nhân dân. Những lời dạy và tấm gương của ba sẽ luôn là hành trang cho các thế hệ con cháu chúng tôi trong cả công tác và cuộc sống. Với mẹ tôi và gia đình tôi, ba là người chồng mẫu mực, suốt đời thủy chung, luôn là chỗ dựa vững chắc. Tình yêu giản dị mà sâu đậm của ba mẹ tôi đã cho chúng tôi được sinh ra và trưởng thành trong một gia đình bình dị nhưng luôn tràn đầy hạnh phúc”.
Người lãnh đạo giản dị, tình nghĩa
Trong ngày 24 và 25/5, tại TPHCM, hàng ngàn người dân từ khắp nơi đã đến Hội trường Thống Nhất để tiễn biệt và bày tỏ lòng tiếc thương đối với nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
 |
Đại biểu tham dự lễ truy điệu của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương sáng 25/5 tại Hội trường Thống nhất (TPHCM) - Ảnh: Thanh Tâm |
Đứng trước di ảnh ông Trần Đức Lương, bà Vũ Thị Minh Thái - 84 tuổi, ở phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM - nghẹn ngào: “Sự ra đi này là tổn thất lớn của gia đình, của đất nước”. Là đồng hương, bạn học (cùng học ở Trường cấp II Nguyễn Nghiêm, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), bà Minh Thái có nhiều kỷ niệm đặc biệt với nguyên Chủ tịch nước. Bà kể: “Hồi đó, anh học trên tôi 2 lớp. Dù không học chung lớp nhưng qua bạn bè, tôi biết anh rất hiền lành, tốt với bạn bè và chăm học. Có lần đi học về, chúng tôi rủ nhau đi Phổ Quang hái trái quăng ăn. Tôi đứng dưới gốc cây ngửa nón ngóng lên trên, còn anh ở trên cứ nói vọng xuống: “Thái, chụp nè”. Cứ chùm nào chín đỏ, anh đều dành cho tôi vì tôi là em út trong nhóm”.
Kỷ niệm tuổi học trò đã theo bà Minh Thái hơn 70 năm nay. Sau này, bà Thái tham gia đánh Mỹ ở chiến trường Quân khu 5, còn ông Trần Đức Lương tập kết ra Bắc. Dù không có cơ hội gặp nhau nhưng bà luôn dõi theo quá trình trưởng thành trong công tác, cho đến khi người anh đồng hương của mình lên làm Chủ tịch nước. Khi nghe tin nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần, bà đã khóc vì tiếc thương người anh thân thiết, cũng là người lãnh đạo một đời tận tụy vì nước, vì dân.
Cùng gia đình đến Hội trường Thống Nhất, bà Nguyễn Ngọc Ánh - con dâu của cố Tổng bí thư Trường Chinh - nhận xét, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một trong những vị lãnh đạo có tâm, có tầm và có nhiều cống hiến to lớn cho đất nước Việt Nam. Bà kể, khi còn ở nhà kế bên Văn phòng Trung ương Đảng, gia đình bà vẫn thường đón nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương ghé thăm, trò chuyện và thắp hương cho cố Tổng bí thư Trường Chinh và phu nhân. “Lần nào gặp, tôi cũng ấn tượng và cảm mến sự gần gũi, lối trò chuyện thân tình như giữa những người dân bình thường với nhau, không quan cách của nguyên Chủ tịch nước. Chẳng những đối với gia đình chúng tôi mà đối với dân chúng cũng thế, bác Lương rất bình dị, dễ gần” - bà Nguyễn Ngọc Ánh kể.
Có mặt ở Hội trường Thống Nhất, anh Lê Anh Đức cho biết, gia đình anh từ tỉnh Đồng Nai đón xe đến đây để thắp hương tiễn biệt nguyên Chủ tịch nước. Anh bộc bạch: “Mẹ và các dì tôi từng làm việc dưới thời bác Trần Đức Lương còn đương nhiệm, nên khi nghe tin lễ viếng được tổ chức ở TPHCM, họ đều muốn đến tận nơi để bày tỏ lòng kính trọng”.
Bà Hoàng Thị Thuật - 85 tuổi, mẹ anh Đức - đã không quản ngại đường xa để đến dự lễ viếng. Bà xúc động nói, kể cả khi đương chức hay khi đã nghỉ hưu, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đều luôn quan tâm, gần gũi với cán bộ và nhân dân.
Nhóm phóng viên
Vị Chủ tịch nước để lại nhiều giá trị bền lâu Tôi gặp Chủ tịch nước Trần Đức Lương lần đầu tại Văn phòng Chủ tịch nước nhưng ấn tượng nhất là lần gặp vào năm 2000, khi ông đang dẫn đầu đoàn công tác đến đồng bằng sông Cửu Long - nơi vừa trải qua một mùa lũ lịch sử. Trong đoàn, có nhiều lãnh đạo cấp cao nhưng Chủ tịch nước cho dừng ghe giữa dòng, mời tôi sang ngồi cạnh ông để giải thích một vấn đề chuyên môn đang được tranh luận sôi nổi. Ông liên tục hỏi, rất cụ thể, rất sâu từ thủy văn đến địa chất, từ địa hình đến phương án khắc phục. Không ai có thể “trả bài” qua loa. Cách ông lắng nghe không chỉ để hiểu mà còn để hành động. Tối hôm đó, trong cuộc họp với Tỉnh ủy Kiên Giang, ông kết luận gọn gàng, rõ ràng, thể hiện một sự chuẩn bị nghiêm túc và quyết đoán. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Huy Ngọ từng nói: “Ông Lương có một cách nghe rất đặc biệt, nghe để nghĩ, để nhớ, để làm chứ không phải nghe cho có”. Nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh từng nhận xét: “Anh Lương ít nói nhưng lời nói chắc chắn. Anh không bị chi phối bởi cảm xúc nhất thời”. Dưới góc nhìn của người làm chuyên môn như tôi, ông Trần Đức Lương thuộc mẫu lãnh đạo hiếm có: đề cao tri thức, khuyến khích phản biện, không cần tâng bốc mà cần sự thẳng thắn. Ông là vị lãnh đạo sống thầm lặng, làm việc tận tụy, không ồn ào nhưng để lại nhiều giá trị bền lâu trong chính sách, trong tinh thần và trong ký ức của những người từng đồng hành. Tiến sĩ Tô Văn Trường |
Theo ban tổ chức lễ tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, trong 2 ngày Quốc tang, đã có hơn 830 đoàn với hàng chục ngàn người đại diện cơ quan, đoàn thể, địa phương, đơn vị, lực lượng vũ trang nhân dân, nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, tổ chức cá nhân trong nước và quốc tế đến viếng tại nhà tang lễ Quốc gia (TP Hà Nội), Hội trường Thống nhất (TPHCM) và quê nhà của nguyên Chủ tịch nước (tỉnh Quảng Ngãi). Nhiều đoàn ngoại giao, tổ chức quốc tế, lãnh đạo các nước đã gửi điện chia buồn tới Đảng, Nhà nước, Nhân dân cùng gia đình nguyên Chủ tịch nước. |