Xử lý nghiêm vi phạm để xóa dứt nạn “chặt chém” giá

17/02/2025 - 07:29

PNO - Dịp tết Ất Tỵ vừa qua, liên tục xuất hiện các nhà hàng, quán ăn bị du khách tố “chặt chém” giá. Điều này cho thấy, Nghị định 87/2024 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá (ban hành ngày 12/7/2024 và có hiệu lực thi hành ngay) vẫn chưa được thực hiện nghiêm.

Nổi cộm nhất là vụ việc xảy ra tối 3/2 (mùng Sáu tháng Giêng): nhóm 20 du khách Trung Quốc phải thanh toán hóa đơn ăn uống lên đến 20.441.200 đồng bao gồm 4.717.200 đồng tiền phụ thu ngày tết tại một nhà hàng ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Hóa đơn thể hiện mức giá gần 1,9 triệu đồng cho 1 phần cà tím nướng mỡ hành, 500.000 đồng cho 1 phần rau muống xào tỏi, 325.000 đồng cho 1 tô phở bò...

Cùng ngày, ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, một nhóm du khách cũng bị “chém” 1.010.000 đồng sau khi ăn bữa cơm gồm trứng chiên, mực, rau muống xào và canh mồng tơi. Khi bị khách phản ứng, chủ quán bèn giảm giá 30%, còn 700.000 đồng. Còn trước đó, ngày mùng Một tết, mạng xã hội xôn xao vụ một cô gái ở TP Hà Nội phải trả 1,2 triệu đồng cho 3 tô bún riêu.

Hóa đơn của nhà hàng ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, “chặt chém” các du khách Trung Quốc tối 3/2
Hóa đơn của nhà hàng ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, “chặt chém” các du khách Trung Quốc tối 3/2

Theo Nghị định 87/2024 của Chính phủ, các cơ sở kinh doanh ăn uống “chặt chém” bị phạt tiền và bị thu hồi khoản chênh lệch do tự nâng giá, đồng thời có thể bị đình chỉ kinh doanh có thời hạn để khắc phục hậu quả và có thể thu hồi giấy phép kinh doanh vĩnh viễn nếu tái phạm. Mức xử phạt cao nhất theo nghị định này là 150 triệu đồng đối với cá nhân và 300 triệu đồng đối với tổ chức.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM - cho rằng, cơ quan chức năng có thể áp dụng các biện pháp phạt “nguội” như dựa vào tin báo trực tiếp của khách hàng. Hiện nay, hệ thống mạng viễn thông, mạng xã hội đã phát triển nên việc liên lạc, phản ánh rất thuận tiện. Các cơ quan chức năng có thể thiết lập trang web, trang mạng xã hội hoặc đường dây nóng để tiếp nhận tin báo từ người tiêu dùng về các cơ sở buôn bán thức ăn, sản phẩm, cung cấp dịch vụ không đạt tiêu chuẩn hoặc tăng giá bất hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Lửa Việt - nhận định, hành vi “chặt chém” không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của vài người hoặc nhóm người nào đó mà còn gây tác hại rất lớn đến nền du lịch, khiến du khách có cái nhìn không đẹp về Việt Nam. Một số báo quốc tế đã phản ánh vấn đề này, nhấn mạnh rằng nó có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của du lịch Việt Nam.

Theo ông, để chấm dứt triệt để nạn “chặt chém” này, cần áp dụng nghiêm quy định về niêm yết giá kèm theo định lượng cụ thể, khuyến khích dùng hóa đơn điện tử. Cần công khai số điện thoại nóng của cơ quan quản lý ở nhiều nơi để nạn nhân kịp thời báo tin, tố cáo hành vi “chặt chém”. Mức xử phạt phải thật nặng, có thể gấp 50 lần số tiền “chặt chém” khách, đi kèm biện pháp bổ sung như thu hồi giấy phép kinh doanh 3-6 tháng ngay từ lần đầu, cấm vĩnh viễn nếu tái phạm nhiều lần. Nên quy trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương nếu để xảy ra vụ “chặt chém”.

Theo tiến sĩ kinh tế, luật sư Lê Bá Thường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và văn hóa doanh nghiệp - ở Thái Lan, chính phủ yêu cầu nhà hàng phải có thực đơn song ngữ, kèm mức giá; nếu vi phạm, nhà hàng sẽ bị rút giấy phép kinh doanh ngay lập tức. Còn ở Nhật Bản, có hệ thống xếp hạng nhà hàng theo độ minh bạch về giá cả; các cơ sở bị phản ánh về giá sẽ bị đánh dấu cảnh báo công khai. Bộ 3 cơ quan chức năng của Trung Quốc gồm quản lý thị trường, công an, quản lý du lịch phối hợp rất chặt chẽ để xử lý nhanh các phản ánh, đồng thời rất chú trọng hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu tầm quan trọng của việc bảo vệ hình ảnh du lịch quốc gia, đưa giáo dục về du lịch và văn hóa vào chương trình học từ cấp tiểu học đến trung học.

Từ cách làm của các nước, luật sư Lê Bá Thường đề xuất, cần xây dựng cổng thông tin hoặc ứng dụng di động để khách hàng có thể tra cứu mức giá phổ biến của các món ăn, thức uống, đồng thời có thể phản ánh ngay khi bị “chặt chém”. Các nhà hàng, quán ăn bị xử phạt về hành vi gian lận giá cần được công khai trên phương tiện truyền thông, định kỳ cập nhật danh sách các “điểm đen” về giá cả để người tiêu dùng nắm rõ. Các hiệp hội khách sạn, nhà hàng cũng nên tạo các bộ quy tắc đạo đức kinh doanh để hội viên tuân thủ.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI