Xe mo ngày cũ

08/10/2017 - 07:09

PNO - Ngay giữa xóm có một cây dừa mà mỗi khi hái trái, người lớn vẫn vứt bỏ đôi tàu lá và bọn hắn dùng để kéo nhau khắp xóm trong tiếng cười vang của những đứa được kéo.

Chiều muộn, hắn đứng nhìn đám trẻ con đang nô đùa trong con ngõ nhỏ. Hai đứa bé, khoảng tám tuổi, một trai một gái đang chơi trò "kéo mo cau". Bé trai túm một đầu chiếc bao, vốn dùng để đựng xi măng, kéo đi. Đầu kia trải rộng, cô bé ngồi trên đó. Hình ảnh nhắc nhớ hắn về một thời thơ dại ở Sài Gòn - cái thời đã mãi mãi nằm lại trong ký ức.

Xe mo ngay cu
 

Ngày bé, hắn cũng sống trong một khu lao động như bây giờ. Xóm nhỏ, đường đất, ở Phú Nhuận. Ngay giữa xóm có một cây dừa mà mỗi khi hái trái, người lớn vẫn vứt bỏ đôi tàu lá và bọn hắn dùng để kéo nhau khắp xóm trong tiếng cười vang của những đứa được kéo.

Trò chơi đơn giản đã dạy cho bọn hắn về sự công bằng. Nếu một đứa đã kéo đứa kia từ đầu đến cuối xóm thì ở chiều ngược lại phải đổi người kéo. Cũng trong trò chơi nhỏ ấy, sự tôn trọng, ưu ái dành cho phụ nữ đã hình thành khi các cô gái không phải kéo ai - luôn là “công chúa” được chở đi chơi. 

Cũng ở đấy, bọn nhóc vẫn thường được người lớn cho ăn mận mỗi khi cây mận trắng cuối xóm trái chín trĩu cành. Chỉ vài trái mận thôi, nhưng nếu chia không đều sẽ sinh cãi vã, thậm chí đánh nhau, và người lớn sẽ lại phải phân xử, để dạy cho đám nhóc tính cách sẻ chia, nhường nhịn.

Sài Gòn hôm nay vẫn còn những khu phố lao động với lớp lớp người bình dân, nhưng nền tảng xây dựng tính cách, văn hóa đô thị đang dần mất đi. Trẻ em hôm nay không còn nơi vui chơi và cũng không còn nhiều cơ hội để rèn luyện và định hình nhân cách. 

Xe mo ngay cu
 

Những gia đình có điều kiện cho con em đi học đàn, học múa, vẽ và nhiều môn năng khiếu khác. Tốt thôi! Song ở những lớp học ấy, bọn trẻ rèn luyện năng khiếu cho bản thân nhiều hơn là cách sống cùng người khác - điều quan trọng không kém việc phát triển năng lực bản thân.

Hắn nhớ lại hình ảnh ở một quán ăn. Nhóm phụ huynh vừa nhậu vừa trò chuyện. Hai đứa trẻ chúi mũi vào màn hình điện thoại di động xem clip trên YouTube. Có vẻ như đứa nhỏ không thích clip đang xem nên giật lấy điện thoại và tự mình bấm chọn clip. Đứa lớn giật lại, tiện tay đánh đứa nhỏ.

Tất nhiên, đứa nhỏ khóc thét và một người lớn quay lại, quát: “Đưa điện thoại cho em”. Hắn tự hỏi liệu hai đứa trẻ kia có hình thành trong đầu ý nghĩ rằng bạo lực và uy quyền sẽ giải quyết được tất cả mà kẻ yếu thế hơn sẽ buộc phải chấp nhận?

Hắn vẫn nghe rằng tính cách người Sài Gòn là hào sảng, nghĩa hiệp, rằng người Việt luôn sống tình nghĩa, bao dung. Nhưng tất cả những nét văn hóa, tính cách đó đâu tự nhiên mà có. Chúng phải được trao truyền, nuôi dưỡng qua thời gian, qua từng thế hệ.

Chiếc xe mo ngày cũ cũng như những trò chơi mạo hiểm tuổi thơ dạy hắn rằng nếu chẳng may có tai nạn thì bạn bè phải giúp nhau, và nếu tai nạn do mình thì phải “có sức chơi có sức chịu”.

Điện thoại, máy tính bảng có phải là thứ khiến trẻ em ngày càng xa lạ với nhau, hay chỉ đơn giản là do người lớn chúng ta cũng không còn nhớ những bài học cũ?

* Xe mo ngày cũ là tên ca khúc của Trường Giang Thủy, còn có tên khác là Người phu kéo mo cau.

Hoàng Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI