PNO - Lễ hội “kén rể” (Đông Anh, Hà Nội) được tổ chức nhằm tưởng nhớ công ơn của nữ tướng Lê Hoa.
Ngày 21/2/2023 (2/2 âm lịch), người dân thôn Đường Yên, xã Xuân Nộn, Đông Anh, Hà Nội lại tưng bừng tổ chức lễ hội kén rể độc đáo. |
Làng cổ Đường Yên thuộc xã Xuân Nộn (huyện Đông Anh, Hà Nội) xưa kia có tên là Kim Hoa, tên Nôm là làng Kim Con. Hằng năm, cứ vào Mùng 2 tháng Hai (âm lịch), người dân nơi đây lại tổ chức lễ hội “kén rể” với nhiều nghi thức và trò chơi dân gian độc đáo nhằm tưởng nhớ công ơn của nữ tướng Lê Hoa. |
Tương truyền, khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa (năm 40-43), làng Đường Yên có người con gái tên là Lê Hoa khi đó 17 - 18 tuổi vẫn chưa lấy chồng, đi theo Hai Bà đánh giặc Đông Hán và lập nhiều chiến công. Sau khi lên ngôi vua, Hai Bà Trưng điều Lê Hoa về làm tri phủ huyện Đông Ngàn, bản doanh đóng tại làng Đường Yên. |
Sau khi thu phục được 65 thành của giặc, Hai Bà Trưng lên làm vua đã phong cho bà Lã Lê Hoa làm tướng mưu thần và điều bà về làm tri phủ huyện Đông Ngàn, bản doanh đóng tại làng Đường Yên. Và ở nơi đây, bà đã mở hội "kén rể", từ đó hội trở thành nét đẹp văn hóa hàng năm của người làng Đường Yên, Xuân Nộn. |
Lễ hội kén rể Đường Yên được phục dựng lại từ năm 2001 sau 60 năm thất truyền. Lễ hội gồm phần lễ và phần hội mang đậm giá trị văn hóa, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần thượng võ của dân tộc. |
Hội “kén rể” Đường Yên được chuẩn bị rất công phu, khâu chọn người tham gia rất cẩn thận, người đóng mẹ của Thánh tức “Mẫu Bà” phải là người đẹp, song toàn, gia đình gương mẫu… Hai “chàng rể” (chia làm hai phe Bắc và Hậu) và người đóng Đức Thánh Bà (bà Lê Hoa) phải là trai gái thanh lịch chưa có gia đình riêng. |
Khi màn vinh quy bái tổ mở đầu, một đoàn người rước kiệu bà Lê Hoa đi từ cổng làng vào sân đình, hai bên có các bô lão trong làng đón “Đức Thánh Bà” xuống kiệu, “Đức Thánh Bà” chắp tay trước ngực. |
Ông Nguyễn Ngọc Doanh (Ban giám khảo Lễ kén rể thôn Đường Yên) cho biết, từ xưa truyền lại, lễ hội có những phần thi trong lễ kén rể tái hiện những công việc thường ngày của cư dân lúa nước, gửi gắm trong đó những ước vọng về một cuộc sống ấm no, mùa màng tươi tốt. |
Hội thi canh nông của lễ "kén rể" bao gồm các phần như thi cày, thi câu ếch, thi chọc chó, thi bắt trạch trong chum. |
Phần thi "câu ếch" - người đóng giả làm ếch là các em nhỏ. Ban giám khảo sẽ chấm điểm cao cho những “chú ếch” nhảy khỏe, nhảy nhanh. |
Hai chàng rể chuẩn bị thi lần lượt từng môn, Ban giám khảo sẽ chấm cho điểm bằng thẻ. Kết thúc mỗi cuộc thi, Ban giám khảo tuyên bố người giành phần thắng, sau đó cộng thêm điểm thẻ chọn người chiến thắng. |
Chàng rể tài đức vẹn toàn chiến thắng qua các vòng thi thực hiện lễ bái đường cùng nữ tướng Lê Hoa. |
Ý nghĩa cốt lõi của lễ hội kén rể là thể hiện tinh thần hiếu học, tinh thần thượng võ của dân tộc và gửi gắm những ước vọng về cuộc sống ấm no, mùa màng tươi tốt của người dân làng Đường Yên. |
Dân làng tổ chức múa hát mừng cho đôi trai tài gái sắc đã nên duyên. Lễ hội là dịp để dân làng và du khách các nơi có dịp ôn lại truyền thống lịch sử, giúp cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ có một tình yêu quê hương đất nước trong sáng. |
Bảo Khang
Chia sẻ bài viết: |
Ngày 27/10, hàng trăm tình nguyện viên tổ chức dọn rác tại chân cầu Long Biên, Hà Nội, nhằm xử lý lượng lớn rác thải tích tụ sau bão Yagi.