Ước mơ mang cà phê Việt đến New York

22/06/2021 - 08:36

PNO - Khởi nghiệp kinh doanh từ con số 0 tròn trĩnh, từ chỗ là kẻ “ngoại đạo” với ngành cà phê, cô gái Việt Nam Lê Thị Kim Khuyên đang sinh sống tại thành phố New York, từng bước chập chững mang văn hóa cà phê của người Việt giới thiệu đến với bạn bè năm châu.

Bỏ nghề truyền thông để đến với cà phê

Sinh ra và lớn lên tại Việt Nam và hiện đang sinh sống và làm việc tại Mỹ, nhưng với tình yêu và sự tự hào với mảnh đất chôn nhau cắt rốn”, Lê Thị Kim Khuyên luôn khao khát có thể làm được điều gì đó tốt đẹp cho quê hương mình. Sau khi tốt nghiệp đại học tại Việt Nam và nhiều năm nỗ lực, phấn đấu làm việc, Khuyên đã tìm được một chỗ đứng tốt trong ngành truyền thông tại TPHCM. Dù vậy, với khát khao được trải nghiệm, học hỏi những điều mới mẻ, được ngắm nhìn thế giới và thử thách bản thân đã thôi thúc chị không dừng bước. Trước sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp và bạn bè, Khuyên đã đánh đổi sự nghiệp ổn định và bất chấp mọi khó khăn về tài chính, để sang Mỹ hoàn tất tấm bằng thạc sĩ ngành Quản lý thương hiệu tại Trường đại học Virginia Commonwealth (VCU Brandcenter).

Và tình cờ khi làm dự án tốt nghiệp tại một startup chuyên sản xuất thanh kẹo protein (protein bars) tại Mỹ, Khuyên được giao nhiệm vụ tham gia phát triển dòng sản phẩm mới. Dù dự án chỉ kéo dài vỏn vẹn 4 tháng, nhưng chị đã gom được cho mình những kinh nghiệp quý báu và những ý tưởng mới mẻ từ những sản phẩm ăn uống và nông nghiệp. Chị nhận thấy các sản phẩm nông nghiệp vẫn còn rất tiềm năng. Và quan trọng hơn, nếu chúng được phát triển một cách đúng quy trình, bài bản, và hướng đúng đối tượng sẽ không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh tế mà còn góp phần tạo nên một nền nông nghiệp bền vững.

Khuyên tại cuộc thi Aromaster Championship tại Mỹ (2019) - Ảnh: nhân vật cung cấp???
Khuyên tại cuộc thi Aromaster Championship tại Mỹ (2019). Ảnh: Khuyên Lê

Chị cũng nhận thấy rằng, mặc dù Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu cà phê, nhưng cà phê Việt và văn hóa cà phê của người Việt vẫn còn chưa được nhiều bạn bè quốc tế biết đến hoặc hiểu rõ. Nguyên nhân là do phần lớn cà phê từ Việt Nam chỉ được dùng như một thành phần nguyên liệu cho các sản phẩm cà phê pha sẵn hoặc cà phê đóng chai cho những thương hiệu nước ngoài. Đó là chưa kể chất lượng hạt của hầu hết cà phê từ Việt Nam vẫn chưa đạt tiêu chuẩn cao, quy trình còn lỏng lẻo và thiếu đồng bộ cũng như cách phát triển để tiếp cận, xâm nhập được ở các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật hay châu Âu.

Do vậy, dành một thời gian tìm hiểu kỹ cộng với nắm bắt làn sóng cà phê đặc sản” (specialty coffee) đang được nở rộ trên thế giới trong 3-4 năm qua, chị quyết định thử sức mình ở lĩnh vực mới này!

Bước đầu gian nan, và những bài học quý báu

Do thấy mình còn quá non trẻ trong lĩnh vực cà phê, Khuyên quyết định dành gần 3 năm để xây dựng cho mình một nền tảng kiến thức vững chắc về cà phê và kinh doanh cà phê. Chị lặn lội đi học, ngoài ghi chép từ trường lớp, chị cũng tìm đến tận những nông trang cà phê để học và nắm từng công đoạn ngay từ khâu chọn hạt, rang xay đến pha chế và thử nếm. Ngoài ra, chị còn tham gia các khóa học chuyên nghiệp từ các trường đào tạo ở trong nước, ở Mỹ và tình nguyện làm việc cho một số tổ chức phi lợi nhuận NGO trong ngành, cũng như trở thành “barista” cho một vài chuỗi cà phê có tiếng ở New York để tranh thủ học hỏi thêm. Chị coi đó là phần tất yếu để giúp chị - một người ngoại đạo về cà phê có thể trau dồi, tích cóp được từ những kiến thức bài bản đến kinh nghiệm thực tiễn. Đồng thời, những trải nghiệm quý báu cũng giúp chị có cơ hội gặp gỡ những bạn bè trong ngành cũng như đối tác tiềm năng để từ đó mở ra rất nhiều cơ hội mới.

Khuyên trong cuộc thi lấy chứng chỉ quốc tế về thẩm định cà phê (Coffee Quality Grader) tại thành phố Portland, Mỹ. Ảnh: nhân vật cung cấp
Khuyên trong cuộc thi lấy chứng chỉ quốc tế về thẩm định cà phê (Coffee Quality Grader) tại thành phố Portland, Mỹ. Ảnh: Khuyên Lê

Thông qua sự giới thiệu của bạn bè, tháng 3/2019, chị tìm được khách hàng đầu tiên và giới thiệu thương hiệu của mình là DO Coffee tại thị trường Nhật Bản. Sản phẩm của DO Coffee được bày bán trên Yahoo và một số trang hàng online tại Nhật bước đầu thu được một số tín hiệu khả quan cũng như thành công nho nhỏ. Tuy vậy, do không thể thường xuyên có mặt tại Việt Nam để trực tiếp tham gia quản lý chu trình rang xay đóng gói, chị phải hạn chế số lượng đặt hàng để đảm bảo chất lượng đầu ra tốt nhất. Với tâm niệm của riêng mình là dù có làm ít hay nhiều, chất lượng là cái luôn phải được đặt lên hàng đầu.

Cà phê Việt ngay tại New York, sao lại không?

Nhận thấy New York là một thị trường vô cùng tiềm năng cũng như luôn chấp nhận những làn sóng mới, chị nảy ra ý tưởng mang thương hiệu cà phê Việt đến nơi chị đang sinh sống và làm việc. Sau nhiều tháng cố gắng, DO Coffee lần đầu tiên ra mắt thị trường Mỹ tại Lễ hội cà phê New York - New York Coffee Festival 2019, một trong những lễ hội lớn của ngành cà phê thế giới. Tại đây, thương hiệu và sản phẩm được chào đón nồng nhiệt đồng thời chị nhận được nhiều lời mời hợp tác và cơ hội để mở rộng thị trường.

Khuyên giới thiệu cách thức pha phin truyền thống của Việt Nam tại Lễ hội cà phê New York năm 2019 (New York Coffee Festival). Ảnh: nhân vật cung cấp
Khuyên giới thiệu cách thức pha phin truyền thống của Việt Nam tại Lễ hội cà phê New York năm 2019 (New York Coffee Festival). Ảnh: Khuyên Lê

Khi dịch COVID-19 diễn ra, New York là nơi đầu tiên tại Mỹ hứng chịu hậu quả nặng nề nhất. Nhiều nhà hàng, quán cà phê phải đóng cửa hay phá sản. Kinh tế trở nên khó khăn gấp bội phần. Mặc dù mọi dự án kinh doanh đều bị đình trệ, Khuyên vẫn ấp ủ kế hoạch giới thiệu cửa hàng đầu tiên của DO Coffee tại New York vào cuối năm 2021 hoặc đầu 2022 khi tình hình dịch COVID-19 đã trở nên khả quan và bị đẩy lùi.
Cho dù con đường phía trước không dễ dàng gì, nhưng những hoài bão của cô gái trẻ vẫn chưa dừng lại ở đó. Hãy cùng ủng hộ cô nàng 8X này và chờ đợi sự ra quay trở lại của DO Coffee nhé!

Hà Châu

 

Nguồn: DO Coffee

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI