Tự uống thuốc trị mất ngủ, “cựu” F0 rơi vào trầm cảm

02/05/2022 - 06:26

PNO - Đa số “cựu” F0 đều bị mất ngủ kéo dài gây stress nặng. Vừa gặp bác sĩ, có bệnh nhân bứt rứt, hồi hộp, có người tự ngồi khóc thút thít, hoặc muốn trốn… ai đó sắp làm hại mình. Các bác sĩ khuyên rằng, khi có các triệu chứng mất ngủ thì nên đi khám, tránh tự ý điều trị dẫn đến bệnh trầm trọng hơn.

Nhiều cảm giác tiêu cực khi mất ngủ kéo dài 

Khỏi COVID-19 được bốn tháng, chị P.T.T.D. (33 tuổi, ở Q.Tân Phú, TPHCM) như trở thành một người khác, không còn năng động, thích nơi đông người, mà hay nóng nảy, cáu gắt, nhất là trưa nào chị cũng… chạy trốn mọi người. Một đồng nghiệp thân thiết của chị D. hỏi ra mới biết chị nghĩ nơi làm việc có người muốn hại mình. 

Tuyệt đối không tự mua thuốc uống, lạm dụng các loại thuốc ngủ
Tuyệt đối không tự mua thuốc uống, lạm dụng các loại thuốc ngủ

Ngồi ngoài phòng đợi đến lượt khám, chị D. cứ khóc thút thít vì… nghĩ ai đó muốn giết mình. Sau thăm khám, bác sĩ biết được chị D. bị rối loạn giấc ngủ do hậu COVID-19 nhưng chị không hay biết. Chị D. kể: “Lúc khỏi COVID-19, tôi vẫn ngủ đúng giờ nhưng chập chờn không sâu như trước. Tôi chỉ nghĩ do nhiều việc quá nên mới khó chợp mắt bèn uống thảo dược để dễ ngủ.

Tuy nhiên, có những ngày tôi ngủ li bì và thức trắng đêm. Cho đến khi, tôi làm xong hết các hoạch định, mới biết thời gian qua mình ngủ được là nhờ thuốc ngủ mua thêm ngoài tiệm thuốc. Nhưng gần một tháng qua, dù có uống thuốc, tôi vẫn không thể ngủ”. Thức quá nhiều khiến chị D. căng thẳng, hồi hộp. Sau đó, chị lại có cảm giác ai đó đang rình rập trong nhà, theo dõi và muốn làm hại mình, nên càng không dám ngủ.

Không nặng nề như chị D., chị B.T. (43 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TPHCM) tự nhận ra bản thân có vấn đề nên đi khám. Tuy nhiên, có khi các triệu chứng thuyên giảm, có khi chị lại bị đánh trống ngực dồn dập, thở khó, rát cổ… và giật mình thức giấc giữa đêm.

“Tháng 9/2021, cả nhà tôi bị COVID-19. Tuy có triệu chứng nhẹ nhưng ba tuần liền tôi và chồng phải làm việc tại nhà, hai con nhỏ lại sốt, ho nhiều. Hai vợ chồng phải thay nhau thức dậy dỗ dành, theo dõi bệnh của con, không khí ngột ngạt vô cùng. Khi khỏi bệnh, tôi rất ám ảnh và sợ cả nhà tái nhiễm”, chị T. nhớ lại.

Có thể vì vậy, khi nghe biến chủng Omicron xuất hiện, chị T. rơi vào rối loạn lo âu, mỗi lần ra ngoài, chị thấy bất an. Từ lúc hai con quay trở lại trường, đêm nào chị cũng thức dậy, đo nhiệt độ cho con rồi… thức luôn tới sáng. Trong một lần quá căng thẳng, chị T. vô cớ quát mắng con rồi tự nhận ra mình đang gặp vấn đề về tâm lý.

Cả chị D. và chị T. đều được chẩn đoán rối loạn giấc ngủ hậu COVID-19, bệnh tiến triển nặng phải sử dụng thuốc để hỗ trợ điều trị.

Mất ngủ hậu COVID-19, đừng tự điều trị

Bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh, phụ trách Đơn vị Rối loạn giấc ngủ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, có hai tình huống trong rối loạn giấc ngủ hậu COVID-19 bao gồm: rối loạn giấc ngủ đã xuất hiện trước khi một người trở thành F0 và rối loạn giấc ngủ xảy ra lúc bệnh nhân đã mắc COVID-19.

“Nếu rối loạn giấc ngủ trước khi mắc COVID-19, dịch bệnh chỉ làm tình trạng rối loạn nặng nề hơn, các rối loạn này sẽ không thể phục hồi được mà chỉ có thể điều trị hỗ trợ. Còn khi một người đã là F0 rồi mới xuất hiện triệu chứng rối loạn giấc ngủ, hầu hết đều chữa trị được”, bác sĩ Hạnh nói.

Phân tích về rối loạn giấc ngủ hậu COVID-19, bác sĩ Hạnh cho rằng, thông thường, ở tuần thứ hai đến tuần thứ tư, “cựu” F0 vẫn có thể cảm thấy một hoặc nhiều triệu chứng mệt mỏi, đau tức ngực, ho kéo dài, thở hụt hơi, đánh trống ngực, hồi hộp, bứt rứt… cùng lúc gây nên sự căng thẳng, lo lắng không biết bản thân mình đã thật sự khỏi bệnh chưa, hay khỏi rồi mà bị tái nhiễm, liệu có biến chứng nặng không, tử vong không…

Trong tổng số bệnh nhân đến khám hậu COVID-19 tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, có đến 20 - 25% bị mất ngủ kéo dài (nữ nhiều hơn nam), thậm chí có người không ngủ vì bất an, phải sử dụng thuốc điều trị. 

Bác sĩ Hạnh chia sẻ: “Đặc biệt, khi biến chủng Omicron xuất hiện làm cho sự lo âu bị đẩy lên cao. Có nhiều người vừa bị một trong các triệu chứng ho, sốt hay đau rát họng, nhức đầu, liền hoang mang, không ngủ được vì sợ tái nhiễm. Nhất là bệnh nhân bị COVID-19 ở giai đoạn đỉnh điểm của dịch, người bệnh phải chịu đựng rất lâu, có người gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, kiệt quệ về tinh thần lẫn thể chất”.

Hậu quả, nhiều người không thể làm việc, luôn ở trạng thái mệt mỏi, đau đầu, đánh trống ngực. Thậm chí, những người đã có rối loạn lo âu, mất ngủ trước đó có thể bị trầm cảm, loạn thần cấp, suy nghĩ tiêu cực, hoang tưởng tự làm hại bản thân. Quan trọng, nếu được phát hiện và điều trị sớm, các rối loạn này sẽ thoái lui. Điển hình tại bệnh viện, nhiều bệnh nhân mất ngủ cấp tính (dưới ba tháng) có khả năng hồi phục hoàn toàn khá cao. Riêng nhóm bệnh nhân mất ngủ hậu COVID-19 kéo dài trở thành bệnh mạn tính, hiệu quả điều trị thấp hơn. 

Vì vậy, với một người trưởng thành nếu ngủ ít hơn sáu tiếng mỗi ngày, cảm giác trằn trọc, lo lắng, khó vỗ giấc, tỉnh ngủ nửa đêm không thể ngủ lại được, người uể oải khi thức dậy… nên đến cơ sở y tế khám. Tuyệt đối không tự mua thuốc uống, lạm dụng các loại thuốc ngủ thuộc nhóm benzodiazepine dễ gây nghiện khiến bệnh trầm trọng hơn. 

Thuốc ngủ không phải lời giải cho những cơn trằn trọc

Đối với nhiều người, thuốc ngủ bán sẵn tại các nhà thuốc có thể là giải pháp cho chứng trằn trọc hậu COVID. 

Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy, có tới nửa triệu ca tử vong vì dùng thuốc quá liều ở Mỹ là do sử dụng các loại thuốc an thần. Ngoài ra, những người được kê đơn sử dụng thuốc hỗ trợ giấc ngủ, bao gồm zolpidem và temazepam, có nguy cơ tử vong do tai nạn và tình trạng sức khỏe khác cao hơn gấp bốn lần so với những người không sử dụng. Ngay cả những người uống ít hơn hai viên thuốc ngủ mỗi tháng cũng có nguy cơ tử vong cao hơn gấp ba lần so với những người không dùng. Do đó, tiến sĩ Jing Wang, Trường Y Icahn ở Mount Sinai, New York (Mỹ), cảnh báo mọi người không nên lạm dụng thuốc ngủ. 

Theo bác sĩ Wang, khi một người đến gặp bác sĩ với chứng mất ngủ hoặc những dấu hiệu rối loạn giấc ngủ khác, điều đầu tiên cần làm là xem xét tiền sử bệnh tật và thói quen ngủ. Ông giải thích: “Bệnh nhân phải chia sẻ thông tin cá nhân để bác sĩ có thể xác định nguồn gốc của chứng mất ngủ. Nó là hành vi, hay có liên quan đến thuốc, bệnh lý nào khác”. Thông thường, chứng mất ngủ kéo dài do những gì chúng ta làm để phản ứng với việc không thể ngủ được. Tiến sĩ Wang nhận xét: “Mọi người rất sáng tạo theo những cách không hữu ích. Chẳng hạn họ lướt điện thoại, kiểm tra email hoặc trả lời tin nhắn công việc, xem truyền hình. Tất cả những điều này đều khiến bạn tiếp xúc với ánh sáng xanh, báo hiệu cho não bộ thức dậy”.

Một số loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ có thể trở thành chất gây nghiện, khiến người bệnh cảm thấy không thể ngủ được nếu không có chúng. Thuốc ngủ cũng có thể nguy hiểm nếu trộn với rượu hoặc một số loại thuốc giảm đau. Thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn tại các nhà thuốc có thể dẫn đến các tác dụng phụ, chẳng hạn như khiến bạn tăng cân thay vì buồn ngủ. Hoặc bạn có thể dùng thuốc không đúng lúc và ảnh hưởng đến nhịp sinh học. Ví dụ, thuốc an thần kháng histamine gây khô miệng, chóng mặt và cảm giác nôn nao vào ngày hôm sau. Chúng cũng có thể gây bí tiểu, mờ mắt, táo bón và buồn nôn. Trong một số nghiên cứu, sử dụng thường xuyên thuốc ngủ, thuốc an thần có liên quan đến việc tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. 

Đối với bác sĩ Wang, phương pháp đầu tiên để chống lại chứng mất ngủ là giới thiệu cho bệnh nhân một hình thức trị liệu hành vi nhận thức gọi là CBTI. Đây chính là hành vi ngủ lành mạnh, như lịch trình đi ngủ và thức dậy đều đặn, để màn hình và ánh đèn xanh ra khỏi phòng ngủ, thư giãn trước khi ngủ… Chỉ khi bệnh nhân rõ ràng đang vật lộn với chứng mất ngủ cấp tính, và có một yếu tố hoặc sự thay đổi không thể xác định trong cuộc sống của họ, bác sĩ mới lựa chọn thử nghiệm thuốc hỗ trợ giấc ngủ trong vài tuần, một tháng hoặc lâu hơn, đi cùng kiểm tra sức khỏe thường xuyên. 

Ngọc Hạ (theo CNN)

 Phạm An 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI