Truyền hình trả tiền: Bùng nổ cuộc đua phim Việt độc quyền

15/01/2022 - 19:55

PNO - Thói quen giải trí trực tuyến hình thành trong mùa dịch bệnh của khán giả là cơ sở để các đơn vị truyền hình trả tiền mạnh dạn tăng tốc thực hiện các sản phẩm phim Việt độc quyền, chất lượng cao phục vụ người xem trong năm nay.

Ồ ạt dự án "khủng"

Vừa qua, thông tin đạo diễn Victor Vũ bắt tay vào dự án mới, nhưng không phải phim điện ảnh mà là phim bộ, đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Tám tập phim Trại hoa đỏ (60 phút/tập) thuộc thể loại trinh thám, đánh dấu sự hợp tác giữa vị đạo diễn ăn khách này với đơn vị sản xuất K+. Phim sẽ ra mắt vào mùa hè năm nay. Một dự án phim bộ khác sẽ chiếu trên hệ thống truyền hình trả tiền vừa được công bố cũng gây chú ý không kém là Tứ đại mỹ nhân của bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito, quy tụ bốn mỹ nhân Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My 9X, Jun Vũ và Phương Anh Đào. Đặc biệt, dịch vụ Danet đang triển khai một dự án phim lên đến khoảng ngàn tập do đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình thực hiện, để kịp ra mắt trong năm nay.

Hai năm gần đây, việc thưởng thức những phim Việt dài tập độc quyền trên các nền tảng truyền hình theo yêu cầu đã trở nên quen thuộc với người xem. Đơn vị sản xuất đi đầu và tích cực tung ra nhiều sản phẩm nhất là Galaxy Play với các tác phẩm như Thiên linh cái: Chuyện chưa kể, Gái ngàn đô, Bố đường - con nuôi, Sói già, Bông hồng lửa, Chị mẹ học yêu, Tam thái tử, Đặc nhiệm hốt sao. Năm nay ngoài Tứ đại mỹ nhân, Galaxy Play còn ra mắt chuỗi phim hành động, tâm lý xã hội mà mở màn là phim Hùng Long Phong Bá (đạo diễn Toni Dương Bảo Anh, khởi chiếu từ ngày 31/1) xoay quanh hành trình của bốn chàng trai quê lên thành phố với nhiều tham vọng, nhưng vô tình vướng vào một cuộc chiến của thế giới ngầm. Bên cạnh đó, còn có xê-ri hài tết Hẻm cụt (ra mắt ngày 14/1) và các dự án khác như Container 39, Mưu kế thượng lưu. VieOn sau thành công của Cây táo nở hoa, lại sắp có tiếp hai phim Giấc mơ của mẹ (80 tập) và Em ước mình cùng bay (50 tập). 

Minh Hằng trở lại màn ảnh trong Mẹ ác ma, cha thiên sứ - phim đầu tiên của K+ trong cuộc đua sản xuất phim Việt dài tập độc quyền
Minh Hằng trở lại màn ảnh trong Mẹ ác ma, cha thiên sứ - phim đầu tiên của K+ trong cuộc đua sản xuất phim Việt dài tập độc quyền

Tính đến hết năm 2021, cả nước có 37 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, cung cấp dịch vụ cho gần 70% tổng số hộ gia đình cả nước, đạt xấp xỉ 17 triệu thuê bao. Sự tăng tốc sản xuất phim Việt độc quyền trong năm nay, ngoài nguyên nhân nhu cầu xem phim trực tuyến lên ngôi trong mùa dịch, còn do yếu tố cạnh tranh. Khi sân chơi ngày càng đông đúc, thì đơn vị nào cũng mong muốn có nội dung riêng để kéo khách. Lợi thế tự kiểm duyệt nội dung và chịu chi giúp cho các sản phẩm phim Việt độc quyền có sự phong phú về đề tài, thể loại, chất lượng cao, dễ dàng thu hút nhiều người xem (71 tập phim Cây táo nở hoa thu hút gần một tỷ lượt người xem - kỷ lục của phim Việt), từ đó tạo động lực tái sản xuất. 

Nâng tầm phim Việt 

Phim truyền hình dài tập vài năm gần đây đã chiếm được cảm tình của đông đảo người xem, lấn át cả những phim nước ngoài. Nhưng đó mới là chiến thắng trên sân nhà, còn để vươn xa hơn, ra thị trường quốc tế, trở thành sản phẩm xuất khẩu của ngành văn hóa thì chưa. Sự tham gia của các đơn vị truyền hình trả tiền trong cuộc chơi sản xuất phim bộ độc quyền là cơ hội nâng tầm chất lượng, đưa phim truyền hình Việt tiệm cận với chuẩn quốc tế, hiện thực hóa giấc mơ xuất khẩu. Đầu tư mạnh cho nhân lực bằng cách mời những đạo diễn tên tuổi của nền điện ảnh như Victor Vũ, Nguyễn Phan Quang Bình, Phan Đăng Di (phim Em ước mình cùng bay), quy tụ dàn diễn viên hàng đầu, những thành phần sản xuất giỏi bên điện ảnh, cộng với việc chi lớn cho khâu bối cảnh, thiết kế là công thức chung mà các đơn vị sản xuất phim độc quyền áp dụng. 

Phim Hùng Long phong bá, một sản phẩm độc quyền của GalaxyPlay sắp ra mắt người xem
Phim Hùng Long phong bá, một sản phẩm độc quyền của GalaxyPlay sắp ra mắt người xem

Chia sẻ về kế hoạch và mục tiêu của K+, chị Trịnh Thủy Liên - Giám đốc nội dung của K+ - cho biết: “Sau Mẹ ác ma, cha thiên sứ của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đang phát, Trại hoa đỏ là dự án thứ hai của thương hiệu K+ORIGINAL. Chúng tôi đang phát triển kịch bản và chuẩn bị cho các dự án tiếp theo trong năm 2022 và những năm tới. Những dự án sản xuất không giới hạn về thể loại và đề tài, mà ưu tiên những câu chuyện đặc biệt về góc nhìn hoặc nhân vật được kể một cách mới lạ, hấp dẫn, giàu cảm xúc, nhưng gần gũi với văn hóa, đời sống Việt Nam.

Chất lượng sản xuất, số lượng tập và thời lượng mỗi tập của các phim K+ORIGINAL sẽ có sự khác biệt với phim truyền hình quảng bá truyền thống, tiệm cận với định dạng của các xê-ri truyền hình thế giới. Về tổng thể, chúng tôi quản lý chất lượng chặt chẽ và luôn theo sát mọi công đoạn của dự án: từ việc quyết định đề tài, kịch bản, lựa chọn đơn vị để đặt hàng sản xuất phim, và mời đạo diễn, ê-kíp, cho đến sản phẩm phát sóng cuối cùng. Chúng tôi cũng đang thương thảo cùng các hạ tầng nội dung quốc tế để phát hành các bộ phim K+ORIGINAL sau thời hạn phát sóng tại Việt Nam để phục vụ các kiều bào Việt Nam tại nước ngoài và khán giả quốc tế”. 

Một phần bối cảnh phim Trại hoa đỏ của Victor Vũ đầu tư công phu vừa được hé lộ
Một phần bối cảnh phim Trại hoa đỏ của Victor Vũ đầu tư công phu vừa được hé lộ

Phục vụ khán giả trong nước trước, sau đó vươn ra thị trường hải ngoại cũng là đích nhắm của dự án Tứ đại mỹ nhân. Theo công bố của ê-kíp sản xuất, nội dung phim gồm sáu mùa, trong đó hai mùa đầu tiên chiếu trên Galaxy Play, các mùa sau hướng đến khán giả quốc tế. Phim ảnh được xác định là ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn của Việt Nam.

Để thực hiện điều này, đòi hỏi sự nỗ lực của cả những người làm điện ảnh lẫn truyền hình. Điện ảnh đã có phim bán ra thế giới, còn truyền hình vẫn trúc trắc trên con đường bán bản quyền cho các nước trong khu vực. Hy vọng đang được đặt vào những đơn vị truyền hình trả tiền trong nước, với những chiến lược đầu tư đúng đắn cho dòng phim bộ độc quyền. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI