Truy xuất nguồn gốc để chống “cát lậu”

28/07/2023 - 10:26

PNO - 3 năm qua, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn TPHCM đã “giảm nhiệt”. Tuy nhiên, theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, vẫn cần thêm những giải pháp mới nhằm kiểm soát tốt hoạt động này.

Ông Ngô Minh Châu - Phó chủ tịch UBND TPHCM - cho biết: Nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp, xây dựng những năm gần đây tăng mạnh do hàng loạt dự án xây dựng hạ tầng, đô thị… được triển khai. Trữ lượng cát không đủ đáp ứng nhu cầu của TPHCM và các tỉnh, thành khác. Hoạt động khai thác, kinh doanh cát trái phép được đánh giá là siêu lợi nhuận vì các đầu nậu không tốn nhiều chi phí. Các đối tượng này dùng mọi thủ đoạn để đối phó lực lượng chức năng, sẵn sàng chống trả…

Một phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai bị Phòng Cảnh sát giao thông Đường thủy (Công an TPHCM) bắt giữ hồi tháng 2/2023
Một phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai bị Phòng Cảnh sát giao thông Đường thủy (Công an TPHCM) bắt giữ hồi tháng 2/2023

Theo số liệu báo cáo tổng kết đề án "Phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và khu vực giáp ranh giữa TPHCM và các tỉnh giai đoạn 2019-2022", từ năm 2019 đến tháng 9/2022, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 365 trường hợp khai thác, kinh doanh vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp; tịch thu 208 phương tiện, gần 65.000m3 cát; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính khoảng 6 tỉ đồng. Hiện, tình trạng khai thác cát trái phép còn tồn tại trên tuyến sông Đồng Nai, sông Tắc, sông Sài Gòn (khu vực từ xã Trung An đến xã Phú Mỹ Hưng thuộc huyện Củ Chi), sông Đồng Tranh tại huyện Cần Giờ. Các đối tượng khai thác "cát lậu" lợi dụng những khu vực giáp ranh này, chọn thời điểm đêm tối đưa phương tiện, thiết bị khai thác trái phép, thu lợi bất chính. 

Theo ông Trương Tiến Triển - Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ - các đối tượng khai thác cát trái phép thường dùng thủ đoạn lợi dụng hợp đồng khai thác, mua bán, vận chuyển, hóa đơn, chứng từ có sẵn từ các mỏ cát ở các tỉnh miền Tây để đưa phương tiện đến khu vực biển Cần Giờ thực hiện khai thác cát trái phép và tiêu thụ, tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Trong khi đó, công tác quản lý phối hợp của một số phường, xã khu vực giáp ranh với TPHCM vẫn chưa thực sự đồng bộ. Địa điểm tập kết tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm còn hạn chế, khó khăn trong việc bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm. Việc bán đấu giá tang vật vi phạm phải thực hiện nhiều thủ tục, một số bước không có văn bản hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc bán đấu giá kéo dài, gây thất thoát cho Nhà nước. Việc xử lý các đối tượng có liên quan đến hành vi khai thác khoáng sản không phép, trái phép, hành vi chống đối người thi hành công vụ không sử dụng vũ khí theo quy định chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính nên chưa đủ tính răn đe.

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM kiến nghị UBND TPHCM tiếp tục thực hiện đề án giai đoạn 2023-2026 với các giải pháp và cơ chế chính sách mới; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Sở sẽ phối hợp với các sở ngành khác để rà soát, tham mưu UBND TPHCM ban hành các văn bản quản lý, kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành bổ sung, điều chỉnh văn bản pháp lý trong hoạt động khoáng sản, phối hợp các sở ngành thực hiện thanh kiểm tra các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, để nâng cao hiệu quả đề án giai đoạn 2023-2026, TPHCM sẽ tiếp tục kiểm soát nguồn gốc cát xây dựng, cát san lấp tại các bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, đặc biệt là công tác quản lý hóa đơn thuế đối với việc mua bán cát, sỏi ngăn chặn hành vi mua hóa đơn, hợp thức hóa chứng từ. Một giải pháp trọng tâm được đề xuất là sớm triển khai xây dựng trạm kiểm soát biên phòng trên biển (theo quy mô nhà giàn nhỏ), trang bị các phương tiện, kỹ thuật để phục vụ công tác tuần tra, kiểm tra, đồng thời thực hiện nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. 

Cần lập kho cơ sở dữ liệu chung về các vụ việc phát hiện, xử lý vi phạm đối với phương tiện, con người trên quy mô cả nước, để các địa phương cập nhật. Khi đã có cơ sở dữ liệu này, việc truy xuất thông tin rất dễ dàng. Do đó cần kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu Chính phủ ban hành quy định xây dựng hệ thống thông tin lưu trữ trong xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản tương tự như trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Ông Lê Anh Tú, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Tú Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI