Trở thành phụ huynh “cá biệt”

22/03/2021 - 17:13

PNO - Con không tập trung, không có ý thức tự học, đọc sách nhiều nhưng viết chính tả sai rất nhiều… Tôi mong muốn con được thoát “học sinh cá biệt” và tôi cũng được giã từ danh hiệu “phụ huynh cá biệt”.

Cứ vài ngày, tôi lại nhận được tin nhắn của cô giáo chủ nhiệm mắng vốn về hai đứa con gái sinh đôi đang học lớp Ba của tôi: “Chi ơi, hôm nay, hai bé lại làm bài không kịp, cứ ngồi nói chuyện trong lớp. Chị nhắc nhở bé giúp em”. Khi thì: “Bé tiếp thu tốt, nhưng làm bài không bao giờ chính xác, về nhà chị rèn thêm cho bé”…

Rồi có hôm, đang giờ học, đến lượt cô giáo tiếng Anh nhắn tin: “Chị ơi, hôm nay N.K. không tập trung, nói chuyện suốt, viết bài không kịp”. Còn trong group của phụ huynh, tôi thường xuyên bị réo vì “mẹ ơi, hôm nay N.K. vẽ lên áo bạn L.”, “giờ ra chơi K. xô bạn té…”, “K. nói chuyện nhiều quá bạn không học được”… 

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Không chỉ năm học này, mà khi hai con học lớp Một, lớp Hai, tôi đã bị cô giáo mắng vốn rất nhiều. Lúc đó, tôi hy vọng, lên lớp Ba, con lớn hơn sẽ hết. Nhưng hy vọng này đã tắt ngúm theo những lời mắng vốn thường xuyên của các giáo viên và phụ huynh như kể trên.

Là chị em song sinh nên hai con tôi luôn chơi cùng nhau. Biết tính, tôi đã dạy dỗ, phân tích, khuyên nhủ con vào lớp phải tập trung học và không được đùa giỡn. Thậm chí, tôi đã nhờ cô giáo tách hai bé ra riêng nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Hai bé chuyển sang “lôi kéo” bạn ngồi kế bên, không tập trung làm bài và tôi vẫn tiếp tục là phụ huynh… cá biệt. 

Thi học kỳ I vừa rồi, có lẽ con tôi là một trong số ít học sinh của thành phố này thi chỉ đạt 5 điểm. Tôi sốc khi xem kết quả thi. Vì biết rõ con mình không tập trung nên tôi không mơ điểm 9-10 nhưng 7-8 là hoàn toàn trong khả năng. Ngày nào tôi cũng bám sát bài vở cùng con. Các dạng toán cho thi đều nằm trong nội dung ôn tập.

Tôi hoang mang hỏi cô giáo: “Cô thấy hai đứa con tôi tiếp thu bài có vấn đề gì không?”. Cô cười: “Hai bé lanh lợi, hăng hái phát biểu và phát biểu đúng, thì có vấn đề gì chớ. Chỉ có một lý do hai bé điểm thấp là không tập trung, lười, cẩu thả nên tính toán không chính xác. Tới giờ bài làm, trong khi các bé khác làm, hai bạn K. không chịu làm, chỉ khi nào nhắc tên mới chịu làm…”. 

Về nhà, tôi chép lại toàn bộ bài thi lên bảng cho hai con làm. Mười phút sau, hai bé tính mới xong hai bài phép nhân có ba chữ số và sai cả hai. Tôi cầm roi tuyên bố: “Nếu sai một bài, mẹ cho làm lại mười bài, làm đến sáng khỏi ngủ luôn. Mẹ cầm cây đứng ngay sau lưng, phải làm nhanh và chính xác”. Lúc này, hai con mới tập trung, làm re re, chỉ mất 33 phút làm xong toàn bộ bài thi và đúng hoàn toàn. 

Nhưng tôi biết, nếu cho làm lại, và để cho bé tự do, chắc chắn vẫn làm sai. Hai bé rất giàu năng lượng nếu chỉ chơi và nói chuyện, nhưng học thì rất ngán. 

Sắp bước vào thi học kỳ II, gia đình tôi và giáo viên bắt đầu rầu rĩ. Vì không biết làm sao để khắc phục được tính không tập trung của bé trong lúc không có mẹ hay cô giáo nhắc. Tôi đã từng gửi cô giáo để hai bé học thêm, nhưng lớp học đông, và cô không thể theo sát nhắc nhở, nên đây không phải là giải pháp tối ưu. Thay vào đó, mỗi tối vợ chồng tôi cùng nhau dạy con học. Chúng tôi ở bên cạnh nhắc chừng thì hai bé làm bài rất tốt, nhưng chỉ cần tôi đi làm việc khác và giao bài cho hai bé, thì khi quay lại kết quả là hai bé làm chừng vài câu trong mười câu, rồi ngồi chơi. 

Con không tập trung, không có ý thức tự học (thật ra chỉ một bé cực kỳ mê chơi nên cuốn bé kia lơ là theo), đọc sách nhiều nhưng viết chính tả sai rất nhiều… Dường như, con chỉ đọc nội dung, chứ không lưu chữ vô não. Tôi đã từng đưa con đi khám, bác sĩ xác định bình thường, chỉ hiếu động hơn so với bạn cùng trang lứa. Tôi thật sự đau đầu với hai học sinh cá biệt này. Tôi mong muốn con được thoát “học sinh cá biệt” và tôi cũng được giã từ danh hiệu “phụ huynh cá biệt”. Mong các phụ huynh có cao kiến giúp tôi. 

Khánh Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI