Trình diễn thời trang không còn trong nghị định, sẽ được điều chỉnh thế nào?

11/04/2021 - 11:07

PNO - Tùy theo nội dung, hoạt động này sẽ được chia làm hai nhánh để xem xét, cấp phép theo nghị định mới 144/2020/NĐ-CP.

Nghị định 144/2020/NĐ-CP về nghệ thuật biểu diễn chính thức có hiệu lực từ 1/2/2021, trong đó có nhiều điều được sửa đổi. Một điểm dễ thấy là hoạt động trình diễn thời trang, từng có trong chương II của nghị định 79/2012/NĐ-CP trước đó đã bị cắt bỏ.   
 

Chương trình trình diễn thời trang nghệ thuật của NTK Đỗ Mạnh Cường
Chương trình trình diễn thời trang nghệ thuật của NTK Đỗ Mạnh Cường

Vậy trong tương lai, hoạt động này sẽ được cấp phép, điều chỉnh như thế nào?

Ông Nguyễn Quang Vinh, nguyên quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết trình diễn thời trang, thi người đẹp người mẫu cũng có kết hợp hoạt động trình diễn nên gộp chung tên nghị định chỉ còn ngắn gọn là nghệ thuật biểu diễn. 

Ông Vinh nói từ khi nghị định ra đời chưa có doanh nghiệp nào đến xin trình diễn thời trang mà thường thời trang kết hợp với biểu diễn nghệ thuật. Vì thế, chúng sẽ được cấp phép theo hoạt động biểu diễn nghệ thuật, miễn không vi phạm các nội dung cấm trong điều 3 của nghị định này như: chống phá Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia; kích động bạo lực; vi phạm thuần phong mỹ tục...

Nếu chỉ là việc trình diễn thời trang đơn thuần thì được xem như một doanh nghiệp, đơn vị giới thiệu sản phẩm, nằm trong quy định về triển lãm, giới thiệu công nghệ.

Về triển lãm, theo Nghị định 23/2019/NĐ-CP, chỉ có 2 hoạt động cần xin cấp phép là triển lãm do tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đưa ra nước ngoài và triển lãm do tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài tổ chức tại Việt Nam.

BST của NTK Lê Thanh Hoà được trình diễn trong một chương trình thời trang vào tháng 3 vừa qua tại Phú Quốc
BST của NTK Lê Thanh Hòa được trình diễn trong một chương trình thời trang vào tháng 3 vừa qua tại Phú Quốc

Ông Nguyễn Tấn Kiệt, Trưởng phòng Nghệ thuật Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM bày tỏ quan điểm: “Thực tế tại TPHCM có khác. Có những chương trình thời trang rất nghệ thuật, không phải chỉ giới thiệu, quảng bá sản phẩm ứng dụng, phục vụ cho nhu cầu ăn mặc hằng ngày. Vì thế, khái niệm biểu diễn nghệ thuật không khái quát được luôn thời trang”.

Ngoài ra, cũng có ý kiến thắc mắc khi hoạt động trình diễn thời trang hoặc cuộc thi nhan sắc nằm trong một chương trình nghệ thuật thì việc cấp phép sẽ thực hiện thế nào.                             

Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho rằng việc cấp phép đầu tiên căn cứ vào tên gọi của chương trình.

“Thủ tục sẽ căn cứ vào nội dung, sự cân đối có đúng như tên gọi hay không. Ví dụ, một cuộc thi người đẹp, người mẫu thì tỷ lệ biểu diễn không thể nhiều hơn phần thi chuyên môn. 

Trong quá trình thẩm định hồ sơ, nếu đơn vị tổ chức đăng ký thi người đẹp, người mẫu, trình diễn thời trang nhưng hoạt động này chỉ chiếm phần nhỏ, có vài ba người tham gia, còn phần lớn là hoạt động biểu diễn thì phải đề xuất chỉnh lại tên gọi, xét theo biểu diễn nghệ thuật. Nếu chương trình chỉ có một vài tiết mục trình diễn, còn lại là thi người đẹp, người mẫu, trình diễn thời trang thì tính chất không phải nghệ thuật biểu diễn. Còn vấn đề nghệ thuật hay không phụ thuộc vào sự thưởng thức”, ông Đông cho biết.

Việc cấp phép các chương trình nghệ thuật biểu diễn hiện tại do UBND tỉnh, thành đảm nhận, trong đó phần thủ tục, quy định có phần thoáng hơn. Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ thiên về hậu kiểm và sẽ xử phạt mạnh nếu có vi phạm xảy ra.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI