Trên đường hoàn lương có người dìu bước

31/07/2020 - 07:32

PNO - Con đường hoàn lương, tái hòa nhập với cộng đồng của chị em không hề bằng phẳng mà lắm gập ghềnh. Thế nhưng, họ đã có nhiều người “dìu bước".

Để mô hình 5+1 phát huy hiệu quả

Tối 28/7, tại UBND P.13, Q.6 đã diễn ra buổi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa các câu lạc bộ (CLB) Gia đình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội của các phường 5, 13 và 14, Q.6. Tại đây, thành viên các CLB đã chia sẻ những giải pháp để hỗ trợ những chị em yếu thế trong cộng đồng và gia đình. Được biết, các đối tượng hồi gia, lầm lỡ do Hội LHPN ba phường nói trên quản lý hiện là 35 chị.

Đây là địa bàn khá phức tạp, nằm kề công viên Phú Lâm, khu Bà Hom cũ, nơi các loại tệ nạn hoành hành, cho nên việc xây dựng và vận hành các CLB chính là tạo ra một môi trường tốt nhằm giúp những chị em lầm lỡ hòa nhập với cuộc sống bình thường. CLB là nơi gắn kết giữa các gia đình trong tổ nhân dân, khu phố với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ vướng vào tệ nạn… để giúp đỡ, ngăn chặn kịp thời, không để có thêm người sa chân, lỡ bước. CLB cũng là nơi để các cán bộ Hội ở địa phương có thêm tai mắt, nắm bắt tình hình được sâu sát. 

Buổi giao lưu giữa thành viên các CLB gia đình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội tối 28/7
Buổi giao lưu giữa thành viên các CLB gia đình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội tối 28/7

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Linh - Chủ tịch Hội LHPN P.13, Q.6, thông qua các CLB gia đình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, Hội LHPN các phường đã phối hợp với công an cùng các đoàn thể triển khai mô hình “5+1” một cách hiệu quả. 

“5+1” là mô hình bao gồm Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Ðoàn Thanh niên và công an cùng quan tâm, giúp đỡ những gia đình có người lầm lỗi, người cần được quản lý (như người mãn hạn tù trở về chưa tiến bộ hoặc có khả năng tái phạm; thanh, thiếu niên bỏ học, ăn chơi lêu lổng; người đang bị quản chế, cải tạo không giam giữ…) vươn lên trong cuộc sống. Việc duy trì, điều hành tốt các CLB sẽ tạo một môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh đến từng tổ nhân dân, khu phố, để các đối tượng có cơ hội khẳng định chính mình.

"Nếu không có Hội đời tôi đã nát tan"

Đến tham gia buổi giao lưu, ngồi nghe những chị em đồng cảnh nói về những gian khó khi trở về, chị M. đã rơi nước mắt. Chị M. năm nay 46 tuổi. Vì phải kiếm tiền chữa bệnh cho cha nên năm 17 tuổi chị đã vướng vào tệ nạn mại dâm - cái nghề bị cả xã hội quay lưng, ghét bỏ, khiến chị mặc cảm tận cùng. 

Năm 25 tuổi, trong một lần buồn bã, lại bị bạn bè kích động, M. đã vướng vào ma túy để rồi sau đó bị bắt quả tang đang cùng khách làng chơi sử dụng chất cấm và bị bắt đi cải tạo lần thứ nhất. Rồi chị tiếp tục vào tù lần thứ hai khi vướng vào đường dây buôn bán ma túy. Nhưng may mắn thay, “vào năm 2017, khi ra khỏi tù lần thứ hai, tôi đã được gặp một chú công an và cô cán bộ Hội Phụ nữ rất dễ thương. Họ không hề kỳ thị tôi mà còn thông cảm, chia sẻ, giới thiệu tôi học nghề pha chế trà sữa” - chị M. cho biết. 

Hàng ngàn phụ nữ được giúp đỡ

Năm 2019, Hội LHPN TPHCM đã hỗ trợ vay vốn cho 8.390 hội viên, phụ nữ với số tiền 186,972 tỷ đồng, hỗ trợ không lãi suất cho 21 phụ nữ yếu thế với số tiền 175 triệu đồng. Hội LHPN 24 quận, huyện đã hỗ trợ 10.960 hội viên, phụ nữ vay vốn với tổng số tiền lên đến 142,5 tỷ đồng giúp chị em phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, các cấp Hội cũng đã vận động, cảm hóa 916 người hồi gia, hoàn lương, trong đó đã giúp được 862 trường hợp tiến bộ.

Sau ba tháng miệt mài học tập, chị M. đã có nghề. Nhưng với hai tay trắng, chị chưa biết xoay xở ra sao. Đúng lúc đó thì Hội Phụ nữ lại xuất hiện và ngỏ ý cho chị mượn vốn làm ăn và tặng chị “quầy trà sữa di động”. “Từ đó tôi đã trở lại với cuộc đời” - chị M. xúc động.

35 chị em đang được Hội Phụ nữ các phường ở Q.6 quản lý, giúp đỡ làm lại cuộc đời là 35 câu chuyện đời với những hoàn cảnh, tình huống đầy nước mắt. Ai cũng biết “quay đầu là bờ”, nhưng có lúc “bến bờ thiện lương” thì xa lắc, trong khi cạm bẫy và cám dỗ thì ở ngay bên cạnh, khiến không ít người đã “ngựa quen đường cũ” đến năm bảy lần, tưởng không thể nào thoát ra. Có người tưởng đã thật sự “trở lại cuộc đời”, nhưng rồi “cớ sự” ở đâu ập đến khiến họ lại tiếp tục sa chân.

Bà Lương Thanh Trúc - Chủ tịch Hội LHPN Q.6 - ví von: “Bước chân trên đường hoàn lương khó lắm. Bởi vậy, những người mở đường, đồng hành, phải dìu bước chị em, phải tử tế, ân cần, nhưng khi cần thì cũng phải mạnh mẽ, quyết liệt để hướng chị em đi đúng lối. Việc dù khó, nhưng vẫn phải làm, bởi đó là cách kéo những chị em yếu thế trở về với bến bờ hạnh phúc thực sự”.

 Hạnh Chi

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI