Trạm dừng chân của hành trình nhẫn nại

03/10/2021 - 07:02

PNO - "Đại dương đen" - Những câu chuyện từ thế giới của trầm cảm là “trạm dừng chân” của hành trình nhẫn nại kéo dài hai năm cùng người trầm cảm của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang.

Với cuốn sách mới, tiến sĩ Giang đã khắc họa những hình hài khác nhau của trầm cảm đồng thời giúp người đọc hình dung và thấu hiểu hơn về thế giới kỳ lạ của căn bệnh đang ngày càng phổ biến này.

Tác giả đã gặp gỡ, trao đổi với khoảng 50, 60 người trầm cảm. Trong nhiều trường hợp, ông đã đồng hành và sẻ chia hàng năm trời với họ. Đây không phải lần đầu Đặng Hoàng Giang chọn con đường này. Trước Đại dương đen, ông hé mở hành trình cận tử của những người ung thư thông qua cuốn Điểm đến của cuộc đời, chữa lành những người đang mang trong mình vết thương tâm lý với Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ...

Với phần một của Đại dương đen, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang trò chuyện, lắng nghe 12 con người từng đối diện với căn bệnh trầm cảm. Lời kể của các nhân vật và người thân của họ trong 12 câu chuyện đã phơi bày những định kiến đang bao trùm lên căn bệnh không thể lý giải nguồn cơn. Theo tiến sĩ Giang, thông qua một khảo sát cách đây vài năm, ông nhận thấy vẫn còn 1/3 người Nhật tin “yếu đuối là nguyên nhân gây ra trầm cảm”.

Ngay cả ở Mỹ, 1/4 số người được hỏi cho rằng việc thừa nhận mình trầm cảm sẽ ảnh hưởng tới quan hệ bạn bè của họ. 9/10 người Anh tin rằng điều này sẽ ảnh hưởng tới sự nghiệp của họ. Rõ ràng, định kiến trầm cảm vẫn còn là một vấn đề hết sức đáng lo ngại. 

Rất ít người trầm cảm trong thời đại này may mắn được tiếp cận phương pháp điều trị phù hợp và kịp thời, được người thân thấu hiểu, đồng hành và nâng đỡ. Phần lớn thời gian, họ đều phải một mình, vật lộn từng ngày với sự mục ruỗng từ thể xác đến tinh thần. Có thể khi ra ngoài, họ là những con người sáng sủa, duyên dáng, nói năng khúc chiết nhưng thật khó để hình dung chỉ tuần trước đó, họ lê lết, sợ hãi, kiệt quệ hoặc mấy tuần sau đó thôi, tay họ sẽ lại đầy các vết cắt.

Một ví dụ cụ thể, sau ba lần tới bác sĩ và chuyên gia tâm lý, ba lần nhận chẩn đoán trầm cảm, Xuân Thủy (một nhân vật trong sách) vẫn không tin vào điều này và không muốn tìm hiểu về bệnh. “Không, mình không thể bị cái bệnh đó, nó không liên quan gì tới mình. Nó là cái thứ mà chỉ những người kém cỏi, thô thiển, thường xuyên khóc lóc vật vã, mới bị. Mình lịch lãm, sạch sẽ, đẹp đẽ, ăn nói gãy gọn, IQ, EQ sáng láng, mình không bị trầm cảm được”.

Không chỉ 12 câu chuyện trong sách này cần được chia sẻ mà ngoài kia, còn bao nhiêu số phận bị bỏ quên, còn bao nhiêu con người không thể tìm được “chỗ đứng” trong xã hội. Hơn hết, còn bao nhiêu người luôn phải dè chừng, e sợ người khác biết đến căn bệnh oái ăm, kỳ lạ luôn rình rập tước đi khả năng cảm nhận và sự sống của họ?

Ở phần hai của sách, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã cung cấp những kiến thức căn bản về trầm cảm. Ông đưa vào sách những khái niệm về trầm cảm, những phân loại và chẩn đoán, những mô hình trị liệu, bóc tách liệu pháp dược, thậm chí đưa cả những chủ đề nhạy cảm vốn luôn bị lẩn tránh như tự hại, tự sát… Nền tảng này giúp người ngoài cuộc hiểu chuẩn xác hơn về trầm cảm cũng giúp bệnh nhân có thể đối diện và chấp nhận căn bệnh họ đang mắc phải.

Như những bài hát ru, 12 chân dung trong cuốn sách phần nào sẽ khiến nỗi đau của người trầm cảm dịu lại, ngủ yên, được tiếp thêm sức mạnh tinh thần khi tỉnh thức.

Hành trình của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang thông qua Đại dương đen có thể giúp cuộc sống ta thêm giàu có, tâm trí thêm mở mang, trái tim thêm thấu hiểu và trắc ẩn. 

An Doanh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI