TPHCM: Hàng hóa về chợ và siêu thị vẫn dồi dào - Sẽ xử nghiêm tình trạng đầu cơ, găm hàng

31/05/2021 - 06:35

PNO - Việc chuẩn bị nguồn hàng, tránh gián đoạn trong tình huống thành phố thực hiện giãn cách xã hội đều được Sở Công thương TPHCM dự phòng trước.

Các mặt hàng được mua nhiều nhất là gạo, dầu ăn, bột ngọt, mì gói, bún, phở, khô, nước mắm, thịt, cá, rau củ… Tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh Lê Đức Thọ, VinMart Phan Văn Trị, chợ Căn Cứ 26A… thuộc Q.Gò Vấp, TPHCM, lượng khách mua sắm đông nghịt dẫn tới nhiều tuyến đường vào chợ kẹt xe. Tại các cửa hàng, khách phải xếp hàng dài chờ tính tiền. Trung bình mỗi khách mua 2-3 giỏ hàng, gạo thì 30-50kg, dầu ăn 2-3 can loại 5 lít; bột ngọt, đường cũng 3-5 túi/khách… Các kệ hàng thịt, cá, tôm, rau, củ… tại các cửa hàng, siêu thị trên gần như hết hàng. Một số cửa hàng phải bổ sung thực phẩm đông lạnh như cá, tôm viên, xúc xích… để khách có thêm lựa chọn. Nhân viên các siêu thị, cửa hàng khẳng định: “không thiếu hàng, hàng luôn được bổ sung kịp thời để phục vụ khách. Riêng thực phẩm tươi sống thì nhập tươi mới mỗi ngày nên sáng hôm sau mới về hàng tiếp”. 

Chợ Căn cứ 26A đường Lê Thị Hồng, Q.Gò Vấp chiều 30/5  vẫn dồi dào lương thực, thực phẩm
Chợ Căn cứ 26A đường Lê Thị Hồng, Q.Gò Vấp chiều 30/5 vẫn dồi dào lương thực, thực phẩm

Tại siêu thị Co.opmart Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp), hàng hóa vẫn đầy ắp quầy kệ. Chỉ riêng một số kệ hàng sữa, thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô… có vơi đi nhưng luôn có nhân viên bổ sung hàng kịp thời. Tại quầy thu ngân, khách cũng xếp hàng bình thường chờ tính tiền, không có tình trạng chen lấn…

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết: Saigon Co.op cùng hệ thống bán lẻ, các đơn vị tham gia chương trình bình ổn hàng hóa của TP.HCM đã chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu, sẵn sàng phục vụ người dân với nguồn hàng dồi dào. “Hiện lượng hàng hóa của Saigon Co.op từ các tỉnh về TP.HCM vẫn thông suốt, nguồn hàng không thiếu, người tiêu dùng yên tâm mua sắm. Ngoài đảm bảo nguồn hàng, chúng tôi yêu cầu các điểm bán thuộc hệ thống, nhân viên, khách hàng phải tuân thủ các quy định 5K để phòng, chống dịch”, ông Anh Đức khẳng định. 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), việc nhiều người dân đổ xô đi mua sắm là rất không nên vì sẽ khó giữ khoảng cách an toàn khi tập trung đông người, có thể làm lây lan dịch bệnh. Người dân cần bình tĩnh vì khi thực hiện giãn cách xã hội vẫn có thể ra khỏi nhà khi có việc cần thiết như mua thức ăn, cấp cứu… 

Trước đó, kế hoạch chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM đã được Sở Công Thương TPHCM xây dựng và triển khai theo kịch bản thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

Theo đó Sở Công thương TPHCM sẽ ưu tiên công tác phòng, chống dịch và dập dịch; Nhà nước tham gia điều phối cung ứng nguồn hàng, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu; tăng cường kiểm tra chống đầu cơ, ghim hàng gây biến động thị trường, giá cả. 

“Ngành công thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) duy trì sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu trong điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp, yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, sở phối hợp chặt chẽ với Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương; các DN, nhà cung ứng trong nước, DN nhập khẩu triển khai phương án huy động, nhập khẩu và cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, khẩu trang, chất khử khuẩn… cho người dân. Ngoài ra, sở phối hợp Hiệp hội DN thành phố, hội ngành nghề, các đơn vị liên quan chủ động nắm bắt tình hình, triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ công nhân, người lao động gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, khẳng định. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI