Vụ án 'cà phê pin': Kết luận điều tra không đề cập tới người tung tin

29/08/2018 - 06:40

PNO - Câu hỏi cơ bản mà Báo Phụ Nữ đặt ra, đến nay vẫn còn bỏ ngỏ: ai tung tin “cà phê pin” khiến doanh nghiệp cà phê khốn đốn?

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án “vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” mà dư luận lâu nay vẫn quen gọi là “vụ án cà phê pin”, sau hơn 4 tháng xảy ra vụ việc.

Theo kết luận điều tra, toàn bộ “đường đi” của hỗn hợp “lạ” không liên quan đến cà phê, đúng như Báo Phụ Nữ TP.HCM đã phản ánh trong loạt bài Đi tìm sự thật phía sau vụ án “cà phê pin” đăng vào các ngày 21, 23, 25/5. Tuy nhiên, câu hỏi cơ bản mà tờ báo đặt ra, đến nay vẫn còn bỏ ngỏ: ai tung tin “cà phê pin” khiến doanh nghiệp cà phê khốn đốn?

Vu an 'ca phe pin': Ket luan dieu tra khong de cap toi nguoi tung tin
 

Kết luận điều tra: hỗn hợp than pin để trộn vào tiêu

Ngày 15/4, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông kiểm tra cơ sở kinh doanh của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (trú tại thôn 13, xã Đắk Wer, H.Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), phát hiện tại đây có trộn hỗn hợp than pin + đá + vỏ cà phê.

Liền đó, thông tin “cà phê pin” được đưa khắp các mặt báo với tốc độ chia sẻ “chóng mặt” trên mạng xã hội, rằng lực lượng chức năng ghi nhận tại cơ sở bà Loan có hàng chục tấn cà phê “bẩn”, tạo ra làn sóng đòi tẩy chay cà phê Đắk Nông.

Thế nhưng, sau 4 tháng, cơ quan điều tra kết luận, cho thấy cà phê bị “đánh” oan. Theo đó, bà Phan Thị Dung - sinh năm 1962, trú tại khu phố Ninh Hòa, thị trấn Lộc Ninh, H.Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung và bà Lê Thị Thơ - sinh năm 1979, trú tại thôn 5, xã Nâm N’Jang, H.Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, Giám đốc Công ty TNHH Tịnh Thơ - quen biết nhau từ những năm 2003-2004 thông qua việc kinh doanh, mua bán tiêu.

Khoảng tháng 6/2013, bà Dung làm ăn thua lỗ, nợ hàng chục tỷ đồng. Thời gian này, bà Thơ chủ yếu mua tiêu bán cho bà Dung nên cũng bị liên lụy, nợ trên 4 tỷ đồng; bà Dung cũng nợ bà Thơ 7 tỷ đồng.

Khoảng giữa năm 2015, biết dân buôn trộn tạp chất (gồm vỏ cà phê lẫn sỏi đá có màu đen kích thước 2-3mm mà dân buôn tiêu thường gọi là phế) vào tiêu để bán kiếm lời, bà Thơ lấy mẫu tạp chất này cho bà Dung xem. Sau đó, cả hai đề ra phương án: bà Thơ sẽ tìm người bán tạp chất, mua về cho bà Dung trộn vào tiêu; bà Dung trả tiền vận chuyển và tiền mua tạp chất, đồng thời trả cho bà Thơ tiền chênh lệch 1.000 đồng/kg. 

Vu an 'ca phe pin': Ket luan dieu tra khong de cap toi nguoi tung tin
Bên trong cơ sở của bà Loan, ông Bảo

Thỏa thuận xong, bà Thơ liên hệ qua điện thoại, mua khoảng 3 tấn tạp chất của bà Nguyễn Thị Thanh Loan. Chuyến đầu tiên, bà Thơ trực tiếp nhận và trả tiền cho bà Loan qua người lái xe rồi sang xe, chở tạp chất về kho của Công ty Thảo Dung. Nhận thấy việc trộn tạp chất vào tiêu sẽ tăng thêm lợi nhuận, sau chuyến đầu, bà Dung tiếp tục mua tạp chất của bà Loan thông qua bà Thơ.

Từ thời điểm này, ông Nguyễn Xuân Bảo - chồng bà Loan - cùng vợ làm tạp chất gồm vỏ cà phê lẫn sỏi đá có màu đen để bán cho bà Thơ. Để kín đáo, bà Thơ chỉ thuê một mình anh Trần Ngưỡng (còn gọi là Tuấn) làm tài xế vận chuyển hàng cho mình, với giá 500.000 đồng/tấn. 

Từ cuối năm 2015 đến tháng 4/2018, bà Thơ đã mua hỗn hợp vỏ cà phê lẫn sỏi đá có màu đen của vợ chồng Loan - Bảo rồi thuê Tuấn chở về Bình Phước cho bà Dung, khoảng 15 - 20 chuyến, mỗi chuyến từ 10 - 23,3 tấn. Trong đó, cơ quan điều tra xác định rõ hai lần mua vào tháng 3 và 4/2018. Ngày 10/4, Tuấn mua của vợ chồng Loan - Bảo 9,8 tấn để bán cho bà Dung mà không cho bà Thơ biết.

Vu an 'ca phe pin': Ket luan dieu tra khong de cap toi nguoi tung tin
 

Thời điểm này, vợ chồng Loan - Bảo bán tạp chất cho bà Thơ và ông Tuấn giá 9.000 đồng/kg; Thơ, Tuấn bán lại cho bà Dung giá 12.000 đồng/kg. Hỗn hợp mua về được bà Dung trộn vào tiêu với tỷ lệ 2% để thay tiêu đầu đinh, tạp chất ghi trong những hợp đồng mua bán tiêu xô. Việc này, theo bà Dung, sẽ giúp lời thêm khoảng 5 triệu đồng/container 27 tấn. 

Để có hỗn hợp bán theo đơn đặt hàng của bà Thơ, chuyến đầu tiên, bà Loan lấy vỏ cà phê lẫn sỏi đá được sàng, quạt tách ra từ một lô hàng cà phê Rô 4 (cà phê mẻ có lẫn vỏ) ủ đen tự nhiên bằng nước rồi phơi khô, bán cho bà Thơ. Từ chuyến hàng thứ hai, ông Bảo tham gia cùng vợ, mua vỏ cà phê rồi nhuộm bột pin để tạo màu đen. Ông Bảo là người trực tiếp mua pin nhuộm hỗn hợp vỏ cà phê lẫn sỏi đá để tạo màu đen. 

Để trộn bột pin vào vỏ cà phê lẫn sỏi đá, ông Bảo dùng dao chặt đôi thỏi pin, dùng thanh kim loại cạy bột pin cho vào thùng nước, khuấy tan, dùng rổ nhựa lọc bỏ lõi pin và vỏ pin rồi dùng cối trộn bê tông trộn vỏ cà phê lẫn sỏi đá với nước bột pin này, sau đó sấy khô.

Trong quá trình này, nhiều lần, Loan - Bảo bị trả hàng do không đạt yêu cầu, anh Tuấn đã đưa mẫu để yêu cầu làm cho đúng. Mẫu này, anh Tuấn khẳng định bà Dung và bà Thơ là người đưa cho mình. Đầu tháng 3/2018, vợ chồng Loan - Bảo thuê anh Ngô Ngọc Sơn (sinh năm 1998) vào làm việc cho mình.

Bà Dung là “chủ mưu”

Theo cơ quan điều tra, bà Dung khai mãi đến ngày 15/4, qua đọc báo, bà mới biết hỗn hợp lâu nay mình mua được nhuộm đen bằng bột pin. Lúc này, trong kho của bà có 9,8 tấn hỗn hợp này và 4 tấn tiêu đã trộn hỗn hợp. Sợ bị phát hiện, bà Dung tẩu tán. Đối với 4 tấn tiêu đã trộn tạp chất, bà Dung tiếc nên trộn thêm vào 5 tấn tiêu để làm thành 9 tấn, chuẩn bị bán theo hợp đồng cho công ty Phalco Việt Nam nhưng cơ quan chức năng đã kịp thời kiểm tra, thu giữ 9 tấn tiêu này.

Vu an 'ca phe pin': Ket luan dieu tra khong de cap toi nguoi tung tin
Chồng của bà Thơ trò chuyện với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM

Theo cơ quan điều tra, từ ngày 1/1 đến 23/4/2018 (ngày khởi tố vụ án), bà Dung đã bán tiêu đen thành phẩm cho 12 doanh nghiệp với tổng khối lượng hơn 1.700 tấn, trị giá hơn 107 tỷ đồng. Trong đó, bán tiêu đen xô (tiêu mà bà Dung thường trộn phế phẩm cà phê) cho 10 công ty có địa chỉ ở Đắk Lắk, TP.HCM, Hà Nội.

Thế nhưng, 10 công ty này cho biết, sau khi mua tiêu của bà Dung, không có công ty nào nhập hàng về kho mà chuyển thẳng ra cảng tại TP.HCM để xuất khẩu, cũng không có công ty nào còn lưu giữ mẫu tiêu này. Trong quá trình bán tiêu cho các đối tác nước ngoài, không xảy ra thắc mắc, khiếu nại gì về chất lượng hàng hóa. 

Theo cơ quan điều tra, hành vi của các bị can Dung, Thơ, Loan, Bảo, Tuấn trực tiếp xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước về an toàn thực phẩm, làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu, hàng hóa thực phẩm nói chung và ngành tiêu Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, chưa có căn cứ để xác định hậu quả thiệt hại về tính mạng, sức khỏe con người trên thực tế. 

Vu an 'ca phe pin': Ket luan dieu tra khong de cap toi nguoi tung tin
 

Theo đó, cơ quan chức năng kết luận: bà Dung biết rõ hỗn hợp tạp chất được nhuộm đen bằng bột pin nhưng vẫn mua để trộn vào tiêu; bà Thơ và anh Tuấn biết bà Dung mua hỗn hợp trộn vào tiêu để bán nhưng vẫn mua bán, vận chuyển cho bà Dung; bà Loan và ông Bảo biết hỗn hợp vỏ cà phê, sỏi đá nhuộm bột pin mình làm ra được người mua trộn vào tiêu nhưng vẫn sản xuất để bán. Hành vi của các bị can đủ yếu tố cấu thành tội “vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”, trong đó, bà Dung là người có vai trò chính. 

Cơ quan điều tra quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án và bản kết luận đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông truy tố các bị can Dung, Thơ, Tuấn, Loan, Bảo với tội danh trên, theo quy định tại điểm d, khoản 3, điều 317 Bộ luật Hình sự.

Bỏ ngỏ câu hỏi “ai tung tin cà phê pin?”

Ngay sau khi thông tin “cà phê pin” vừa được lan truyền, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã nhận thấy nhiều bất thường, bắt đầu điều tra và đăng tải loạt bài Đi tìm sự thật phía sau vụ án “cà phê pin”. Câu hỏi lớn nhất chúng tôi đặt ra cho các cơ quan chức năng là: ai tung tin “cà phê pin” khiến “thủ phủ cà phê” lao đao? Câu hỏi này đến nay vẫn bị cơ quan chức năng bỏ ngỏ, chưa có một lời xin lỗi chính thức nào với người dân trồng cà phê nói riêng, ngành cà phê nói chung.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Chương - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông - nói: “Cá nhân tôi hơi buồn về vụ việc này, buồn vì một số người chưa tiếp cận thông tin mà vội vàng tung tin, buồn vì cách xử lý cũng không thỏa đáng. Khi xảy ra vụ việc, các báo gọi cho tôi rất nhiều, tôi nói ngay từ đầu là không phải dùng trộn cà phê, mà họ vẫn đăng như vậy. 

Sau đó, ở cuộc họp báo ngày 18/4 ở tỉnh Đắk Nông và trong một hội nghị tổ chức ngày 20/4 tại TP.HCM, tôi nói thẳng luôn là không dùng làm cà phê, nhưng các báo không đưa theo lời tôi nói mà cắt đi để đưa những cái khác vào. Có cô phóng viên còn điện thoại cho tôi, tôi nói rất nhiều lần, nhưng vẫn viết ngược thành dùng sản xuất cà phê”.

Về thông tin, “có cán bộ công an tiếp tay cho báo chí” - tức là người tung tin, ông Chương cho biết: “Theo tôi được biết, họ cũng đã bị kiểm điểm vì đưa thông tin sai, bên ngành cũng đã xử lý chuyện này rồi”.

Bà Nông Thị Như Trang - Phó trưởng phòng Thông tin Báo chí Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Nông - cho hay: “Thông tin không chính xác ảnh hưởng rất lớn đến ngành cà phê, đi đâu cũng nghe cụm từ cà phê pin. Chúng tôi quản lý các cơ quan báo chí có đăng ký hoạt động trong tỉnh và đã có văn bản đề nghị tuyên truyền cho đúng.

Còn người chịu trách nhiệm về thông tin mà các báo đưa là “theo nguồn tin từ cơ quan điều tra, bà Loan dùng hỗn hợp vỏ cà phê, đá sỏi nhuộm pin chế biến thành bột cà phê bán ra thị trường không nhãn mác”, họ xử lý nội bộ, tôi không biết. Tôi không nắm được nhưng mà họ có xử lý rồi. Công an tỉnh đã xác định được cán bộ nào trong lực lượng đưa thông tin không chính xác và tại nhiều cuộc họp, chúng tôi cũng nắm được là đã có sự nhắc nhở, nghiêm khắc chấn chỉnh”.

Cho đến lúc này, câu hỏi “vị cán bộ đó là ai”, trách nhiệm của người này ra sao trong việc tung tin “cà phê pin” vẫn chưa được cơ quan chức năng làm sáng tỏ. 

Nhóm Phóng Viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI