Thi xét tuyển đại học: Không nên khuyến khích học sinh lớp Mười tham dự

14/03/2023 - 06:07

PNO - Một số kỳ thi riêng của các trường đại học mở rộng đối tượng cho cả học sinh lớp Mười, Mười một tham gia gây nhiều băn khoăn. Bởi, đây là những kỳ thi phục vụ mục đích xét tuyển đại học.

 

Nhiều ý kiến cho rằng không nên khuyến khích học sinh tham gia các kỳ thi xét tuyển đại học quá sớm  (trong ảnh: Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2022) - ẢNH: P.T
Nhiều ý kiến cho rằng không nên khuyến khích học sinh tham gia các kỳ thi xét tuyển đại học quá sớm (trong ảnh: Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2022) - Ảnh: P.T

Cho phép nhưng không khuyến khích

Vừa qua, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội và kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TPHCM công bố đối tượng tham gia là học sinh đã và đang học THPT. Như vậy, các kỳ thi này “mở cửa” cho cả học sinh lớp Mười, Mười một tham gia.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Phong Điền - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho hay kỳ thi không chỉ đơn thuần kiểm tra kiến thức ghi nhớ mà nhằm mục đích đánh giá khả năng tư duy, suy luận của học sinh THPT, cho nên học sinh lớp Mười, Mười một vẫn được tham gia. Bên cạnh đó, thí sinh tham gia kỳ thi được cấp giấy chứng nhận có giá trị trong 2 năm để xét tuyển ĐH. 

Tuy vậy, ông Nguyễn Phong Điền khuyến cáo học sinh lớp Mười không nên dự thi vì chưa đủ kiến thức và tư duy nên khả năng trượt là rất cao. Ngay cả với học sinh lớp Mười một, nếu không thực sự xuất sắc, có năng lực vượt trội thì việc tham gia kỳ thi chỉ gây lãng phí. Muốn hoàn thiện khả năng tư duy để đáp ứng kỳ thi này đòi hỏi các em phải học tập “đến đầu đến đũa” 3 năm THPT.

Lý giải vì sao mở rộng đối tượng nhưng không khuyến khích tham gia, ông Nguyễn Phong Điền cho rằng, dựa trên việc Bộ GD-ĐT cho phép học sinh lớp Mười, Mười một dự thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế cùng lớp Mười hai. Việc mở rộng đối tượng thi cũng nhằm thúc đẩy rèn luyện kỹ năng tư duy cho học sinh phổ thông, đây là kỹ năng rất cần thiết cho việc học ĐH và cả đi làm sau này.

Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM - cũng khẳng định, trường không có bất kỳ hạn chế nào với các thí sinh là học sinh THPT, ngay cả lớp Mười. Tuy nhiên, học sinh cần lưu ý điểm kỳ thi chỉ được công nhận trong vòng 2 năm, nghĩa là nếu thi từ lớp Mười thì không được bảo lưu đến năm Mười hai để xét tuyển ĐH.

Chưa kể, phạm vi kiến thức kỳ thi có 70 - 80% nằm ở chương trình lớp Mười hai. Do đó, học sinh lớp Mười phải hết sức cân nhắc vì tham gia kỳ thi không giúp được gì nhiều cho các em. Đối với lớp Mười một cũng chỉ có một số em có năng lực vượt trội, như lớp học sinh giỏi, lớp chuyên thì có khả năng tham gia. Năm 2022, kỳ thi của trường cũng có khoảng mười mấy học sinh lớp Mười một tham gia trên tổng số hơn 2.000 thí sinh. Nhìn chung, điểm số các em vẫn ở mức tốt nhưng không thể so được với học sinh lớp Mười hai. 

“Vì đây là kỳ thi đánh giá năng lực nên trường không hạn chế độ tuổi, cũng không thể nói là các em lớp Mười hay Mười một thì chưa có năng lực. Kỳ thi có độ mở nhưng không khuyến khích sự tham gia ồ ạt. Quan trọng nhất là học sinh rà soát được đúng năng lực của mình ở mức độ nào. Nhà trường xác định đối tượng chính của kỳ thi vẫn là học sinh lớp Mười hai dự thi để xét tuyển vào ĐH” - ông Nguyễn Ngọc Trung nói.

Lợi ít, hại nhiều

Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội - cho biết, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội quy định đối tượng dự thi là học sinh lớp Mười hai hoặc đã tốt nghiệp THPT. Nếu học sinh lớp Mười, Mười một muốn đăng ký thi thì “không cấm, song cũng không khuyến khích”. Bởi, bài thi được thiết kế với 70% câu hỏi thuộc chương trình lớp Mười hai, 30% ở lớp Mười một và Mười. Trong đó, chỉ có 10% kiến thức môn toán, ngữ văn nằm ở lớp Mười. Nếu học sinh lớp Mười tham gia thì cao lắm cũng chỉ làm được 10%, còn học sinh Mười một chỉ đạt tối đa 30%.

“Như vậy, học sinh dự thi sớm không chỉ gây lãng phí thời gian, tiền bạc, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý. Bởi thực tế, các em muốn dự thi sớm thường là những học sinh giỏi, nếu thi điểm quá thấp các em dễ bị hoang mang, thất vọng, ngộ nhận về năng lực bản thân, ảnh hưởng đến cả quá trình học tập sau này” - ông Nguyễn Tiến Thảo khuyến cáo.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia TPHCM - khẳng định học sinh lớp Mười, Mười một cần tập trung vào việc học tập, hoàn thiện năng lực hơn là đi thi từ sớm. Theo ông, quy chế của ĐH Quốc gia TPHCM cũng nêu rõ kỳ thi chỉ dành cho thí sinh đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 theo quy định của Bộ GD-ĐT; hoặc thí sinh đã tốt nghiệp THPT. Do đó, trung tâm sẽ rà soát, nếu có thí sinh lớp Mười, Mười một đăng ký tham gia thì cũng bị loại vì các em không thuộc đối tượng kỳ thi. 

“Mục đích của ĐH Quốc gia TPHCM là muốn tổ chức một kỳ thi nhẹ nhàng, không áp lực, không muốn học sinh phải đi thi nhiều, bởi việc học quan trọng hơn thi cử. Đây là kỳ thi dùng để phục vụ tuyển sinh ĐH, do đó đối tượng chính là thí sinh muốn vào ĐH. Phạm vi kiến thức của kỳ thi rất rộng, đòi hỏi học sinh cần một thời gian đủ dài để tích lũy kiến thức, năng lực. Mà học sinh lớp Mười, Mười một chưa tích lũy đủ kiến thức của 3 năm phổ thông. Nếu đi thi sớm thì các em không thể làm tốt bài thi, ảnh hưởng không tốt cho các em. Học sinh nên tập trung vào học chương trình phổ thông thật khoa học, toàn diện và cũng không nên nôn nóng tham gia kỳ thi” - ông Nguyễn Quốc Chính khuyên. 

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI