Thấy mít lại... nhớ mẹ

24/12/2020 - 17:36

PNO - Người Quảng Nam không dùng muỗng để ăn món mít trộn, mà dùng bánh tráng thay muỗng. Cũng như một thời người ta dùng miếng lá dứa để ăn xôi bắp vậy.

Hôm nào được mẹ gợi ý: “Các con có thích ăn mít trộn không?”, anh em tôi không rủ mà đồng thanh hô lớn: “Dạ có”.

Anh Hai lật đật chạy ra vườn tìm mít. Tôi lẽo đẽo chạy theo. Vườn nhà khá rộng, chừng chục cây mít ra trái quanh năm. Giữa vườn có cây mít ráo lùn, thân to, cho trái là là mặt đất.

Anh Hai chọn hai trái mít non mũm mĩm, gai mịn đều, da nhẵn. Tôi xách mỗi tay mỗi trái, chạy ù vào nhà. Mẹ xẻ mít thành nhiều phần nhỏ, ngâm nước lạnh để ra bớt mủ và không bị thâm, rồi cho vào nồi luộc. Mẹ khen anh Hai chọn mít non rất khéo, trái nào cũng chắc miếng và khô ráo.

Trong khi luộc mít, mẹ mở nắp thùng lấy một ít đậu phụng khô, anh em tôi xúm vào bóc vỏ. Nhà trồng đậu phụng, mẹ luôn để dành một ít cho các món gỏi, hay làm muối đậu ăn trong mùa đông.

Khi mít vừa chín tới, mẹ vớt ra, gọt bỏ phần vỏ và cùi, rửa qua nước lạnh cho trắng, để ráo. Trong lúc anh Hai rang đậu, tôi ra vườn hái nắm rau răm, mẹ ra chợ mua mấy lạng thịt heo ba chỉ và một ít tôm tươi.

Tôm, thịt được rửa sạch, rồi luộc. Đợi tôm chín, mang ra bóc vỏ, thịt cắt hạt lựu. Rồi mẹ bắc chảo khử dầu phụng nguyên chất, cho những củ nén giã dập vào chảo. Mít rất “chịu” dầu phụng, mà dầu phụng lại rất “chịu” củ nén, nên có thể cho dầu mạnh tay, cho nhiều củ nén một chút, để gia tăng hương vị.

Có lẽ với những người Quảng xa quê như tôi, mỗi khi “gặp” lại mùi dầu phụng khử nén, gian bếp ngày xưa lập tức ùa về, với những món ăn đi cùng năm tháng, dân dã, bình dị.

Mẹ cho tôm thịt và mít xắt mỏng vào chảo dầu đã nguội, cho chút đường, muối, tiêu, bột ngọt, nước cốt chanh, rau răm vào trộn đều, nêm vừa ăn. Mít được bày ra dĩa, đậu phụng giã dập rắc lên trên. Mẹ xắt vài khoanh ớt đỏ, gắp mấy con tôm trang trí “mặt tiền” cho dĩa mít thêm phần hấp dẫn. Mùi của dầu, của đậu, của chanh, ớt, tỏi, rau răm quyện vào nhau, thơm lừng cả nhà.

Công đoạn chính đã xong, mẹ giao anh em tôi làm nước mắm tỏi ớt, trong lúc mẹ chuẩn bị bếp than để nướng bánh tráng. Ăn mít trộn mà không có bánh tráng tẩm mè nướng giòn thì xem như chưa đúng điệu.

Người Quảng Nam không dùng muỗng để ăn, mà dùng bánh tráng thay muỗng. Bẻ miếng bánh tráng, xúc miếng mít trộn, vị ngon đậm đà nơi đầu lưỡi. Ai từng một lần thưởng thức, chắc chắn không bao giờ quên.

Bây giờ, thỉnh thoảng tôi cũng ra tay làm đúng bài bản món khoái khẩu này, nhưng dù cố gắng đến mấy, cũng không thể ngon bằng món mít trộn của mẹ. Hình như mít và những thành phần chế biến đi kèm phải được trồng ngay trên mảnh đất quê hương mới cho ra hương vị thơm ngon, đặc biệt đến vậy.

Phi Khanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI