Tết nay vẫn thèm món xà bần

04/02/2022 - 07:37

PNO - Gà vịt ê hề, chả nem toàn loại đặc sản, nhưng đến mùng Ba, mùng Bốn mà chưa thấy món xà bần là lại có cảm giác chưa có tết.

Ngày đó mẹ tôi hay nói, chỉ có nhà nghèo mới tiếc những dĩa thức ăn dư thừa, mà đem “trộn nhào” chúng lại với nhau, biến tấu thành món xà bần. Nhà giàu thì, đúng kiểu ăn uống khoa học, thức ăn thừa sẽ không được tái dùng.

Xà bần, đúng như tên gọi của nó, là tùm lum những thứ dư thừa mà lý ra sẽ bị vứt đi, được cho vào một nồi. Từ vài miếng chả lụa hình tam giác nhọn, nửa dĩa thịt nướng, những lát thịt phay luộc đến dĩa heo quay, vài miếng thịt gà nhiều da… Mỗi món cứ thừa một ít, chẳng tròn dĩa để dọn lên mâm, mà bỏ đi thì tiếc. Thế là trút tất cả vào một thau nhỏ, ướp xíu mắm, bột ngọt, đường, tiêu… Phi xíu hành cho thơm xong trút thau hỗn hợp món dư thừa ấy vào, xào săn rồi nêm nếm lại, đun lửa nhỏ thêm một xíu, thế là thành món xà bần huyền thoại!

Nghe thì cứ như là một cuộc "tập kết" của những thứ dư thừa thuộc về nhà nghèo, chả thành món cũng chả có gì đặc biệt, ấy thế mà món xà bần chẳng nhà nào giống nhà nào. Như nhà tôi, mẹ biến tấu được ít nhất thành 2 kiểu xà bần khác nhau. Một là theo phong cách kho mặn, nghĩa là nêm nếm hơi đậm đà một xíu, như kho, ăn rất đưa cơm. Một là sau khi xào săn xà bần, mẹ cho vào đó một ít dưa cải chua, ninh trên lửa nhỏ cho đến khi cải mềm ra. Cả 2 kiểu xà bần này, chỉ cần có cơm nóng là đám con chén sạch nồi trong tiếng xuýt xoa. Mẹ tôi năm nào cũng biết ý, làm một nồi xà bần xong thổi thêm nồi cơm để sẵn, ủ phía dưới chút than nhỏ để giữ cho nồi cơm ấm lâu. Đám con đi chơi xuân, chúc tết hàng xóm xong, về nhà là tót thẳng xuống bếp. Cứ thế mà với tay lên chạn lấy chén, xúc cơm ăn với xà bần.

Sau những ngày mâm cao cỗ đầy với từng dĩa gà luộc, xương hầm, thịt nướng… mà nhà nào cũng như nhà nào, nồi xà bần như “cứu” lại khẩu vị của đám con háu ăn. Có khi cuối ngày, trong nồi vẫn còn lại thịt thà, chỉ dưa cải chua là không thấy đâu. Cọng dưa cải chua chua, thấm chất ngọt của thịt cá, thấm them chút béo béo thơm thơm của dầu phi hành, lại mềm rục… trở thành thứ quyến rũ vị giác vô cùng. Mẹ rửa thêm mớ dưa cải khác, lại cho vào nồi xà bần, nêm nếm và ninh nhừ…

Thằng bạn tôi, năm nào tầm mùng Ba cũng qua nhà chơi rồi tìm cớ xuống bếp, nhìn nhìn kiếm kiếm. Tôi biết ý, vờ than đói bụng, bê nồi cơm để ra rế rồi múc tô xà bần cải chua, mời bạn. Nó cũng chẳng khách sáo, ngồi ăn khí thế, khen đáo khen để. Rồi nó kể, trong ngôi nhà to nhất xóm mà ba má nó vẫn hay tự hào, chả bao giờ kiếm được món này. Có lần nó thử đề xuất, má nó liền phán: Chỉ có nhà nghèo mới ăn uống kiểu đó thôi con! Thằng bạn im lặng, không dám nói với má nó là nó thích món nhà nghèo đó. Nó chọn cách lủi qua nhà tôi, đợi được mời ăn như thế.

Có lẽ má nó nói đúng. Thức ăn dư thừa nguội lạnh vốn được khuyến cáo không nên sử dụng. Nhưng với những gia đình mà chỉ đến tết mới có thịt gà, có miếng chả, thịt nướng… thì việc bỏ đi thức ăn thừa là điều quá… lãng phí. Ngày đó, những gia đình nghèo làm gì có tủ lạnh để trữ thức ăn dư. Chỉ còn cách biến chúng thành món xà bần, hâm đi hâm lại vẫn không sao, mà ngon chán.

Vậy nhưng, ngay cả bây giờ, đời sống của lũ trẻ nghèo ngày ấy đã khác, vịt gà bò heo đã hiện diện trong những bữa ăn hàng ngày, tủ lạnh tủ đông gì cũng có, không hiểu sao vẫn cứ thèm món xà bần mỗi khi tết về. Thèm đến mức, đến ngày mùng Ba, mừng Bốn mà trong bếp chưa có nồi xà bần, là cảm giác như tết vẫn còn… kẹt xe ở đâu đó chưa tới nhà mình. Là thèm xà bần hay thèm ấu thơ, thèm tết cũ có đầy đủ ba má và đám anh em, bạn bè, tôi cũng không biết nữa. Có năm, gắp miếng dưa cải chua mềm rục mà vợ tôi vừa ninh xong cho vào chén, nước mắt tôi ứa ra. Tôi nhớ cảnh mình và thằng bạn thân ngồi chồm hổm trên nền đất của chái bếp lợp tranh năm nào, nó lua cơm kèm xà bần một cách ngon lành, như thể đó chính là mỹ vị duy nhất trên đời. Năm chúng tôi 29 tuổi, hôm trước vừa đùa với nhau là tao với mày năm nay tam tai, hôm sau nó đã ra đi vĩnh viễn vì đột quỵ…  Món xà bần kể từ đó là thứ giúp tôi trở về với khoảng thời gian vô lo, và chưa mất nó.

Sáng sớm hôm nay, vừa dậy đã nghe vợ tôi khua tủ lạnh, gom những hộp thức ăn dư từ "3 mùng"  cho vào nồi. Năm nào cũng vậy, cứ mùng Bốn là vợ tôi lại làm nồi xà bần cải chua cho chồng. Cô ấy hay bảo, sau 3 mùng, cả nhà ai cũng đã ngán với món này món kia cùng những công thức cầu kỳ, thì "xà bần vạn tuế”. Tôi biết, thật ra trong cái lý do để cô ấy kho nồi xà bần vào ngày này, là vì tôi nữa - cái thằng U40 đang ở tết nay mà cứ nhớ hoài tết xưa…

Đạt Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI