Túi xách gai, bột mì tổ và tiếng chim trở về

02/02/2022 - 06:32

PNO - Những ngày hoàn toàn ở nhà trong đợt dịch COVID-19 năm nay, tôi có thời giờ nhiều để nghĩ ngợi. Tôi nghĩ về quá khứ, về tương lai. Tôi nhớ những năm tháng nhọc nhằn của đất nước…

 

Quảng cáo nữ trang trên  báo Sài Gòn trước năm 1954
Quảng cáo nữ trang trên báo Sài Gòn trước năm 1954

Một ngày năm 1970, nhà tôi có khách - một cô đi chiếc Honda Dame đến thăm má tôi. Cô dạy cùng trường tiểu học Võ Tánh với dì Út, được má xem như em gái. Cô bận áo dài thật đẹp, khoác trên tay cái túi xách bằng da phủ sơn mài hiệu Mê Linh. Màu da vàng nâu óng ánh như hổ phách, ẩn hiện hoa văn trông rất vương giả. Cô về rồi, má tôi còn tấm tắc khen túi xách đẹp và sang quá. Túi chỉ bán trong tiệm trên đường Tự Do, khá mắc tiền. 

Hơn 10 năm sau, cô giáo ấy lại đến thăm má. Lần này cô đi chiếc xe đạp mini cũ và không bận áo dài. Cô đã gần 40 tuổi, gầy đi nhiều, không còn vẻ tươi tắn ngày xưa. Cô vẫn đi dạy để nuôi bầy con vì chồng đang thất nghiệp. Ra về, cô được má tôi tặng gói bột ngọt và cái túi xách đan bằng dây gai. Tôi đi học về, kịp chào cô và thấy vẻ vui mừng của cô khi nhận hai món quà. Cái túi xách sơn mài thuở nào dường như đã quá xa xôi. 

Lúc đó đang trong thời khó khăn nhất của đất nước do chiến tranh và cách quản lý kinh tế. Người Sài Gòn quen dần việc đi xe đạp vì không còn xăng, uống thuốc xuyên tâm liên thay vì dùng kháng sinh khi có bệnh, ăn cơm độn bo bo hay khoai.

Trong xóm tôi, đám đàn ông xoay đủ cách kiếm tiền, dễ nhất là đi bán đồ lạc xoong lề đường Trần Quang Khải. Ai có vốn thì ra chợ Tân Định buôn thuốc tây lậu. Anh chị tôi đi làm nhà nước có tiêu chuẩn lương thực và nhu yếu phẩm góp dùng chung nhưng vẫn không đủ cho cả nhà. 

Chị tôi kể, cái túi xách bằng sợi dây gai má tôi tặng cô giáo lúc ấy đang là mốt của phụ nữ Sài Gòn (khổ vậy vẫn có mốt!). Một chị trong xóm nhận gia công túi xách bằng sợi cây gai dầu để xuất khẩu đã rủ phụ nữ cả xóm cùng làm. Chị chỉ cách đóng khung gỗ, cách thắt túi. Cả xóm bỗng dưng có việc kiếm thêm tiền còm nên rất mừng. Nhà nào cũng đặt cái khung trước cửa, phụ nữ lo xong cơm nước là lôi đám dây ra thắt, làm quai, cắt chỉ và thêu bông lên thân túi. Thật tình, loại túi xách này nhìn thô, lùi xùi sợi gai nhưng cũng có vẻ hay hay.

Thỉnh thoảng xe tải chở sợi đến đậu ngoài đầu hẻm. Chị chủ huy động phụ nữ ra vác từng bao vào để chị nhuộm màu xanh đỏ tím rồi giao cho cả xóm đan. Cái túi xách tặng cô giáo do má mua của chị chủ. 

Nữ giáo viên Trường Nữ công Gia Định thập niên 1950 - ẢNH: GIA ĐÌNH BÀ NGUYỄN THỊ NAM
Nữ giáo viên Trường Nữ công Gia Định thập niên 1950 - Ảnh: Gia đình bà Nguyễn Thị Nam 

Chuyện ăn trong nhà đáng nhớ hơn. Má chỉ huy các chị lo mấy bữa hằng ngày cho chín miệng ăn, trong điều kiện vô cùng eo hẹp.

Nhà nước phân phối lương thực theo đầu người. Lương thực là gạo, bột mì, mì sợi, bo bo, khoai mì, khoai lang… Sợ nhất là ăn “bo bo” (lúa miến) nấu chung với gạo, nhai mà mắc nghẹn vì cứng và khó tiêu. Không ai có thể nghĩ ra món gì ăn được làm từ bo bo. Có người xay ra làm bánh mì, mới nướng xong thì mềm nhưng để nguội lại cứng ngắc. Gạo thì tha hồ nhặt sạn.

Mừng nhất là được phân phối bột mì, dù nhiều mọt phải nhặt. Ở nhà tôi, trước năm 1975, các chị làm đủ loại bánh như bûche de Noël, plum cake, bánh champagne, bánh lưỡi mèo, bánh croissant… Khi nào có bột mì “tổ” (do tổ dân phố phân phối), má tôi rây bột, nhồi kỹ, thêm chút đường ủ qua đêm sau đó bỏ vào khuôn nhôm đem nướng, có ngay bánh mì để ăn.

Khi con cái bảo thèm phở hay bún, thời đó thiếu gạo không ai làm bún hay sợi phở, má và các chị đợi đợt phân phối thịt giò heo đem nấu nồi nước lèo bánh canh. Má lấy bột mì nhồi với nước rồi cán mỏng, cắt thành từng sợi dài đem luộc rồi xối nước lạnh cho rời ra, ăn với nước lèo.

Nếu được phân phối mì sợi, má nghĩ ra mì riêu. Ra chợ mua mớ cáy (loại cua nhỏ) rửa sạch rồi giã ra nấu nước lèo. Rau muống chẻ, hoa chuối, rau kinh giới không khó tìm. Sợi mì hơi dai, không mượt mà như sợi bún, nhưng trong những năm thiếu đạm đó, nồi mì riêu cua đối với tôi là ngon nhất hạng, đậm đà, thơm ấm và có tình thương của mẹ, chị. 

Thời bao cấp kéo dài hơn 10 năm mới thật sự chấm dứt, khó khăn nhất là 5 năm đầu sau 1975.

Đan túi xách bằng sợi dây gai trên khung gỗ thập niên 1980  - Ảnh: Ánh Nguyệt
Đan túi xách bằng sợi dây gai trên khung gỗ thập niên 1980 - Ảnh: Ánh Nguyệt

Tôi lớn dần, ghé vai phụ cha mẹ, vui với từng bao gạo, miếng thịt tiêu chuẩn mang về nhà. Có tháng được mua mấy tấc củi, ba và tôi bỏ cả ngày Chủ nhật để chẻ không phải bằng rìu mà bằng đục và búa vì toàn là củi gốc cứng ngắc. Anh chị em tôi cố gắng chịu đựng, không đòi hỏi gì và thương yêu đùm bọc nhau. Tuy vậy, dấu ấn của cuộc sống nhọc nhằn vẫn hằn lên gương mặt từng người. Tưởng chừng những ngày sung túc một thời, được ăn sáng với dĩa cơm tấm và ly cà phê, Chủ nhật ra đường Lê Lợi mua sách và xem xi-nê ở rạp Rex, đi chợ hoa Nguyễn Huệ ngày tết và tắm biển Vũng Tàu mùa hè… không bao giờ quay trở lại. 

Nhớ những ngày đầu năm 1979, thanh niên trong phường được yêu cầu chuẩn bị lên trụ sở thanh niên để trực chiến nếu giặc từ bên kia biên giới phía Bắc đánh vào Nam. Nhớ những lần thảng thốt nghe tin bạn bè từ chiến trường biên giới Tây Nam đã vĩnh viễn không về. Nhớ những ngày chăm má ở bệnh viện, thuốc men thiếu thốn, điện nước èo uột. Nhớ cả những cái áo sơ mi của nam nữ Sài Gòn một thời may bằng bao đựng bột mì còn in chữ…

Những ngày hoàn toàn ở nhà trong đợt dịch COVID-19 năm nay, tôi có thời giờ nhiều để nghĩ ngợi. Tôi nghĩ về quá khứ, về tương lai. Tôi nhớ những năm tháng nhọc nhằn của đất nước… Không có thống kê bao nhiêu người chết vì bệnh không thuốc chữa trị, vì suy dinh dưỡng, vì thiếu đói; bao nhiêu tài năng xếp lại. Tôi nhớ những cách mà người thời ấy có thể nghĩ ra để tồn tại, để nuôi dạy đàn con nheo nhóc, để giúp nhau vượt qua nghịch cảnh.

Đến hôm nay, những ngày khó khăn nhất vì dịch COVID-19 ở thành phố này đang lui dần. Mới gần hai năm sống chung với nó, bốn tháng giãn cách triệt để thôi mà như một giấc mơ rất dài, tưởng chừng khó thoát ra được. 

Chợ hoa tết Nguyễn Huệ ngày xưa (ảnh tư liệu)
Chợ hoa tết Nguyễn Huệ ngày xưa (ảnh tư liệu)

Buổi sáng, chim se sẻ về đậu bốn, năm chú trên sân thượng - nơi cách nay vài tháng, đứng ở đó chỉ nghe tiếng còi xe cứu thương. Cuốn sách vợ tôi đặt ở nước ngoài đã về đến sau mấy tháng bặt tông tích. Đã có vài cuộc hẹn rụt rè gặp nhau bàn công việc sắp tới. Những món ăn quen thuộc lại được thưởng thức, cửa hàng thực phẩm quen lại mở. Đưa hai con trai đi chích ngừa, nhận ra các con và bạn cùng lớp lớn bổng lên. Tâm hồn các con đã hằn vết trải nghiệm trong bốn tháng cố thủ, giữ gìn an toàn, mà gia đình như một pháo đài bảo vệ. Một sự từng trải đến sớm, cần thiết cho cuộc đời sau này. 

Một tháng sau ngày “bình thường mới”, tôi qua dự đám giỗ ở nhà dì Út, gặp lại cô giáo ngày xưa từng nhiều lần đến thăm má tôi, nay ở tuổi 80. Hai phụ nữ tóc trắng ngồi bên nhau, bình thản kể cho nhau nghe những tháng ngày đáng sợ vừa qua, những ngày đầy biến cố ở thành phố này mà họ đã bước qua với rất nhiều nghị lực và hy vọng.

Giống như trong một bộ phim, cơn đại hồng thủy chưa qua hẳn, chung quanh còn mênh mông nước, nhưng ít ra từ trên con thuyền Noé, những người trôi dạt đã thấy được ánh nắng vàng rực rỡ chiếu tới và một chút bờ xanh nhạt phía xa. Tương lai còn chưa biết, dịch bệnh vẫn đó, nhưng ít ra ta còn đứng được trên con thuyền đời. Đó là cảm giác của tôi trong những ngày này, giống như những gì tôi chứng kiến từ khi lớn khôn trên thành phố quê hương. 

Phạm Công Luận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI