Tạo “Dấu ấn mới cho các nghệ sĩ trẻ” từ tác phẩm kinh điển

19/01/2021 - 07:08

PNO - Phiên bản mới của kịch bản cải lương kinh điển "Nàng Xê Đa" (kịch bản: Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ, chuyển thể cải lương: Thể Hà Vân) sẽ chính thức công diễn tại Nhà hát Bến Thành vào tối 30/1, mở đầu cho dự án “Dấu ấn mới cho các nghệ sĩ trẻ”.

Đây là sự hợp tác giữa Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn Hoàng Song Việt, trong nỗ lực đào tạo thế hệ kế thừa xứng đáng cho sân khấu cải lương.

Nàng Xê Đa là tác phẩm kinh điển không chỉ trong lịch sử biểu diễn của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, mà còn của sân khấu cải lương cả nước với 1.500 suất diễn, “đóng đinh” tên tuổi và hình ảnh vua Priem - Phương Quang, Xê Đa - Thanh Vy, vua quỷ - Minh Châu trong lòng khán giả mộ điệu. Vở diễn cũng ghi dấu ấn sáng tạo đậm nét của đạo diễn Đoàn Bá, bởi trong thời bao cấp khó khăn đã dàn dựng được bối cảnh “đại vĩ tuyến” vô cùng hoành tráng. “Bước vào rạp nhìn lên là không thấy sân khấu, cánh gà đâu, chỉ có cảnh đền đài tráng lệ hay rừng sâu thâm u. Đại cảnh trải dài bao trùm toàn sân khấu” - soạn giả Hoàng Song Việt vẫn còn nhớ như in ấn tượng về sàn diễn Nàng Xê Đa gần 40 năm trước. Liệu các nghệ sĩ trẻ sẽ tạo dấu ấn mới như thế nào dưới áp lực trùng trùng của một “thương hiệu” nổi bật như Nàng Xê Đa?

Vở cải lương Nàng Xê Đa được đầu tư phần quảng bá hình ảnh rất hiện đại
Vở cải lương Nàng Xê Đa được đầu tư phần quảng bá hình ảnh rất hiện đại

Nhưng áp lực và thách thức đó chính là lý do để soạn giả Hoàng Song Việt, nhà đầu tư chính, chọn Nàng Xê Đa khởi đầu cho dự án “Dấu ấn mới cho các nghệ sĩ trẻ”. Theo ông Hoàng Song Việt, chỉ có tác phẩm kinh điển mới thu hút được sự quan tâm của dư luận, bởi khán giả dễ có tâm lý chờ đợi, xem các nghệ sĩ trẻ sẽ thể hiện ra sao, làm gì để vượt qua “cái bóng” của người đi trước. Ông Việt nói: "Mượn danh tiếng tác phẩm kinh điển để lôi kéo sự chú ý, sẽ giúp các bạn trẻ tiếp cận khán giả thuận lợi hơn. Điều quan trọng là các em phải nỗ lực thể hiện tốt vai diễn theo cách riêng của mình”.
Khi vé VIP có giá lên đến hàng triệu đồng đều đã bán hết, dường như mọi việc đang “thuận nước đẩy thuyền” đối với “ông bầu” Hoàng Song Việt. Nhưng nhìn lại, xu hướng dựng tác phẩm kinh điển với ê-kíp mới cũng không mới, và phần lớn không được giới chuyên môn lẫn công chúng đánh giá cao, nhất là khi đặt trên bàn cân với bản dựng 
ngày trước.
Đạo diễn, NSƯT Hoa Hạ cho rằng việc so sánh là không thể tránh khỏi, và đơn vị tổ chức vẫn luôn mở lòng tiếp nhận những góp ý đúng đắn. Các nghệ sĩ trẻ hôm nay có thể thua các nghệ sĩ trước về trải nghiệm sàn diễn, về tuổi đời, về kinh nghiệm sống, nhưng các bạn lại có được nhiệt huyết trẻ trung, thái độ lao động nghệ thuật lăn xả và rất đa năng.

“Ngày nay, không có ông bà bầu nào nuôi nghệ sĩ chỉ để đi hát, ký hợp đồng là có cái nhà lầu như xưa. Các em phải tự bươn chải, làm đủ thứ thị trường yêu cầu để tồn tại. Nghệ sĩ cải lương hôm nay chỉ đứng ca, nhưng lại thể hiện được tâm trạng chỉ qua giọng ca như các anh chị ngày trước là không thể, khán giả cũng không chấp nhận. Sân khấu hôm nay ngoài nghe còn phải có yếu tố nhìn, phục trang phải đẹp, âm nhạc hay, ánh sáng hiện đại và phải là một phần của tác phẩm... Nghệ sĩ hôm nay cũng đa năng hơn, không chỉ ca hay diễn giỏi mà còn phải có nhiều kỹ năng khác để đáp ứng mọi yêu cầu của đạo diễn”.

Cũng theo NSƯT Hoa Hạ, dấu ấn mới của các nghệ sĩ trẻ khi thể hiện lại các vai diễn kinh điển chính là không bị ràng buộc vào một khuôn mẫu nào, mà phải nỗ lực phát huy hết sức khả năng của mình. Mỗi thời đại mỗi khác, đâu thể bắt cải lương hôm nay, nghệ sĩ hôm nay phải như 40 năm trước. Nếu cho đây là cách làm cải lương thu hút khán giả trẻ, thì đó chính là việc giữ được những “hạt ngọc”, cái hồn, cái chất của người đi trước, kết hợp với sự đa năng của thế hệ nghệ sĩ trẻ. Đó chính là dấu ấn của cải lương Sài Gòn hôm nay.

Tạo dấu ấn mới cho các nghệ sĩ trẻ là mơ ước từ rất lâu của những người làm cải lương, khi số đông khán giả luôn có sự so sánh giữa các thế hệ nghệ sĩ, nhất là ở những vở diễn, vai diễn kinh điển. Từng có lúc, nhóm cải lương Thắp sáng niềm tin của ông bầu Hoàng Song Việt trở thành nơi để nhiều tên tuổi trưởng thành từ giải thưởng Trần Hữu Trang và một số giải thưởng khác ở lĩnh vực cải lương khẳng định tên tuổi của mình: NSƯT Tú Sương, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Lê Hồng Thắm, NSƯT Mỹ Hằng, NSƯT Thy Trang, nghệ sĩ Thy Nhung, Võ Minh Lâm, Thanh Thảo, Điền Trung... Nhưng sau lớp diễn viên này, lại là một khoảng trống khá lớn. 

Dự án lần này đang có khá nhiều gương mặt mới được biết đến từ giải Chuông vàng vọng cổ như Cao Thúy Vy, Nguyễn Minh Trường, Nhã Thy, Phương Cẩm Ngọc… Những tên tuổi ít nhiều đã có cơ hội thể hiện tài năng trong các chương trình Ngân mãi chuông vàng. Liệu những nghệ sĩ trẻ ấy có làm nên chuyện khác biệt ở dự án mới mà họ đang được đặt vào vị trí trung tâm? Câu trả lời vẫn đang ở phía trước.

Dù đặt khá nhiều niềm tin vào tác phẩm đầu tiên của dự án, nhưng “ông bầu” Hoàng Song Việt vẫn khá dè dặt khi được hỏi về kế hoạch kế tiếp Nàng Xê Đa. “Chúng tôi vẫn đang ở giai đoạn thăm dò, từ hiệu ứng của Nàng Xê Đa sẽ tính những bước đi tiếp theo” - soạn giả Hoàng Song Việt nói. 

Đông A

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI