Siêu thị Auchan đóng cửa: Người tiêu dùng Việt chê... nhà bán lẻ ngoại?

21/05/2019 - 10:00

PNO - Sức mua yếu, lợi nhuận thấp; mô hình đại siêu thị chưa phù hợp tại VN khiến hàng loạt nhà bán lẻ ngoại đã... cuốn gói về nước. Phải chăng người tiêu dùng Việt Nam rất... khó chìu?

Nhà bán lẻ ngoại tưởng... nhầm?

Hàng loạt nhà bán lẻ ngoại đã lần lượt rút khỏi thị trường VN hoặc được mua lại bởi nhà bán lẻ VN. Mới đây nhất tập đoàn bán lẻ Pháp Auchan Retail thông báo quyết định bán 18 cửa hàng tại VN. Trước đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi Shop&Go của chủ đầu tư từ Singapore vừa về tay một doanh nghiệp trong nước. 

Đại diện Auchan VN đã lên tiếng xác nhận nguyên nhân rút khỏi thị trường VN chủ yếu do kết quả kinh doanh không đạt lợi nhuận, thua lỗ. Mảng kinh doanh của nhà bán lẻ này tại Việt Nam đạt doanh thu 45 triệu Euro (50,4 triệu USD) năm ngoái và vẫn đang thua lỗ.

Trước cuộc “rút lui” trên, nhiều người đặt vấn đề: “Tiềm năng thị trường bán lẻ VN lớn, vì sao nhà bán lẻ ngoại lại “khó sống”?.

Tuy nhiên, khác với những đánh giá, nhìn nhận rằng “tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam rất lớn”, nhiều chuyên gia thị trường khẳng định “thị trường bán lẻ Việt Nam không lớn, chủ yếu chỉ phát triển ở các thành phố lớn, chưa vươn ra được thị trường nông thôn vì mãi lực thấp”.

"Bê nguyên mô hình hệ thống ở nước ngoài vào VN là thất bại. Ở nước ngoài, việc mở rộng chi nhánh ở các tỉnh, nông thôn rất thành công; còn tại VN thì lại không phù hợp. Còn nếu chỉ mở chi nhánh ở thành phố lớn thì không cạnh tranh nổi với nhà bán lẻ nội vì họ đã có sẵn một lượng khách hàng thân thiết. Chi phí đầu tư của nhà bán lẻ nội thường không nhiều bằng chi phí đầu tư của nhà bán lẻ ngoại, vì họ phải theo đúng mô hình chuẩn của toàn hệ thống ở nước ngoài. Thông thường, chiến lược của nhà bán lẻ ngoại là sau 5 năm không huề vốn, họ sẽ rút lui cắt lỗ và đây là chuyện bình thường”, chuyên gia Tuấn nhìn nhận.

Chuyên gia thị trường Trần Anh Tuấn (the Pathfinder), phân tích: Nhiều nhà bán lẻ ngoại đã nghiên cứu, tìm hiểu thị trường VN trước khi đầu tư. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, họ mới nhận ra thị trường VN không tiềm năng như họ nghĩ, và họ bị thất bại khi áp nguyên mô hình ở nước ngoài vào đây.

Nếu chỉ dựa vào dân số hơn 90 triệu dân mà đánh giá thị trường nhiều tiềm năng thì không chính xác. Thực tế, siêu thị, cửa hàng tiện lợi chỉ phát triển ở một số thành phố lớn, thu hút một số ít bộ phận người tiêu dùng (NTD); vẫn còn hơn 75% người dân có thói quen mua hàng theo kênh truyền thống (chợ, tạp hóa,…).

Trong khi đó, việc phát triển mô hình này ở thành phố lớn cũng không dễ dàng vì “miếng bánh” quá nhỏ, nhiều đơn vị cùng cạnh tranh trong khi chi phí đầu tư quá lớn. Giá mặt bằng cao mà cạnh tranh giá bán nên lãi rất thấp (thông thường, lợi nhuận thực tế chỉ khoảng 6%).

Sieu thi Auchan dong cua: Nguoi tieu dung Viet che... nha ban le ngoai?
Chuỗi 18 siêu thị Auchan sắp rút khỏi thị trường Việt Nam

Người tiêu dùng Việt 'khó chìu, khó chịu...'?

Việc rút lui, “bán mình” của một số nhà bán lẻ ngoại thời gian gần đây được cho rằng “miếng bánh” sẽ mở thêm cơ hội cho bán lẻ Việt. Tuy nhiên, đại diện một nhà bán lẻ Việt có quy mô lớn lại cho rằng sức mua đã bão hòa, NTD ngày càng thắt chặt chi tiêu nên không kỳ vọng nhiều sức mua sẽ tăng cao. Trong khi đó, độ phủ của các hệ thống bán lẻ hiện đại (từ cửa hàng, siêu thị đến đại siêu thị, trung tâm thương mại) đã phủ đủ rộng và đáp ứng đủ nhu cầu của NTD.

Chưa kể, dù một số nhà bán lẻ chứng minh vị thế dẫn đầu của mình qua việc mở đa dạng mô hình bán lẻ, phục vu nhu cầu mua sắm đa kênh của NTD. Song thực tế, một số mô hình chưa phù hợp tại VN hoặc chưa phát triển đủ mạnh.

Theo các chuyên gia bán lẻ, mô hình đại siêu thị chưa phù hợp tại VN và thực tế đó cũng chỉ là tên gọi chứ chưa đúng chuẩn đại siêu thị. Mô hình này quy mô hơn siêu thị nhưng chưa thu hút được nhiều NTD, bởi phần lớn NTD nếu không vào siêu thị mua sắm thì sẽ đến trung tâm thương mại kết hợp vui chơi, mua sắm. Còn đại siêu thị chưa nhắm đúng phân khúc đối tượng khách hàng để phục vụ đúng nhu cầu của họ nên rất khó phát triển.

Bên cạnh đó, một lượng khách không nhỏ thường đi siêu thị dần đã chuyển sang mua ở cửa hàng tiện lợi, cho thấy thực tế khách đang bão hòa chứ không hề tăng lên. Điều này cho thấy “miếng bánh” bán lẻ rất nhỏ, không lớn và tiềm năng như nhiều người vẫn nghĩ.

Vậy nên, theo các chuyên gia, để đầu tư vào thị trường VN, nhà bán lẻ ngoại cần phải đầu tư thời gian rất dài, bám theo  sự phát triển đô thị, thành phố mới,…và không nên mở mô hình đại siêu thị ở VN. Nếu mở siêu thị, đại siêu thị phải xác định rõ phân khúc khách hàng nhắm đến, như người mua sắm là giới trẻ hay trung niên…

Một số ý kiến khác cho rằng chính sách VN không ổn định, thường xuyên thay đổi; điều kiện “sân sau”,…  cũng là rào cản lớn gây e ngại cho các nhà đầu tư ngoại.

Thông thường, nhà bán lẻ Hàn Quốc, Nhật Bản đầu tư vào VN sẽ dễ thành công hơn so với nhà bán lẻ đến từ Pháp, Mỹ vì họ nghiên cứu rất kỹ tâm lý, nhu cầu, tiêu dùng của người VN và đáp ứng đúng nhu cầu này. Nhà bán lẻ Châu Á thường áp dụng mô hình vào VN một cách linh hoạt, phù hợp với VN thay vì theo kiểu rập khuôn của nhà bán lẻ châu Âu. Thiếu linh hoạt là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại; song phần lớn sự rút lui đều nằm trong chiến lược của họ.

Chuyên gia thị trường Trần Anh Tuấn (the Pathfinder)

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI