Show hẹn hò Hàn Quốc trở thành hit toàn cầu

25/07/2025 - 10:37

PNO - Từ những cuộc hẹn đầu đời ngượng ngùng đến những mối tình sóng gió của người đã li hôn, show hẹn hò của Hàn Quốc đang từng bước chinh phục khán giả toàn cầu bằng công thức riêng: chân thật, đa dạng và mang dấu ấn văn hoá riêng.

Công thức hẹn hò vượt khỏi biên giới

Mới đây, Netflix tung ra chương trình hẹn hò mới có tên Better Late Than Single, gây chú ý với đối tượng tham gia là những người trưởng thành chưa từng yêu. Dù không có cao trào, kịch tính hay vẻ hào nhoáng như nhiều chương trình cùng thể loại, Better Late Than Single lại ghi điểm nhờ sự vụng về và hành trình “lột xác” của các nhân vật qua 6 tuần cải thiện ngoại hình, tâm lí và kĩ năng giao tiếp.

Một cảnh quay trong chương trình Better Late Than Single. Ảnh: Netflix
Một cảnh quay trong chương trình Better Late Than Single - Ảnh: Netflix

Đây là một ví dụ điển hình cho xu hướng truyền hình thực tế Hàn Quốc đang hướng đến: thay vì chỉ ghép đôi, các chương trình nay còn mở rộng thành trải nghiệm chữa lành và phát triển bản thân.

Các chương trình hẹn hò Hàn Quốc đã ra đời cách đây nhiều thập kỉ trước, nhưng phải đến năm 1994, khi Love’s Studio của đài MBC lên sóng, thể loại này mới thực sự định hình. Chương trình nhanh chóng nổi tiếng với khoảnh khắc "cú sét tình yêu", khi người chơi công bố lựa chọn của mình. Trong 7 năm phát sóng, chương trình quy tụ hơn 2.800 người tham gia và có 47 cuộc hôn nhân.

Từ đó, các show hẹn hò liên tiếp ra đời: Match Made in Heaven, Real Romance Love Letter dành cho người nổi tiếng, hay Jjak dành cho mọi người chơi, tiền thân của chương trình đình đám I’m Solo. Tuy nhiên, vào giữa những năm 2010, thể loại này rơi vào khủng hoảng vì kịch bản quá lộ liễu, thiếu chân thật, thậm chí gây tranh cãi về đạo đức khi một thí sinh của Jjak tử vong trong quá trình ghi hình.

Một cảnh trong chương trình hẹn hò dành cho người nổi tiếng của đài SBS ″Real Romance Love Letter″ (2004-06) [JOONGANG ILBO
Một cảnh trong chương trình hẹn hò dành cho người nổi tiếng mang tên Real Romance Love Letter (2004-06) - Ảnh: Joongang Ilbo

Phải đến năm 2017, Heart Signal của Channel A mới đưa show hẹn hò Hàn Quốc trở lại đường đua. Với dàn bình luận viên theo dõi người chơi, những người sống cùng nhau mà không có MC, chương trình thu hút khán giả nhờ cảm xúc chân thật và phần hậu kì được đầu tư kĩ lưỡng. Sau đó là I’m Solo (2021), EXchange, Love After Divorce, mở rộng đối tượng từ người độc thân đến người từng li hôn, mang lại góc nhìn đa dạng hơn về tình yêu và hôn nhân.

Vươn ra toàn cầu nhờ nền tảng số

Sự phổ biến của các nền tảng như Netflix, Viu đã mở rộng đáng kể sức ảnh hưởng của show hẹn hò Hàn Quốc. Single’s Inferno (2021-2025), với bối cảnh đảo hoang nơi người chơi chỉ có thể rời đi nếu tìm được bạn đồng hành, đã trở thành chương trình giải trí Hàn Quốc đầu tiên lọt top 10 toàn cầu của Netflix (hạng mục không nói tiếng Anh). Chương trình EXchange, nơi các cặp đôi cũ sống chung và âm thầm quan sát nhau hẹn hò với người mới, cũng thành công vang dội khi lên sóng trên Viu tại nhiều quốc gia châu Á.

Một cảnh quay từ mùa mới nhất của chương trình Single's Inferno (2021-2025). Ảnh: Netflix
Một cảnh quay từ mùa mới nhất của chương trình Single's Inferno (2021-2025) - Ảnh: Netflix

Thành công toàn cầu này nhờ những sáng tạo không ngừng dành cho đa đạng đối tượng, từ dàn người chơi là anh chị em ruột (My Sibling’s Romance), thầy bói (Possessed Love), đến cả cộng đồng LGBTQ+ với His Man (hẹn hò đồng tính nam) và ToGetHer (chương trình hẹn hò đồng tính nữ đầu tiên tại Hàn Quốc).

Khi chân thật lên ngôi

Dù cạnh tranh ngày càng khốc liệt, một số chương trình vẫn giữ được sức hút nhờ sự chân thật đến mức thô ráp. I’m Solo là một ví dụ điển hình. Không resort sang trọng, không hàng hiệu, người chơi trò chuyện ở quán gà hầm, nhà nghỉ ở miền quê, giống như cuộc sống thường nhật. Điều đó khiến khán giả dễ dàng đồng cảm và gắn bó.

Một cảnh quay từ chương trình hẹn hò mới nhất của Netflix: Better Late Than Single. Ảnh: Netflix
Một cảnh quay trong chương trình hẹn hò mới nhất của Netflix: Better Late Than Single - Ảnh: Netflix

Tuy nhiên, việc tuyển người chơi thường cũng kéo theo những hệ lụy: từ scandal người chơi có tiền án đến việc trở thành nạn nhân của công kích mạng. Không ít thí sinh chia sẻ họ bị trầm cảm, rối loạn, hoảng loạn sau chương trình. Sự kiện đau lòng như cái chết của một thí sinh Jjak năm 2014 vẫn là lời cảnh tỉnh về đạo đức sản xuất chương trình.

Hiện nay, các nhà sản xuất đã cẩn trọng hơn. Nhà sản xuất Kim Noh-eun của Better Late Than Single cho biết, kể cả sau khi quay hình xong, ê-kíp vẫn giữ liên lạc thường xuyên với người chơi để hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Tuấn Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI