Sacombank đặt mục tiêu chuyển đổi số toàn diện và trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu

22/04/2022 - 16:34

PNO - Sáng ngày 22/4/2022, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2021.

Đại hội thống nhất số lượng thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022-2026 là 7 thành viên gồm: ông Dương Công Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Phó chủ tịch thường trực HĐQT, ông Phạm Văn Phong - Phó chủ tịch HĐQT, ông Phan Đình Tuệ - Thành viên HĐQT, ông Nguyễn Xuân Vũ - Thành viên HĐQT, ông Vương Công Đức - Thành viên HĐQT độc lập, bà Phạm Thị Thu Hằng - Thành viên HĐQT độc lập. Đồng thời, đại hội cũng bầu ra 4 thành viên chuyên trách Ban Kiểm soát, ông Trần Minh Triết làm trưởng ban.

Thu hồi nợ xấu vượt bậc

Năm 2021 đã gặp không ít khó khăn trong tình hình chung của nền kinh tế, tuy nhiên ngành ngân hàng đã thực hiện mục tiêu kép là vừa hỗ trợ khách hàng vừa đảm bảo an toàn hoạt động trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đóng góp nhiều vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Kết thúc năm 2021, Sacombank đạt 12.660 tỷ đồng lợi nhuận, sau khi trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí Đề án tái cơ cấu, lợi nhuận trước thuế đạt 4.400 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch. Tổng tài sản đạt trên 521.000 tỷ đồng, tăng gần 6%, trong đó tài sản có sinh lời tăng 8,9%; vốn điều lệ 18.852 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động hơn 464.500 tỷ đồng, trong đó gần 97% đến từ các tổ chức kinh tế và dân cư. Tổng dư nợ tín dụng hơn 388.200 tỷ đồng, tăng trưởng 14%. Số lượng khách hàng chạm mốc 10 triệu (tăng mạnh ở nhóm khách hàng số); các chỉ số an toàn đảm bảo tuân thủ quy định.

Đặc biệt, năm 2021, Sacombank ghi dấu ấn tượng trong công tác xử lý và thu hồi nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu kéo giảm còn 1,47%; đã thu hồi gần 14.100 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó gần 11.800 tỷ đồng là thuộc đề án, vượt mục tiêu đại hội đồng cổ đông đề ra; hiện Sacombank vẫn tiếp tục thu theo tiến độ và sẽ thu hồi hơn 8.000 tỷ đồng.

Các cổ đông tham dự đại hội - Ảnh: Sacombank
Các cổ đông tham dự đại hội - Ảnh: Sacombank

Vị thế của Sacombank phục hồi trên thị trường, được nhà đầu tư đánh giá cao khi giá cổ phiếu STB tăng gấp 3,3 lần năm 2016 từ chưa đến 10.000 đồng lên trên 31 ngàn đồng/cổ phiếu.

Năm 2021 cũng là năm đánh dấu 5 năm Sacombank thực hiện Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, lũy kế 5 năm từ 2017 đến 2021, Sacombank đã thu hồi và xử lý được hơn 58.300 tỷ đồng các khoản thuộc đề án, đạt gần 68% kế hoạch tổng thể đến 2025. Nhờ đó, quy mô lãi khoanh giảm 73,7%, tỷ trọng tài sản tồn đọng giảm từ 29,3% xuống còn 8%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 6,81% xuống 1,47 % so với thời điểm 31/12/2016.

Năm 2022 đặt mục tiêu lãi hơn 5.200 tỷ, kế hoạch lãi trước thuế tăng 20%

Trong bối cảnh kinh tế đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, Sacombank cũng đặt kỳ vọng cao trong 5 năm tiếp theo (2022-2026) với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu cùng với chuyển đổi số hóa toàn diện thông qua nhiều giải pháp công nghệ trên mọi hoạt động chính. Bắt đầu từ năm bản lề 2022, Sacombank đặt kế hoạch đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản tồn đọng còn lại và sớm hoàn thành Đề án tái cơ cấu trước thời hạn; bên cạnh đó, các chỉ số tài chính dự kiến tăng trưởng từ 10-20%, tổng tài sản tăng lên 573.500 tỷ đồng, tổng huy động vốn 512.700 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng 435.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 5.280 tỷ đồng (tăng 20%), kiểm soát nợ xấu dưới 2%.

Nhấn mạnh đến mục tiêu năm 2022, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc cho biết, chỉ trong 4 tháng đầu năm, Sacombank đã ghi nhận tăng trưởng huy động hơn 7%, tăng trưởng tín dụng hơn 6%. Đặc biệt nợ xấu thu hồi trên 11.500 tỷ đồng, trong đó thực thu mang về cho ngân hàng 6.500 tỷ đồng, dự kiến cả năm sẽ thu hồi và xử lý 15.000 tỷ đồng nợ xấu. Với tiến độ kinh doanh đang được triển khai quyết liệt, theo bà Diễm, Sacombank tự tin sẽ hoàn thành và vượt mọi chỉ tiêu cổ đông giao, hoàn thành sớm Đề án tái cơ cấu.

Thanh Hoa

Nguồn: Sacombank

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI