Phim về cha: Dễ cảm nhưng không dễ làm

03/08/2023 - 07:19

PNO - Trên màn ảnh Việt, những bộ phim khai thác chủ đề tình cha con không nhiều so với các tác phẩm ngợi ca tình mẹ. Bởi việc làm một bộ phim về người cha dạt dào cảm xúc là chuyện không dễ.

Muôn hình vạn trạng chuyện "gà trống nuôi con" 

Không hẹn mà gặp, màn ảnh nhỏ hiện đang phát cùng lúc 2 bộ phim về chủ đề tình cha con: Món quà của cha (VTV3, thứ Hai, Ba, Tư hằng tuần) và Bống thời 4.0 (HTV7, thứ Hai, Ba, Tư hằng tuần). Món quà của cha (đạo diễn Vũ Minh Trí) kể về cuộc sống của ông Nhân cùng các con Nghĩa, Thảo và Hiếu mà mỗi người con đều nhiều lần gây phiền muộn cho ông. Trong hành trình trưởng thành, vấp ngã, cuối cùng những người con cũng nhận ra được tình yêu thương vô bờ của cha.

Hình ảnh 2 người cha trong phim Món quà của cha (trên) và Bống thời 4.0 khiến khán giả cảm động vì tấm lòng dành cho con cái
Hình ảnh 2 người cha trong phim Món quà của cha (trên) và Bống thời 4.0 khiến khán giả cảm động vì tấm lòng dành cho con cái

Phim Bống thời 4.0 tái hiện cuộc sống gia đình ông Bảy - một gia đình điển hình ở miền Tây. Với nghề truyền thống là kho cá bống, ông Bảy đã nuôi lớn 3 đứa con Vũ, Vân, An và giờ khi đã lớn tuổi, ông muốn trao cho các con nghề này. Nhưng xung đột xảy ra vì 3 người con đều không muốn nối nghiệp cha. 

Khá thú vị khi ở cả 2 phim, 2 ông bố đều ở cảnh đơn thân nuôi 3 người con và nghề của mỗi người cũng độc đáo. Ông Nhân (Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Võ Hoài Nam đóng) trong Món quà của cha làm nghề đóng quan tài, vớt xác chết đuối, một mình nuôi con. Ông Bảy (NSƯT Công Ninh đóng) trong Bống thời 4.0 theo đuổi nghề kho cá bống gia truyền. Cả 2 phim đều mới lên sóng vài tập và hình ảnh 2 ông bố nhanh chóng chiếm thiện cảm của người xem vì hoàn cảnh đơn độc và tình cảm yêu thương thầm lặng dành cho các con.

Có một điểm chung dễ nhận thấy trong các phim Việt khai thác tình phụ tử từ trước đến nay là đều xoay quanh những mẩu chuyện “gà trống nuôi con”. Dường như hoàn cảnh đặc biệt đó khiến chân dung người cha hiện lên dễ gây mủi lòng khán giả hơn. Trên màn ảnh rộng, 2 phim về tình cha gây sốt phòng vé gần đây là Bố già và Con Nhót mót chồng cũng đề cập hình ảnh người cha đơn thân. Có điều, nhân vật cha trong 2 phim này có phần khác biệt do thường khắc khẩu với con cái. Cách khắc họa này cũng mang lại màu sắc thú vị cho người xem vì sự lắm lời của đàn ông khá ít thấy trên phim lẫn ngoài đời. Nhưng nhờ sự lắm lời này mà thông điệp nói những lời yêu thương như Ba thương con/Con thương ba, Con xin lỗi được truyền tải đầy thấm thía. 

Dòng phim cần nhiều "nội lực" 

Gia đình vẫn là chủ đề chủ đạo trong phim Việt. Tình cảm cha con cũng là khía cạnh được các nhà làm phim ưa chuộng khai thác. Nhưng người cha có cách bày tỏ tình cảm với con khác với mẹ và sự nghiêm khắc, khô khan của đàn ông “làm khó” người làm phim trong quá trình truyền tải câu chuyện đến người xem. Biên kịch Nguyễn Thị Anh Đào - người chấp bút 3 bộ phim truyền hình nói về người cha: Bố là tất cả, Bánh mì ông Màu, Bống thời 4.0 - cho biết: “Viết về cha khác nhiều về mẹ. Cảm xúc về mẹ rất dễ lấy, còn cha thường hơi xa cách với con cái nên để tạo ra những tình huống cảm động rất khó. Khai thác tình huống mẹ chồng - con dâu xung đột cũng dễ dàng nhưng nếu là mâu thuẫn cha chồng - nàng dâu lại đầy thử thách. Lời thoại của mẹ dễ viết, còn cha không thể nói nhiều nên để miêu tả những cảm xúc yêu thương, giận hờn giống như của mẹ đòi hỏi viết thoại chắt lọc, ít mà chất, phải thấm”.

Món quà của cha
Trong Món quà của cha, sở trường đóng vai cha của NSƯT Võ Hoài Nam một lần nữa được phát huy

Trong Con Nhót mót chồng, ông Xỉn nói: “Nó ở vậy cũng được, không yêu ai cũng được. Tui ở vậy mà nuôi”. Còn trong Về nhà đi con, ông Sơn nói: “Bố chẳng có tài sản gì nhiều ngoài các con… nhưng bố có tình yêu và một ngôi nhà, để các con lúc nào cũng có thể trở về”. Khó có khán giả nào không cảm động trước tình thương bao la như vậy.

Không chỉ cần “bút lực” của biên kịch, năng lực kể chuyện của đạo diễn, những phim nói về tình phụ tử muốn thành công còn phải phụ thuộc nhiều vào nội lực của diễn viên. Thành công phòng vé của phim Con Nhót mót chồng phần lớn nhờ vào Thái Hòa. Nhà sản xuất Thu Trang đã dày công thuyết phục anh nhận vai ông Xỉn và nhờ vậy mới “nâng cấp” được web drama Chuyện xóm tui lên thành một bản phim điện ảnh.

Phim truyền hình Hương vị tình thân được yêu thích một phần nhờ sự tái xuất ấn tượng của NSƯT Võ Hoài Nam (vai ông Sinh). Trong tác phẩm đề cao tình thân, tôn vinh tình cha này, nhân vật của anh không cần lên gân, cũng không quá bi lụy mà vẫn nhiều lần khiến khán giả khóc nghẹn vì diễn xuất đỉnh cao. Trong đó, ấn tượng nhất là cảnh cha con nhận nhau. Hình ảnh ông Sinh đứng đó, rơi những giọt nước mắt hạnh phúc nhưng cũng có phần cay đắng, tủi hờn vì muốn nhận con nhưng lo sợ quá khứ tù tội của mình sẽ khiến cuộc sống của con gái bị ảnh hưởng đã thu hút hơn 600.000 lượt xem và hàng ngàn lượt tương tác trên fanpage VTV Giải Trí. Trong phim mới Món quà của cha, sở trường đóng vai cha của NSƯT Võ Hoài Nam một lần nữa được phát huy.

Trailer phim Món quà của cha:

 

 

 

Những gì gần gũi, thân thuộc luôn dễ tạo sự đồng cảm. Các bộ phim tôn vinh tình cha hay tình mẹ vẫn sẽ luôn có chỗ đứng trong lòng khán giả bởi trong mỗi người, hình ảnh 2 đấng sinh thành luôn thiêng liêng, quý giá. Các nhà làm phim đã và đang nỗ lực rất nhiều để truyền đi sự yêu thương ấm áp đó, dù không hề dễ làm. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI