Phim truyền hình: "Drama" quá hóa giả

16/10/2020 - 06:54

PNO - Kịch bản xây dựng các tình huống kịch tính cũng là để thu hút người xem, nhưng nếu "drama" quá đà, lại thấy khập khiễng, không thật, khiến người xem khó chịu.

Bộ phim Yêu trong đau thương (dài 28 tập, đạo diễn Chu Thiện, đang phát sóng trên kênh VTV3) đã đi được hơn nửa chặng đường. Phim đang đến các trường đoạn kịch tính cao trào: nhân vật Hương Thảo (Bella Mai đóng) phát hiện chồng Chí Kiên (diễn viên Đăng Dũng) ngoại tình với cô ca sĩ phòng trà Lan Chi (vai diễn của Nhật Hạ). 

Trong lúc Thảo bày tỏ nỗi ấm ức, vạch tội ngoại tình của chồng. Thì ngoài sân, bà Hai (NSND Kim Xuân) nghe được. Thấy cảnh con trai và con dâu xung đột, không chịu nổi sự thật con trai ngoại tình, bà Hai... qua đời.

Nhân vật bà Hai (NSND Kim Xuân) chết tức tưởi khi biết con trai ngoại tình
Nhân vật bà Hai (NSND Kim Xuân) chết tức tưởi khi biết con trai ngoại tình

Trong bộ phim Vua bánh mì trước đó, nhân vật bà nội (NSƯT Lê Thiện) cũng chết sau khi vô tình phát hiện con dâu ngoại tình.

Vua bánh mì là kịch bản Việt hóa thì không nói, còn cái chết của nhân vật bà Hai trong Yêu trong đau thương có vẻ được "xử lý" cho hợp toan tính của nhân vật Lan Chi (muốn mượn tay Hương Thảo "trừ khử" bà để có thể đường hoàng bước vào cuộc đời Chí Kiên). Hay nói khác hơn, cái chết của bà Hai được sắp xếp bởi bàn tay của nhà biên kịch, theo ý đồ của người tạo dựng câu chuyện.

Còn với người xem, sự ra đi của bà Hai trong một tình huống như vậy thật phi lý. Chết chỉ vì đến đó nhân vật phải chết, nếu không, chuyện phim không biết... rẽ tiếp về đâu. 

Phim lúc nào cũng cần kịch tính, xung đột, nhưng nếu làm "quá tay", những "drama" ấy dễ trở thành khập khiễng, không thật. Sự sắp đặt có phần lộ liễu của biên kịch cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm "gãy" câu chuyện.

Một dạo, phim truyền hình Việt bị phê bình là cố tạo những câu chuyện bi kịch, "drama" đến không thật. Đây là kiểu của phim truyền hình Thái Lan, câu chuyện lúc nào cũng được đẩy lên đến tận cùng của bi kịch, thù hận, ân oán, tranh đoạt. Nhưng trong trường hợp phim Việt, nếu xử lý không khéo, dễ khiến phim trở nên giả, áp đặt.

Một nữ diễn viên bày tỏ rằng, có lần cô nhận một vai diễn có nội dung vì yêu mà hận đến mức dành cả thanh xuân để... trả thù, cô phải tìm cho nhân vật một lý do hợp lý để có thể hóa thân. Nhưng lý do đó có thuyết phục được người xem hay không lại là chuyện khác. 

Phim Trói buột yêu thương căng não với những cuộc đối thoại giữa mẹ-con mà như kẻ thù
Phim Trói buộc yêu thương "căng não" với những cuộc đối thoại giữa mẹ - con mà như kẻ thù

Bộ phim Trói buộc yêu thương (đạo diễn Lê Hùng Phương, đang phát sóng trên kênh VTV3) cũng nhiều lúc khiến người xem "căng não" với những cuộc đối thoại như kẻ thù của các nhân vật mẹ - con trên phim: "Con hận mẹ", “Mẹ không cho con sống cuộc đời con muốn, thì mẹ cũng không được sống cuộc đời mẹ muốn”...

Phim muốn chuyển tải thông điệp có ý nghĩa, câu chuyện về những xung đột thế hệ và việc cha mẹ luôn muốn áp đặt con cái. Nhưng có lẽ, các nhà làm phim đã không xử lý khéo léo hơn các tình huống xung đột, bi kịch trong phim. 

Công thức chung của các phim "drama" là luôn có một nhân vật đảm nhận phần hài hước, mang tiếng cười, làm dịu lại những xung đột, kịch tính. Điều đó vô hình tạo ra những khuôn mẫu. Yếu tố "mỹ" (cái đẹp, trong Chân Thiện Mỹ) là cái đẹp của cân đối, hài hòa. Khi kịch bản không cân đối, hài hòa được những giá trị, sự chân thực, độ rung động mà cứ cố gắng sắp xếp, lắp ghép tình huống cho "cân" thì khó mà tạo ra một vẻ đẹp thật sự lay động.

"Drama" quá hóa giả là điều mà không ít phim Việt vấp phải lâu nay. Đâu phải lúc nào cũng cần "kịch tính ngút trời" thì phim mới hấp dẫn được khán giả. Thành công nhất của màn ảnh nhỏ năm 2019 phải kể đến là bộ phim Về nhà đi con. Cũng những vấn đề tình yêu, gia đình; cũng có ngoại tình, nước mắt, mất mát... Nhưng rõ ràng, Về nhà đi con hoàn toàn chinh phục người xem bằng sự nhẹ nhàng, thấu đáo của các tình huống xung đột (nếu có) và lời thoại sâu sắc của phim.

Đâu phải cứ cố tạo ra kịch tính rồi nhân vật gào thét, khóc lóc, thủ đoạn với nhau mới thu hút người xem?

Lửa ấm - phim đầu tiên khai thác đề tài về những người lính cứu hỏa
Lửa ấm - phim đầu tiên khai thác đề tài về những người lính cứu hỏa

Một bộ phim "ghi điểm" gần đây có thể nhắc đến là Lửa ấm (đạo diễn Đào Duy Phúc, đang phát sóng trên kênh VTV1). Phim khai thác cùng lúc hai ngành nghề: cứu hỏa và nghề y. Nội dung vẫn xoay quanh câu chuyện về gia đình, sự cố vì nghề nghiệp của hai nhân vật vợ chồng Minh (NSƯT Trương Minh Quốc Thái) và Thủy (diễn viên Thúy Hằng). Bắt đầu từ một vụ cháy do rò rỉ thủy ngân và cái chết của một đứa trẻ trong phòng cấp cứu, Lửa ấm kể câu chuyện về lòng yêu nghề, tình yêu thương, sự chia sẻ và hơn hết là tình người...

Bỏ qua phần đài từ của một số diễn viên không hay hoặc trong nhiều phân đoạn diễn xuất chưa tới, chỉ nói riêng về cách xử lý tình huống thì Lửa ấm có được ấm áp, thuyết phục, cảm động. Chuyển biến tình tiết, tâm lý nhân vật phù hợp.

Đây mới là điều mà phim Việt cần. Hiện hữu trên từng thước phim là sự chân thực, là "chất đời", hiện thực cuộc sống được lồng ghép, xử lý khéo léo, tinh tế. Chứ không phải là những sản phẩm vay mượn hay sự áp đặt, cố tình "drama".   

Hoàng Hạc

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI