Phim phát hành trên internet: Lối thoát cho đề tài nhạy cảm

12/07/2018 - 06:18

PNO - Khi chưa có cơ chế kiểm duyệt của nhà nước, những sản phẩm phim ảnh phát hành trên internet đều được cân đo theo kinh nghiệm và đạo đức của người làm nghề.

Quyền kiểm duyệt thuộc về nghệ sĩ

Những ngày trung tuần tháng Sáu và đầu tháng Bảy, các nghệ sĩ đều e dè khi ra mắt sản phẩm mới, bởi trùng với thời điểm World Cup diễn ra. Tuy nhiên, Thập tam muội của Thu Trang và Ai chết giơ tay của Huỳnh Lập thu được hàng triệu lượt xem chỉ sau 24g phát trên YouTube.

Phim phat hanh tren internet: Loi thoat cho de tai nhay cam
Ra mắt trong thời gian diễn ra World Cup, phim của Thu Trang vẫn thu hút nhờ kịch bản hay, làm đến nơi đến chốn

Trailer Thập tam muội:


Với Thập tam muội, Thu Trang mang đến câu chuyện về tình huynh đệ trong thế giới ngầm, với tâm điểm là cuộc chiến giữa phe Chợ Mới và Chợ Cũ. Ngoài những tình tiết hành động, bộ phim còn xuất hiện những ngôn ngữ đặc trưng của giới giang hồ, bị hạn chế trên sóng truyền hình hoặc phim điện ảnh.Đây không phải là những cái tên hiếm hoi sản xuất phim phát trên YouTube. Duy Khánh từng chuyển tải đề tài tình yêu đồng giới qua bộ phim Bầu trời của Khánh. Hari Won có 10 tập phát sóng với Thiên ý, nói về chủ đề tình yêu. Cùng thời điểm với Ai chết giơ tay của Huỳnh Lập, Hồng Thanh và Việt Hương cho ra mắt Sài Gòn, anh yêu kem. Tuy nhiên, mức độ phủ sóng của những sản phẩm này chưa thể sánh với 2 cái tên được nêu trên.

Thành công của dự án này được đánh giá là nhờ đề tài hút khán giả, câu chuyện được làm đến nơi đến chốn, mang màu sắc của phim Hồng Kông, TVB những năm đầu thập niên 2000.

Người phán xử tiền truyện (được phát triển từ Người phán xử, phát trên VTV) cũng tìm đường phát trên Internet để được chuyển tải trọn vẹn ngôn ngữ, hành động của giới đàn anh, đàn chị. Trong tập đầu tiên của phim này (kéo dài hơn 20 phút) đã xuất hiện hơn chục câu thoại với những từ ngữ nhạy cảm, khiến người nghe phải ngượng miệng.

Huỳnh Lập cũng chọn được góc khai thác thú vị khi nhấn vào đề tài tâm linh với những câu chuyện rùng rợn, khơi gợi sự tò mò của khán giả. Càng về sau, lượt xem của sản phẩm này càng tăng. Thậm chí, trong buổi họp fan của Huỳnh Lập để trình chiếu tập cuối, khán phòng đã không còn đủ chỗ ngồi, dù nhiều khán giả vẫn còn kẹt lại bên ngoài. Giống như Thập tam muội của Thu Trang, đề tài của Huỳnh Lập cũng bị hạn chế khai thác trong phim ảnh Việt, bởi cơ chế kiểm duyệt gắt gao.

Phim phat hanh tren internet: Loi thoat cho de tai nhay cam
Huỳnh Lập thành công với Ai chết giơ tay nói về chủ đề tâm linh, ma qủy

Môi trường YouTube, không chịu bất kỳ sự kiểm duyệt nào, giúp các nghệ sĩ có thể thể hiện ý tưởng một cách trọn vẹn. Đây được xem là lối thoát cho những chủ đề bị hạn chế bấy lâu.

Hồng Tú, nhà sản xuất phim Ai chết giơ tay, thẳng thắn cho biết: “Đề tài tâm linh, ma… dù thể hiện trên truyền hình hay điện ảnh, đều chịu kiểm duyệt rất gắt gao, nên ngay từ đầu chúng tôi đã định hướng làm để phát trên YouTube. Trước nay, với những phim được duyệt về đề tài này, nhân vật đều bị đặt vào những tình huống như mộng mị, hoang tưởng hoặc bị thần kinh để truyền tải. Nhưng kịch bản này có đến 60% là những trải nghiệm thực tế của Huỳnh Lập. Chúng tôi làm về tâm linh để bài từ mê tín dị đoan và nêu những bài học làm người”.

Phim phat hanh tren internet: Loi thoat cho de tai nhay cam
Hồng Tú (trái) - nhà sản xuất phim Ai chết giơ tay

Tuy nhiên, ngoài chức năng giải trí, những sản phẩm nghệ thuật luôn kèm thông điệp về cái đẹp hoặc giáo dục con người. Chính vì thế, khi đến với khán giả, đó phải thực sự là những sản phẩm chỉn chu, đẹp và văn minh.

“Không bị kiểm duyệt, quản lý gắt gao, không có nghĩa là mình được phép dễ dãi. Tôi và ê-kíp cũng tìm hiểu, chắc lọc, để đưa ra một kịch bản chân thật, sát với hiện thực, nhưng cũng phải loại trừ các yếu tố quá nhạy cảm. Bởi, một sản phẩm của nghệ sĩ được tung ra, ít nhiều đều có tính định hướng suy nghĩ cho người xem” - Thu Trang cho biết.

Ý thức làm nghề và nhân sinh quan của nghệ sĩ sẽ quyết định tất cả. Ngoài ra, khán giả cũng đóng vai trò quan trọng trong cơ chế hậu kiểm. Sản phẩm nào vượt ngưỡng văn hóa sẽ bị đào thải hoặc lên án. Sự ồn ào của dư luận trước bộ phim Người phán xử tiền truyện phần nào đã phản ánh được cơ chế này.

Vì sao phim truyền hình cứ dậm chân tại chỗ?

Thập tam muội, Ai chết giơ tay thành công nhờ bắt đúng nhu cầu khán giả, được đầu tư nghiêm túc, dù chỉ là sản phẩm của một nhóm nghệ sĩ. Trong khi đó, nhiều năm qua, phim truyền hình vẫn loay hoay không tìm được lối thoát, vẫn mãi kêu than.

Phim phat hanh tren internet: Loi thoat cho de tai nhay cam
Ai chết giơ tay, Thập tam muội đánh đúng thị hiếu, nhu cầu của khán giả

Nhiều nguyên nhân được đưa ra về việc phim truyền hình lao dốc không phanh: thiếu kinh phí, khán giả chuyển sang xem YouTube, các kênh online, điện thoại thông minh thay thế cho ti vi… Tuy nhiên, với phim ảnh, kịch bản vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Tình trạng đầu voi, đuôi chuột, tình huống bất hợp lý… vẫn xảy ra nhan nhản trên truyền hình, lẫn điện ảnh. Nhóm các vấn đề khai thác của phim truyền hình đi vào lối mòn, cách thể hiện cũ kỹ.

Đặc biệt, nhiều phim truyền hình bị “ngâm” khá lâu trước khi trình chiếu. Đến khi được phát sóng, đề tài lẫn kịch bản, kỹ thuật quay dựng đã ít nhiều lạc hậu. Trong khi đó, khán giả luôn có nhu cầu về những cái mới, hợp thời. Điều này, các nghệ sĩ đang phát huy rất tốt trên môi trường Internet. Khán giả cần hành động có hành động, cần tâm linh có tâm linh, cần cổ trang có cổ trang… với kỹ thuật quay dựng một chín, một mười với những phim điện ảnh.

Năm 2017 vừa qua, Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử đã thực sự tạo nên cú hích cho phim truyền hình Việt sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng. Tuy nhiên, 2 phim này đều là sản phẩm remake (làm lại từ kịch bản nước ngoài), chứ không phải của Việt Nam.

Phim phat hanh tren internet: Loi thoat cho de tai nhay cam
Là một trong 2 phim truyền hình thành công nhất năm 2017, Sống chung với mẹ chồng lại là phim remake

Đạo diễn Nguyễn Tranh chia sẻ: “Quả thật, đã đến lúc chúng ta cần chạy theo thị hiếu của khán giả, bởi họ mới là người quyết định sự thành bại của bất kỳ sản phẩm nào”.

Trong cuộc hội thảo về phim truyền hình Việt vào tháng 6/2017, ông Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam - cũng cho rằng, để phim truyền hình giữ chân được khán giả thì nhà sản xuất phải thực sự chuyên nghiệp, trong cách tư duy lẫn thể hiện.

Nhiều năm trước, khán giả tiếp nhận phim truyền hình ở thế bị động, nhưng nay đã khác. Khán giả chủ động tìm kiếm những gì họ thích, theo những xu hướng, thị hiếu khác nhau. Khi những miền đất mới còn đầy hứa hẹn nhưng cơ chế kiểm duyệt chưa được cởi mở hơn thì đây vẫn sẽ là một câu chuyện dài. 

Phim phat hanh tren internet: Loi thoat cho de tai nhay cam
Vực thẳm vô hình được sản xuất cách thời điểm phát sóng nhiều năm

Phim truyền hình Việt thiếu kịch bản hay không còn là chuyện lạ, nhưng vẫn chưa có sự thay đổi nào đáng kể. Trong khi đó, thị trường biến động hằng ngày. Các nhà đầu tư, nhà tài trợ đã tìm được kênh PR hữu hiệu thông qua các phim, video clip trên Internet, YouTube. Bài toán kinh doanh của phim truyền hình càng khó khăn.

Hồng Tú - nhà sản xuất Ai chết giơ tay - cho biết, chi phí cho mỗi tập phim khoảng 500 triệu đồng. Nhưng hiện tại, không có nhà đầu tư nào dám bỏ ra con số tương đương cho một tập phim truyền hình, bởi lượng khán giả đã giảm rõ rệt. Đạo diễn Nguyễn Tranh cũng cho biết, đây là thực trạng buồn mà người làm nghề cần nhìn thẳng.

Không có kịch bản hay, chậm vận động để thay đổi, không bắt kịp xu hướng, nhà đầu tư, tài trợ không còn mặn mà là những mối nguy mà phim truyền hình đang đối diện. Liệu đến lúc mảng phim này chịu thay đổi có muộn màng chăng?

Thụy Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI