Phát hiện mới từ chất nhờn của kỳ nhông trong y tế

21/06/2019 - 18:00

PNO - Chất nhờn của loài kỳ nhông này có thể hỗ trợ trong việc chữa lành vết thương bằng cách thay thế các loại keo phẫu thuật hiện có.

Một nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Đại học Harvard, dẫn đầu là tiến sĩ Shrike Zhang - Giám đốc Phòng thí nghiệm hệ thống thiết kế Zhang - cho thấy: tiết từ da kỳ nhông khổng lồ Andrias davidianus sống ở Trung Quốc (loài lưỡng cư lớn nhất và sống lâu nhất thế giới) cho phép các mô bị thương "dính" với nhau tốt hơn chất kết dính tự nhiên hiện có trong y khoa.

Phat hien moi tu chat nhon cua ky nhong trong y te
 

Loại dịch tiết này của kỳ nhông cũng giúp cải thiện độ đàn hồi của da, giảm sẹo và giảm tác dụng phụ hơn là chất keo hóa học hiện đang được sử dụng để hồi phục vết thương.

Chưa kể, một số người bị dị ứng với các chất kết dính hóa học còn làm chậm quá trình làm lành vết thương, khiến chúng không phù hợp với bệnh nhân tiểu đường. Cụ thể, nồng độ glucose trong máu cao do bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương thần kinh theo thời gian, dẫn đến lưu thông máu kém. Điều này làm cho máu khó tiếp cận và sửa chữa vết thương hơn. Trong khi, nếu loài kỳ nhông khổng lồ bị thương, chúng tiết ra chất nhầy giàu protein từ da.

Để kiểm tra xem liệu chất này có thể hoạt động như một loại keo phẫu thuật hay không, các nhà nghiên cứu đã nhẹ nhàng gãi vào lưng của loài Andrias davidianus. Sau đó, họ thu thập từ da kỳ nhông, rồi đông khô thành bột và sử dụng như loại keo bôi lên da heo bị vết thương. Kết quả, chất nhờn này có tác dụng làm lành vết thương như các chất keo y học. 

Phat hien moi tu chat nhon cua ky nhong trong y te
 

Loại keo y tế được nghiên cứu dựa trên chất nhờn kỳ nhông "hoàn toàn phân hủy và dễ dàng sản xuất từ một nguồn tái tạo", các nhà nghiên cứu viết.

"Không phải giết bất kỳ động vật nào, mà chỉ cần nhẹ nhàng gãi lên da của chúng để thu hoạch chất nhờn này", tiến sĩ Zhang nói.

Các nhà nghiên cứu viết trên tạp chí Advanced Functional Materials hy vọng một ngày nào đó, chất nhờn từ kỳ nhông có thể truyền cảm hứng cho loại keo sinh học "hoàn toàn phân hủy" và "tái tạo". 

Kỳ nhông khổng lồ Trung Quốc (Andrias davidianus) đang bị đe dọa nghiêm trọng trong tự nhiên, tuy nhiên chúng lại được nuôi nhiều ở các trang trại thương mại.

Hà Di

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI