NSND Việt Anh: 'Muốn 'cứu' kịch, các đài truyền hình cần ưu tiên khung giờ tốt'

22/02/2020 - 12:56

PNO - NSND Việt Anh cho rằng việc gameshow giải trí chiếm sóng giờ vàng đang khiến nhiều loại hình nghệ thuật khác rơi vào 'bi kịch'.

Theo NSND Việt Anh, gameshow truyền hình đã và đang đẩy chương trình thuần Việt nói chung, kịch nói riêng đi vào "bế tắc" hoặc chỉ ở mức cầm chừng. 

NSND Việt Anh trăn trở với kịch truyền hình đang đi vào bế tắc
NSND Việt Anh trăn trở với việc kịch truyền hình đang đi vào bế tắc

NSND Việt Anh cho rằng cùng với việc biểu diễn trên sân khấu, kịch trên truyền hình từng là món ăn tinh thần có giá trị cao cho khán giả. Dạ cổ hoài lang, series Trong nhà ngoài phố... từng khiến nhiều người khóc cười, đón đợi hàng đêm.

Trong nhà ngoài phố nói về chuyện trong nhà ngoài ngõ, ngoài phố xá… về văn hóa, tình làng nghĩa xóm, về những chuyện trong gia đình và ngoài xã hội. Chương trình còn châm biếm những cái chưa được và ca ngợi những cái được" - ông tiếc nuối nhắc lại. 

Nói về việc kịch truyền hình gần như biến mất, nếu có cũng chỉ là chắp vá từng mẩu hời hợt trong các gameshow, NSND Việt Anh chia sẻ đó là nỗi buồn không chỉ của riêng ông mà là với bất kỳ nghệ sĩ nào. "Bây giờ gameshow quá nhiều, nó vô bổ, nghiêng về giải trí. Có thể những chương trình như Trong nhà ngoài phố tuy không mang lại lợi nhuận nhiều nhưng có ích cho người xem.

Tôi muốn có nhiều hơn những chương trình như Trong nhà ngoài phố, giúp mọi người hiểu hơn về văn hóa ứng xử với nhau. Những chương trình như thế mang tính giải trí bằng nghệ thuật. Còn giải trí kiểu vô thưởng vô phạt thì tôi không thích. Tôi rất ít khi xem gameshow vì nó vô bổ” - ông nói.

Vở diễn Dạ cổ hoài lang của ông và NSƯT Thành Lộc từng tạo nên cơn sốt cả nước
Vở diễn Dạ cổ hoài lang của NSND Việt Anh và NSƯT Thành Lộc từng tạo nên cơn sốt trong cả nước

NSND Việt Anh chỉ ra hai vấn đề khiến các chương trình truyền thống, kịch truyền hình mất hút: “Bây giờ nhiều đài truyền hình dành khung giờ cho những chương trình nghệ thuật không đúng. Khung giờ vàng dành cho gameshow quá nhiều, trong khi chương trình kịch nói thì phát sóng lúc 1g đến 2g sáng thì ai xem? Đó là điều các đài cần xem lại". 

Bàn về giải pháp để cứu loại hình nghệ thuật này, nam nghệ sĩ cho rằng các đài hãy dành những khung giờ đẹp cho nghệ thuật đích thực nhiều hơn nữa. Ông khẳng định mình không đả phá gameshow giải trí nhưng nó nên tồn tại với một liều lượng nhất định. “Kịch cô đọng, hay và súc tích nhưng phải dành cho nó giờ đẹp thì người ta mới có thói quen xem. Nếu các đài dành mỗi tuần một lần phát sóng vào khung giờ tốt, khán giả sẽ quay lại xem” - ông tin tưởng. 

Ông lấy ví dụ về vở Ngẫm Kiều mới đây của Sân khấu kịch Hồng Vân và lý giải, khi học Truyện Kiều ở cấp 2, cấp 3, nhiều bạn trẻ không nhớ lâu, nhớ kỹ nhưng khi xem kịch, họ lại hiểu sâu sắc hơn; đó là giá trị mà kịch mang lại bởi sự cô đọng, mang tính khái quát lớn.

NSND Việt Anh nêu giải pháp cứu kịch truyền hình
NSND Việt Anh nêu giải pháp cứu kịch truyền hình

NSND Việt Anh tâm sự, để gìn giữ loại hình nghệ thuật truyền thống này, hàng ngày ông vẫn đi truyền lửa, vẫn miệt mài dạy ở các sân khấu kịch Hồng Vân, Trần Quốc Thảo… Ông đề ra một nguyên tắc "bất di bất dịch" trong giảng dạy: “Tôi nói với các em rằng nghệ thuật cao quý lắm, nếu muốn kiếm tiền thì hãy làm nghề khác. Nghề này là cho, đừng để dành, tiền là quan trọng nhưng không phải mục đích của nghệ sĩ. Mục đích của nghệ sĩ là đưa tác phẩm, thông điệp đến khán giả và cùng họ tìm đến cái đẹp”.

Đông Đông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI