Nỗi lòng của những bà cụ mất con trong đại dịch

29/09/2021 - 18:01

PNO - Những ngày qua, Hội LHPN rồi chính quyền địa phương lần lượt đến viếng thăm, chia sẻ, động viên nhưng làm sao xoa dịu nỗi đau mất con của các ông bà...

Chưa có con số thống kê về những bậc cha mẹ tuổi xế chiều mất con trong đại dịch COVID-19 vừa qua, nhưng một điều chắc chắn là nhiều cụ ông, cụ bà đang cảm thấy rất bơ vơ khi không được gặp lại con mình. 

“Phải chi để mẹ chết thay con!”
“Tại mẹ mà con mới chết như vậy. Phải chi để mẹ chết thay cho con, Như ơi!” - bà Huỳnh Thị Loan, ở ấp 2, xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, TP.HCM, tự trách mình mỗi khi có người thăm hỏi.

Bà Loan, 54 tuổi, quê ở Sóc Trăng, cùng chồng và ba con gái lên thành phố kiếm sống được năm năm nay. Ngày 27/8 vừa qua, chị Dương Thị Huỳnh Như, 29 tuổi, con gái lớn, cũng là lao động chính trong gia đình, đã qua đời vì COVID-19. Con gái thứ lấy chồng ở xa, hoàn cảnh không mấy khá giả. Hiện, bà phải chăm lo cho cô con gái út (18 tuổi, bị bệnh thần kinh) và đứa cháu nhỏ con chị Như. Cuộc sống gia đình giờ chỉ trông chờ vào đồng tiền công phụ hồ của chồng bà. 
Ngày chị Như nhiễm bệnh, bà Loan luôn cầu khấn cho con mau khỏe, rồi gia đình bà sẽ trở về quê. Nhưng rồi chị Như đã không qua khỏi. Nhận được hung tin, bà Loan ngất lịm. Cũng từ ngày đó, bà trở nên thẫn thờ, quên trước quên sau, mặc quần áo cho cháu cũng hay mặc ngược. “Tinh thần bà lúc này lơ mơ lắm. Đi lấy cơm canh cúng con mà đi tới đi lui năm lần vẫn chưa xong. Nhiều lúc bà ngồi thờ ra, lẩm bẩm: Để cho tao chết là được rồi. Nó chết làm chi giờ con không ai nuôi”- chị Lê Thị Huỳnh Anh, em họ chị Như, kể.

Bà Loan và cháu ngoại trong căn phòng trọ chật hẹp  Bà Loan và cháu ngoại trong căn phòng trọ chật hẹp
Bà Loan và cháu ngoại trong căn phòng trọ chật hẹp Bà Loan và cháu ngoại trong căn phòng trọ chật hẹp

Nhờ sự trợ giúp của Hội LHPN và chính quyền xã, huyện, gia đình bà Loan chưa thiếu đói ngày nào, nhưng nỗi buồn đau, hụt hẫng thì chưa thể vơi đi được... Kể từ ngày con gái mất, bà Loan chưa một ngày tâm mình được bình an. Sáng thức dậy, từ phòng chị Như, bà tranh thủ chạy về phòng mình lo tắm rửa, giặt giũ, cơm nước cho đứa con gái út, rồi lại trở lại phòng lo mọi thứ cho đứa cháu ngoại. Công việc bận rộn tưởng sẽ giúp bà phần nào quên đi nỗi đau mất con, nhưng mỗi khi ngừng tay, nhìn di ảnh con trên bàn thờ, nước mắt bà lại chảy. Hằng đêm, nghe cháu ngoại khóc hỏi “sao mẹ chưa về với con”, lòng bà lại quặn thắt, nước mắt lăn dài. 

“Thôi thì tới đâu tính tới đó. Tôi sẽ gửi cháu ngoại đến trường rồi ai mướn đâu tôi mần đó để phụ thêm với ổng” - bà Loan nói trong nước mắt.

Phải sống thay con ở tuổi xế chiều

Bà Nguyễn Thị Chẩn, ngụ P.15, Q.8, ngồi bên bàn ăn, tay run run chia thố cháo hàng xóm vừa cho làm hai phần, một cho bữa trưa và một để dành cho bữa chiều. Từ ngày con gái mất, tóc bà cụ 80 tuổi bạc đi nhiều hơn, sức khỏe cũng vơi đi. Nuốt hết thìa cháo, bà buông chiếc thìa và im lặng nhìn lên bàn thờ con gái. Bữa ăn kéo dài nhưng chén vẫn còn đầy.

“Con gái tôi 57 tuổi rồi! Mà không phải, nó sinh năm bao nhiêu quên rồi?” - bà cố nhớ, nhưng bất lực: “Quên cô ơi, hổm rày tôi chưa tỉnh lại”. Cú sốc quá lớn ở tuổi xế chiều do người con gái vắn số vừa mất bởi COVID-19 khiến bà trở nên nhớ nhớ quên quên, mọi thông tin cứ lẫn lộn.

Bà Chẩn ngồi thẫn thờ khi nghĩ về con gái và tuổi già bơ vơ
Bà Chẩn ngồi thẫn thờ khi nghĩ về con gái và tuổi già bơ vơ

“Bệnh tình gì nhanh quá cô ơi. Mới đầu nó bị sốt, cảm, nhập viện chỉ một tuần là mất” - bà Chẩn đau buồn. Một người hàng xóm kể lại, từ ngày cô Hồng Cúc được đưa đi cách ly điều trị, ngày nào bà Chẩn cũng ngóng con. Hễ thấy hàng xóm về là bà lại vui mừng thông tin với đứa cháu rằng “cô hai sắp về”. Rồi bà mang đồ đạc đi giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, để khi con gái về được thấy nhà cửa tươm tất.

Thế mà con bà đã vĩnh viễn ra đi. Biết tin, hàng xóm ai cũng tiếc thương và lo lắng: những ngày sắp tới bà cụ và đứa cháu trai còn đang đi học sẽ sống như thế nào! 

Trước những lo lắng của hàng xóm láng giềng, bà Chẩn ngồi đờ ra như người mất hồn với hai hàng nước mắt. Rồi bà đứng dậy đi lên phòng, câm lặng đối diện với nỗi đau của “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”.

Vì cả khu vực bị phong tỏa nên họ hàng không thể đến với bà trong những ngày mất mát. “Chết được thì tôi cũng chết cho rồi chứ sống ý nghĩa gì đâu. Mà bây giờ tôi chết đi, ai lo cho thằng Hào?” - bà mếu máo, nghẹn ngào mỗi khi hàng xóm khuyên răn. 

Đồng lương hưu hơn 2 triệu đồng mỗi tháng sau mấy mươi năm làm tạp vụ ở cảng Sài Gòn là chỗ dựa duy nhất để bà Chẩn tiếp tục nuôi cháu thay con. “Không sao. Tôi bây giờ nửa chén cơm ăn không hết. Vả lại, vẫn có bạn bè lối xóm thương yêu. Tôi sẽ ráng khỏe để nuôi cháu được ngày nào mừng ngày đó” - bà trấn an mọi người dù biết mình đang mang trong người rất nhiều căn bệnh của tuổi già. 

Như chợt nhớ đến bát cháo đang ăn dở, bà cúi xuống múc một thìa cháo nguội lạnh, cố ăn. Ở cái tuổi lẽ ra phải được nghỉ ngơi, bà Chẩn lại phải gom hết sức lực còn lại để sống thay phần con mình. 

Nguyệt Minh- Phạm Phan

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI