Những người không giàu tiền nhưng giàu lòng nhân ái và nhiệt tình

27/09/2021 - 18:04

PNO - Hơn ba tháng qua, nhóm thiện nguyện xã Vĩnh Lộc A đã xoay xở, tìm nguồn để hỗ trợ bà con hơn 100 tấn rau củ quả…

Họ đều là những người lao động nghèo tiền bạc, nhưng giàu lòng nhân ái và sự nhiệt tình, đã tập hợp lại thành nhóm thiện nguyện xã Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh, TP.HCM). 

Nhóm thiện nguyện ngẫu nhiên ra đời
Trong bóng chiều nhập nhoạng, anh Nguyễn Trung Hiếu ngồi bệt trước sân nhà, chống tay ngả người ra phía sau, duỗi thẳng chân, ngồi thở dưới cơn gió chiều ngoại ô. Xung quanh anh là rau củ quả đủ loại mà anh cùng “đồng đội” vừa chở về từ Hóc Môn. “Được 100kg bí xanh, 40kg đậu bắp, 30kg khổ qua, 10kg đậu đũa. Đuối, nhưng mình cảm thấy rất thoải mái, tối sẽ ngủ ngon” - anh Hiếu cười phóng khoáng. 

Anh tâm sự thêm, nhiều lúc cảm thấy mệt mỏi, không còn chút sức lực, nhưng cố rướn mãi nên đã quen. Hôm nào không kiếm được gì cho bà con, anh ngủ không ngon, cứ 3 - 4 giờ sáng là thức dậy suy nghĩ. “Mình nói với anh chị em trong nhóm rằng, mình còn may hơn bà con, có sức khỏe và con “cô vy” nó cũng chê mình”, anh hài hước.

Số rau củ ấy, sáng mai sẽ được bày ra trước sân nhà anh, để bà con “ai có nhu cầu thì lấy một phần”.
Anh Hiếu làm thợ sửa xe cho một công ty ở Q.Phú Nhuận và có một tiệm sửa xe nhỏ tại nhà ở ấp 4, xã Vĩnh Lộc A. Ngày nào ở nhà, anh mở tiệm để kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, nhiều khi tiệm của anh cũng trở thành nơi bơm, vá xe miễn phí cho khách. Anh phân trần: “Không phải tôi không lấy tiền, mà cái gì đáng thì lấy, một hai đồng đâu có giúp tôi sống hết cuộc đời”.

Mùa dịch, thất nghiệp, ở nhà. Nhiều anh chị em làm nghề xây dựng, may mặc, phụ quán, công nhân… cũng không thể đi đâu, làm gì được. Thấy vậy, giữa tháng Sáu, anh Hiếu cùng một người anh em trong ấp rủ nhau lên Đà Lạt thăm dò tình hình nông sản. Thấy rau củ quả của bà con nông dân không bán được, bà con cho không, thế là các anh bỏ tiền thuê người nhổ rồi chở về thành phố tặng bà con (600.000 đồng một tấn). Cũng từ đó, nhóm thiện nguyện xã Vĩnh Lộc A ra đời, anh Hiếu là một thành viên. Đến nay, nhóm đã hoạt động được hơn ba tháng.

Chia sẻ phần nào gánh nặng với chính quyền

Ban đầu, nhóm chỉ có bốn người chủ chốt, đại diện cho bốn tổ: anh Đặng Bá Đạt (tổ 33) - thợ hồ, làm trưởng nhóm, điều phối mọi hoạt động của cả nhóm, anh Hiếu (tổ 34) - thợ sửa xe, chị Phạm Thị Ngọc Lài (tổ 32) - phụ quán cà phê, chị Trần Thị Tiền (tổ 1) - công nhân công ty bao bì. Kinh phí hoạt động chủ yếu là tiền túi của các thành viên, khả năng bao nhiêu góp bấy nhiêu. Vì kinh phí ít ỏi nên số rau củ mua rẻ hoặc xin được chủ yếu mang tặng bà con ở bốn tổ.
 

Sau khi xin hoặc mua với giá rẻ, các thành viên  trong nhóm tự thu hoạch, tự vận chuyển để tiết kiệm chi phí và hỗ trợ bà con lâu dài hơn
Sau khi xin hoặc mua với giá rẻ, các thành viên trong nhóm tự thu hoạch, tự vận chuyển để tiết kiệm chi phí và hỗ trợ bà con lâu dài hơn

Sau nửa tháng chung tay, hoạt động của nhóm lan rộng ra 35 tổ, với 35 thành viên, trong đó có 14 thành viên hoạt động thường xuyên mỗi ngày, 4 người làm nhiệm vụ tìm nguồn vận động, 6 người thu hoạch, các thành viên còn lại hỗ trợ đóng gói. Đến nay, bình quân mỗi ngày, nhóm tặng từ 600 - 800 suất rau củ cho bà con. Để có nhiều rau củ, nhóm thỏa thuận với chủ vườn mua theo luống rồi tự thu hoạch để giảm chi phí thấp nhất. 

Biết được hoạt động của nhóm, các nhà hảo tâm ở khắp nơi đã liên hệ cho hoặc bán rẻ rau củ quả, nông sản, nhưng phải tự thu hoạch, vận chuyển. Anh Đặng Bá Đạt, trưởng nhóm, cho biết, trong mấy tháng qua, anh Thành Tỷ - một nhà hảo tâm ở Tiền Giang - đã tặng nhóm 50 tấn thơm; chị Vân ở Phú Quốc tặng mấy tấn khoai lang. Đầu tháng Tám, những hội nhóm ở Tây Ninh (có anh em, con cháu học tập, làm việc ở Vĩnh Lộc A) cũng quyên góp mì, gạo hỗ trợ nhóm. 

Để có thêm tiền hoạt động, anh Đạt cũng nhận vận chuyển thuê cho Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ bằng xe ba gác của mình. Tính ra, trong mùa dịch này, nhóm đã vận động và hỗ trợ trên 100 tấn hàng cho bà con nhân dân ở các ấp trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A.

Ông Trần Văn Hừng - Bí thư chi bộ ấp 4 - cho biết, hoạt động của nhóm trong mùa dịch này hết sức ý nghĩa. Số rau củ quả mà nhóm chia sẻ cho bà con là rất lớn, góp phần chia sẻ phần nào gánh nặng với chính quyền trong công tác chăm lo.

Vui, buồn lẫn lộn
Có những ngày nhóm phải lên tận Tây Ninh đào khoai mì mang về, rồi lại phải lội nước lên đến đầu gối để đi trao. Với họ, đó là những việc làm mang lại nhiều niềm vui và ý nghĩa. Chị K.C., một cư dân ở tổ 33, tâm sự: “Thật sự chúng tôi phải cúi đầu trước các anh chị ấy. Không biết phải cảm ơn thế nào cho hết”. 

Còn ở ấp 3, người ta ví anh Đạt như một ông bụt. Anh cho biết, đó là chuyện khiến anh rất vui và luôn dặn mình cố gắng làm nhiều điều tốt hơn nữa. 

Thế nhưng “làm người tốt cũng không dễ”. Anh Hiếu trăn trở: “Xấu tốt như hai mặt của bàn tay. Mình làm việc tốt với người này nhưng lại vô tình ảnh hưởng chén cơm của người khác. Đó là những người buôn bán rau củ quả ở khu vực này. Mình cho không, họ không bán được hàng nên cũng có ý hù dọa muốn gây chuyện này nọ nhưng anh em đều kìm lòng, bỏ qua…”. 

Trở ngại lớn nhất là nhóm thiếu kinh phí, vì cứ ba ngày phải đi xét nghiệm một lần, mỗi lần 700.000 đồng. Thêm nữa, ngay cả khi rau củ được cho thì nhóm cũng phải tự lo tiền xăng dầu, thuê xe đi chở về, trong khi không ai có thu nhập trong mùa dịch. “Ai cũng tâm huyết, chịu khó, nhưng đến ngày 15/9, chúng tôi quá đuối, nên bàn nhau tạm nghỉ”, anh Đạt chia sẻ. Nhưng nghỉ được ba ngày, thấy cư dân các địa phương gọi điện xin hỗ trợ nhiều quá nên nhóm lại động viên nhau tiếp tục làm, xin được bao nhiêu cho bấy nhiêu. Trước mắt nhóm sẽ làm đến ngày 30/9, sau đó tính tiếp - anh Đạt thông tin. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI