Nỗi lo từ “dấu vết số”

29/08/2022 - 06:39

PNO - Khi ấn phím “book” (đặt chỗ) trên một ứng dụng (app) để đặt xe, chúng ta đã vô tình để lại “dấu vết số”. Đó là những thông tin về thói quen di chuyển của cá nhân. Thông tin đó được robot thu giữ.

Đôi khi, để cài đặt một ứng dụng nào đó trên điện thoại thông minh, chúng ta bắt gặp câu hỏi từ các nhà cung cấp dịch vụ với nội dung xin cấp quyền sử dụng micro, camera hay truy cập vào thư mục ảnh, video, cả danh bạ, và đành chấp nhận. Đó là sự chấp nhận đánh đổi thông tin cá nhân. Robot của các “ông lớn” công nghệ có thể nghe lén, quan sát và “hiểu” chúng ta hơn cả những người thân của mình.

Nhưng không chỉ có các “ông lớn” công nghệ mới đánh cắp dữ liệu cá nhân. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, nhóm xã hội trong nước cũng khai thác trái phép các loại dữ liệu cá nhân cho mục đích kinh doanh hay thậm chí mục đích xấu.


Hành khách đi máy bay trong nước nhận tin nhắn mời gọi của hãng taxi khi máy bay còn chưa đáp xuống. Sản phụ vừa sinh con, liền được nhân viên hãng sữa gọi điện mời mua sữa. Làm sao họ có được thông tin chi tiết về từng hành khách, từng sản phụ như thế nếu không có sự tiếp tay?

Hiện nay, rất nhiều đơn vị trong nước thu thập dữ liệu cá nhân, như cơ quan công quyền, y tế, giáo dục, ngân hàng. Nhiều đơn vị cung cấp các dịch vụ đã để lộ thông tin cá nhân và dữ liệu của người dân, người dùng, khách hàng. Tình trạng tùy tiện thu thập, làm lộ thông tin cá nhân tại Việt Nam đã đến mức nghiêm trọng. 

Thông tin riêng cũng như thông tin cá nhân của công dân Việt Nam được pháp luật bảo vệ. Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các luật chuyên ngành về viễn thông, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử đều có quy định về quyền cơ bản của công dân và bảo vệ thông tin cá nhân. Hiện nay, khi trí tuệ nhân tạo can thiệp quá sâu vào các hoạt động trong đời sống trên môi trường số, pháp luật cần tiếp tục được hoàn thiện.

Robot với các thuật toán thông minh của các công ty lớn về công nghệ lâu nay âm thầm theo dõi chúng ta. Trong cuốn sách Homo Deus - Lược sử tương lai, tác giả Yuval Noah Harari dự báo: “Hiện tại, Google chỉ dựa vào việc phân tích tín hiệu và hành động ở thế giới bên ngoài, gồm các sản phẩm bạn mua, những nơi bạn ghé thăm, những từ bạn tìm kiếm. Tuy nhiên, trong vòng vài năm tới, cảm biến sinh trắc học có thể cho phép họ truy cập trực tiếp vào thế giới bên trong của bạn và có thể quan sát những gì đang diễn ra trong trái tim bạn. Google sau đó có thể tương quan nhịp tim của bạn với dữ liệu thẻ tín dụng của bạn và huyết áp của bạn với lịch sử tìm kiếm của bạn”.

Thật đáng lo ngại nếu các cỗ máy công nghệ khổng lồ như Google hay Facebook có thể “nắm” được cả cảm xúc cá nhân. Thật khó để tưởng tượng ra rằng, chuyện gì sẽ xảy ra nếu robot máy tính có thể kích động cơn giận dữ hay làm trầm trọng nỗi buồn lo cá nhân. Tất nhiên, đây chỉ là dự báo và chúng ta tin rằng, nhân loại sẽ có phương cách để đối phó trong tương lai.

Trở lại với câu chuyện lộ, lọt dữ liệu cá nhân ở Việt Nam. Trong báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 10/8, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dữ liệu cá nhân của hơn 2/3 dân số Việt Nam đang bị thu thập, chia sẻ trên mạng với nhiều hình thức và mức độ chi tiết khác nhau.

Rõ ràng, đây là con số đáng báo động. Nó báo động rằng, từng cá nhân hãy có ý thức bảo vệ dữ liệu riêng của mình, đừng sẵn sàng đánh đổi thông tin nhân khẩu học, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng hay các thông tin riêng khác vì bất cứ mục đích gì.

Và để hạn chế thực trạng đáng báo động ấy, các cơ quan chức năng cũng cần quyết liệt điều tra và xử lý nghiêm các hành vi thu thập, làm lộ hoặc khai thác thông tin cá nhân để trục lợi hoặc làm điều xấu. 

Phan Văn Tú

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI