Những niềm vui ấu thơ trong "Kikujiro"

09/01/2022 - 14:28

PNO - Thông qua câu chuyện cậu bé đi tìm mẹ, bộ phim của Takeshi Kitano giống như lời tri ân cho những năm tháng ấu thơ tuyệt vời.

Bộ phim nổi tiếng Kikujiro (1999) của đạo diễn Takeshi Kitano kể về chuyến đi tìm mẹ kỳ lạ của cậu bé Masao. Qua ống kính điện ảnh, ông đã thu lại những khoảnh khắc tuyệt vời của thiên nhiên đồng thời kể câu chuyện ấm áp của nhóm người bị xem là bên lề xã hội.

Cậu bé chín tuổi Masao (Yusuke Sekiguchi) sống cùng bà ở khu Shitamachi (Tokyo, Nhật Bản). Nhịp sống mỗi ngày trôi qua đều đặn cho đến khi cậu tìm thấy bức ảnh cũ của mẹ mình cùng địa chỉ ở Toyohashi. Masao quyết tâm đi tìm mẹ, dù nơi đó cách Tokyo hơn 200km.

Chồng một người bạn của bà Masao là gã giang hồ cấp thấp tên Kikujiro (Takeshi Kitano), được giao nhiệm vụ đưa cậu bé tìm mẹ, mở ra một hành trình bi hài ở vùng quê Nhật Bản. Bộ đôi gần như khánh kiệt trong chuyến đi do Kikujiro mê cá độ. Ở trường đua ngựa, ông ta vô tình thắng nhờ con số ngẫu nhiên Masao nói. Kikujiro tin rằng cậu bé có khả năng thần kỳ nhưng các lần sau toàn trật.

Kikujiro mang không khí lạc quan nhờ nhạc phim, cảnh vật thiên nhiên lẫn thái độ của các nhân vật
Kikujiro mang không khí lạc quan nhờ nhạc phim, cảnh vật thiên nhiên lẫn thái độ của các nhân vật

Thiên nhiên yên bình và đẹp đẽ

Sau khi đánh mất tiền bạc, hai bác cháu phải đi nhờ xe nhiều lần để đến Toyohashi. Hành trình đó đưa họ đến nhiều điểm dừng với nhiều nỗi niềm khác nhau. Thiên nhiên Nhật Bản hiện lên với cảnh đồng quê, hồ nước hay bờ biển dễ làm xao xuyến lòng người. Dưới bàn tay của Takeshi Kitano, phong cảnh ở Nhật Bản xuất hiện đầy thanh bình, êm ả.

Vị đạo diễn nổi tiếng với các cú máy dài, ít chuyển động máy quay. Ở Kikujiro, ông ưu ái đáng kể cho vẻ đẹp của cảnh vật. Trong nhiều cảnh, con người chỉ chiếm một phần nhỏ trong khung hình, như lọt thỏm vào thiên nhiên. Tác giả người Nhật chủ ý muốn thu trọn sức sống và sự yên bình của không gian chứ không quá tham diễn đạt hành động của nhân vật. Sự trầm lắng là thứ ông đặt vào nhịp điệu kể chuyện của mình, giống như lời yêu cầu khán giả phải bỏ hết sự lo toan, vội vàng đời thường để kiên nhẫn nhấm nháp câu chuyện.

Gam màu xanh của thực vật được Takeshi sử dụng trong phần nhiều thời lượng để diễn tả sự thanh bình. Song ở một phân đoạn đặc biệt, khi Masao phát hiện sự thật về mẹ mình và ngồi trước biển, màu trắng của cát và nước lại chiếm ưu thế như biểu thị sự buồn bã, cô độc của nhân vật. Khi Kikujiro tìm được cách để vực dậy tinh thần cậu bé, cảnh phim chuyển đến bầu trời với sắc xanh như thể hy vọng tái sinh.

Với câu chuyện từ thập niên 1990, Takeshi ghi lại hình ảnh một nước Nhật tương đối cũ. Những đứa trẻ tung tăng chạy trên đường, chơi đùa cùng nhau chứ chẳng hề dán mắt vào điện thoại. Masao không có smartphone để chơi game mà hứng khởi chạy ra sân bóng (chỉ để nhận ra không có ai chơi cùng). Hình ảnh ấy thật xa lạ với thế hệ trẻ ngày nay nhưng lại là hoài niệm với nhiều người thuộc lứa 1970 - 1980.

Hai bác cháu - một gã đàn ông kỳ quặc, bị xem là thất bại trong đời và một cậu bé ngây thơ, hay bị bắt nạt - lại kết nối cùng nhau trong một chuyến đi có những ngã rẽ không ngờ. Chuyến đi đó hoàn toàn thất bại nếu xét đến mục đích ban đầu nhưng đem lại vô vàn niềm vui cho họ. Liệu có phải vẻ đẹp trong mỗi chuyến phiêu lưu là ở chặng đường chứ không phải đích đến?

Đứa trẻ cô đơn và gã đàn ông khó ưa

Từ đầu phim, Takeshi đã liên tục dùng những cảnh toàn với Masao để biểu thị cho nỗi cô đơn, trơ trọi của cậu. Dù đang trong kỳ nghỉ hè, cậu bé lại rất buồn vì không có người bầu bạn. Điều đó khiến cậu thêm quyết tâm đi tìm mẹ dù bà ở xa Tokyo.

Kikujiro bị vợ bắt ép chứ không hề muốn hộ tống Masao. Ông ta đã lớn tuổi, chỉ là tên giang hồ cấp thấp, không kiếm ra tiền lại lắm tật xấu. Kikujiro dành nhiều thời gian đầu chuyến đi cho việc cá cược, thậm chí la mắng và bỏ mặc Masao. Nhưng rồi hành trình đó bắt đầu xuất hiện nhiều tình huống gắn kết hai nhân vật và khiến khán giả xúc động.

Kikujiro có cấu trúc của một phim hành trình (road movie) nhưng những cú rẽ và phân bổ diễn biến của nó phá vỡ quy ước thông thường của thể loại này. Chỉ sau nửa phim, bộ đôi đã tìm được đến nơi cần đến nhưng câu chuyện vẫn chưa kết thúc. Trái lại, nửa sau phim lại sống động hơn với những trò chơi mà Kikujiro bày ra để mang lại nụ cười cho cậu nhóc.

Sự mỉa mai quy củ xã hội được đạo diễn nhấn nhá trong tác phẩm. Suốt chuyến đi, những con người cư xử theo cách thông thường, truyền thống thường không giúp đỡ đôi nhân vật chính, thậm chí xem họ là thứ chướng tai gai mắt. Đánh bạn với hai bác cháu lại là những kẻ bị xem là kỳ quặc, bên lề xã hội. Đó là một nhà thơ sống cuộc đời du mục trên chiếc xe, là hai anh chàng cưỡi mô tô trông có vẻ ngầu đời nhưng thật ra vô hại.

Kikujiro là một trong 22 phim tranh giải Cành cọ vàng ở Liên hoan phim Cannes (Pháp) năm 1999
Kikujiro là một trong 22 phim tranh giải Cành cọ vàng ở Liên hoan phim Cannes (Pháp) năm 1999

Cùng nhau, họ chơi những trò khiến Masao trải qua khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong đời. Các trò chơi tưởng chừng ngớ ngẩn, kỳ quặc nhưng lại tràn đầy niềm vui trẻ thơ và sự vô tư, đối chọi với một thế giới thực dụng của những người sẵn sàng bỏ qua hay cố tình tông thẳng vào Kikujiro khi hai bác cháu xin đi nhờ xe. Hai cảnh đầu phim và cuối phim lặp lại cùng địa điểm và động tác chạy của Masao nhưng nhân vật đã đổi khác và trở thành một người vui vẻ, hăng hái hơn.

Không cần giáo điều hay lạm dụng thoại, Takeshi mô tả tác động tiêu cực của việc trẻ em lớn lên không có mẹ qua tâm lý nhân vật. Masao tưởng chừng là một cậu bé bình thường nhưng thật ra cô đơn và luôn suy nghĩ về đấng sinh thành không ở bên cậu. Sự trống trải là thứ khiến cậu bé chấp nhận Kikujiro ở cạnh mình dù ban đầu, ông ta thật đáng ghét. Đơn giản vì Masao quá buồn chán và muốn có người bầu bạn.

Phân cảnh cậu bé gặp lại mẹ có thể lấy nước mắt nhiều khán giả dù Takeshi không cố xây dựng nó theo phong cách melodrama để câu cảm xúc. Đạo diễn làm bật lên vấn đề nhờ cách dàn dựng cắt cảnh tương phản giữa hạnh phúc từ ánh mắt, nụ cười của người phụ nữ và gương mặt đờ đẫn của Masao. Kikujiro ở khoảng cách trung gian giữa hai nhân vật này với một cái nhíu mày tinh tế cho thấy ông ta đã hiểu ra vấn đề.

Kikujiro và Masao là hai cá thể với tính cách khác biệt, nhưng đến cuối phim, họ nhận ra mình thật giống nhau và dành nhiều sự quan tâm cho người kia. Hai cảnh quay cùng chủ đề người mẹ được cài cắm để giải thích sự gắn kết của họ. Đạo diễn ẩn ý rằng Kikujiro cũng từng là một đứa trẻ trải qua hoàn cảnh như Masao nên dễ dàng đồng cảm 
với cậu.

Trailer Kikujiro:

 Sự ăn ý của đôi diễn viên già trẻ làm nên thành công cho bộ phim. Đích thân vào vai Kikujiro, Takeshi cho thấy biên độ diễn xuất lớn khi thể hiện nhiều trạng thái của nhân vật từ hung dữ, khó ưa đến tốt bụng về sau. Yusuke Sekiguchi chỉ đơn giản là chính mình cũng đủ để hoàn thành vai diễn. Đây cũng là bộ phim để đời của Yusuke, khi cậu không còn tham gia diễn xuất sau đó (theo IMDb).

Kikujiro là một trong 22 phim tranh giải Cành cọ vàng ở Liên hoan phim Cannes (Pháp) năm 1999. Tác phẩm được đánh giá là một thành công khác của Takeshi Kitano, người đã thắng giải Sư tử vàng ở Liên hoan phim Venice (Ý) hai năm trước đó.

Kikujiro là bộ phim với nhiều tình tiết buồn nhưng lại mang không khí lạc quan nhờ nhạc phim, cảnh vật thiên nhiên lẫn thái độ của các nhân vật. Trong khi thế giới đầy những tin xấu về COVID-19, chất hoài niệm trong tác phẩm này càng trở nên thấm đượm hơn khi nó ngập tràn sự tự do, yên bình cùng những niềm vui ấu thơ. 

Ân Nguyễn 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI