Những cú share thiếu trách nhiệm

11/07/2017 - 08:59

PNO - Chẳng ai mong muốn nhưng chẳng lẽ đợi đến khi cái xấu, cái ác xảy ra trong chính gia đình mình và bị cộng đồng vào share, like, bình luận, con người mới hốt hoảng rút ra bài học?

Kinh tế khó khăn thì sau thời gian suy thoái sẽ vực dậy. Địa ốc đóng băng thì có ngày phục hồi. Đồng tiền mất giá từ từ giá mới sẽ vươn lên, nhưng một khi xã hội băng hoại về đạo đức thì làm sao vực dậy được? Trả lời câu hỏi cái xấu, cái ác đến từ đâu thật không dễ.

Tuần rồi, tôi tham dự một tọa đàm khoa học rất ý nghĩa do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, Hội đồng Lý luận Trung ương và Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM tổ chức. Các học giả đã chỉ ra một phần nguyên nhân làm băng hoại những giá trị đạo đức, truyền thống và giới trẻ đang đứng trước nguy cơ, thách thức đến từ mạng xã hội.

Nhung cu share thieu trach nhiem
 

Tuy nhiên, những hội thảo khoa học được đầu tư bài bản, quy tụ các trí thức hàng đầu, các tham luận dày công với hàm lượng thông tin và chất xám cao lại xuất hiện trên các báo rất ít, trên mạng xã hội càng tuyệt nhiên không.

Không thể phủ nhận ý nghĩa tích cực của mạng xã hội nhưng dường như mạng xã hội ở Việt Nam được người dùng sử dụng, khai thác và làm lệch sang nghĩa tiêu cực.

Nhiều nước, khi một vụ việc xấu, các Facebooker ít chia sẻ trên mạng xã hội cho đến khi có kết luận của cơ quan chức năng. Bởi họ ý thức, những thông tin xấu lan truyền chưa được kiểm chứng sẽ làm xấu đi hình ảnh quốc gia, gây hoang mang cho cộng đồng và ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của chính họ.

Trong khi ở Việt Nam, sự việc diễn tiến dường như ngược lại.

Gustave Le Bon, nhà tâm lí học xã hội nổi tiếng người Pháp với lí thuyết về đám đông cho rằng: “Những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thuỷ, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng, họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất”.

Nhung cu share thieu trach nhiem
 

Cách đây không lâu, một nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai bị bạn trai 22 tuổi tung video quan hệ của 2 người lên mạng xã hội. Ngay lập tức, clip được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Nhiều người còn nhanh tay download và chia sẻ trên các diễn đàn, Youtube, blog cá nhân của mình với lời bình giễu cợt, kích thích một cách tàn nhẫn.

Đáng sợ hơn, những người không share thì cũng gửi link cho bạn bè, hoặc tag hàng loạt người quen của mình vào rồi bình luận những lời cay nghiệt: “Đồ trẻ trâu”, “Đẹp mặt chưa bé gái”, “Hàng ngon thế?”, “Bị tung clip là đáng, mới tí tuổi đã đua đòi”. Thậm chí, họ kết luận cô bé là gái bán dâm chuyên nghiệp. Những bình luận bất cần hậu quả như chỉ làm thỏa mãn những con người vô cảm, không biết lý lẽ, đúng sai.

Hôm qua 10/7, thêm vụ hai nữ sinh đòi quyên sinh khi vô cớ trên mạng xã hội lan truyền thông tin kèm theo hình ảnh hai cô “cưỡng hiếp” một nam thanh niên đến chết. Một trong hai nạn nhân đang học Cao đẳng tại TP.HCM đã bàng hoàng khi biết chuyện và do không biết cách vượt qua áp lực, những ánh nhìn xoi mói của bạn bè, những đùa cợt nhẫn tâm, đã định kết liễu cuộc đời mình.

Cứ một lượt like, một lượt share và một lượt bình luận chẳng khác nào một nhát dao, một cánh tay vô hình đẩy nhân vật đến bước đường cùng. Có lẽ, những người trong cuộc, thân nhân gia đình nạn nhân mới thấm thía, đau đớn những “tai nạn” trời ơi kiểu này.

Nhung cu share thieu trach nhiem
 

Một khi cái xấu, cái ác là điều đáng sợ khiến người ta chọn cách xa lánh thì mạng xã hội góp phần thổi nó bùng lên.

Đến giờ, sẽ không ai nói Facebook là vô bổ, tai hại. Bởi đó là mạng xã hội thông minh khi quá hiểu và chiều người dùng. Khi mà Facebook thỏa mãn cái tôi, khiến người dùng luôn no các thể loại thông tin, có khi ngộ độc chết mà chẳng hay biết.

Mạng xã hội đã len lỏi vào từng gia đình, những cụ già mới làm quen với internet cũng nhờ con cháu tạo tài khoản Facebook, những đứa trẻ viết/nói chưa tròn câu cũng quẹt/lướt Facebook nhuần nhuyễn. Họ vô tư like, comment, share về Facebook mình đủ loại tin tức chém giết man rợ, trộm cắp, đánh nhau mà chẳng cần biết để làm gì, ai sẽ xem, tác hại của những loại thông tin này (ít ra đối với con em, người thân họ) ra sao?!

Chẳng ai mong muốn nhưng chẳng lẽ đợi đến khi cái xấu, cái ác xảy ra trong chính gia đình mình và bị cộng đồng vào share, like, bình luận, con người mới hốt hoảng rút ra bài học?

Giá như, ngày càng có nhiều hội nhóm chuyên săn lùng cái đẹp, cái thiện rồi lan tỏa nó. Giá như, người dùng mạng xã hội ngày càng ý thức hơn, gạn lọc thông tin, xem cái xấu, cái ác là rác rưởi để đừng like, đừng share, đừng bình luận để cái đẹp nhen nhóm lên từ chính gia đình mình, con em mình, bạn bè mình thì xã hội sẽ bớt chao đảo.

Minh Diệu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI