Những bất cập về quy định 'tuyển sinh vượt 3% chỉ tiêu sẽ bị phạt'

20/09/2023 - 13:09

PNO - Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm TPHCM cho rằng quy định tuyển sinh vượt 3% chỉ tiêu sẽ bị phạt đã không còn phù hợp và đề xuất nên điều chỉnh tùy vào năng lực đào tạo của nhà trường.

Hơn 100 trường trên cả nước bị xử phạt vì tuyển vượt chỉ tiêu

Sáng 20/9, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức hội thảo "Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị truờng định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế tại TPHCM".

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà giáo dục đã đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh tác động của Nghị quyết 29 đối với lĩnh vực đào tạo giáo dục nghề nghiệp tại TPHCM.

Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Anh Nhàn.
Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm TPHCM phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Anh Nhàn

Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm TPHCM - nêu nhiều bất cập trong quy định về tuyển sinh hiện nay. Nếu trường đại học tuyển vượt 3% chỉ tiêu thì sẽ bị phạt theo quy định. Tuy nhiên, nhiều trường vì không thể kiểm soát được tỉ lệ thí sinh ảo nên buộc phải tuyển vượt chỉ tiêu. Con số trên 100 trường đại học, chiếm 30% số trường trên cả nước vi phạm quy định trên đã cho thấy điều đó. 

Ông dẫn chứng tại Trường đại học Nông Lâm TPHCM có nhiều ngành học lấy điểm chuẩn trên 27 điểm, tức thí sinh trên 9 điểm mỗi môn mới có thể đỗ. Tuy vậy, trường bị xử phạt do tuyển vượt chỉ tiêu. Ngoài ra, nhân lực ngành sư phạm đang thiếu, nhưng chỉ tiêu đào tạo dành cho khối ngành này ở các trường đại học có hạn vì được Bộ GD-ĐT giao. Song, không vì thế mà bỏ qua chất lượng đào tạo, vơ vét thí sinh.

“Quy định vượt 3% sẽ bị phạt đã có từ 10 năm trước, nên con số này không còn phù hợp ở hiện tại. Thay vì phạt do vượt chỉ tiêu tuyển sinh, nên xem xét cả năng lực đào tạo thực sự của nhà trường. Giả sử trường có đủ điều kiện đào tạo 6.000 sinh viên, nhưng chỉ được giao 4.500 chỉ tiêu thì khó cho các trường” - ông Trần Đình Lý nói.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo sáng 20/9 - Ảnh: Anh Nhàn

Bên cạnh đó, lãnh đạo Trường đại học Nông Lâm TPHCM còn cho rằng nên có chính sách khen thưởng đối với các doanh nghiệp tư nhân đồng hành cùng trường ĐH đóng góp vào sự nghiệp chung. Doanh nghiệp Cỏ May đã xây dựng ký túc xá miễn phí đầu tiên của cả nước, hỗ trợ gần 1.000 sinh viên đến từ 22 trường đại học công lập tại TPHCM. Chính nơi này đã hỗ trợ cho nhiều sinh viên giỏi, vượt khó chạm đến giấc mơ bước vào giảng đường đại học.

"Dù doanh nghiệp làm trên tinh thần vì cộng đồng, không cần vinh danh, nhưng tôi mong khi tổng kết Nghị quyết 29 nên mở rộng đối tượng vinh danh là các doanh nghiệp. Việc vinh danh sẽ tạo hiệu ứng tích cực để càng ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn” - tiến sĩ Trần Đình Lý khẳng định.

Đào tạo nghề gắn với thị trường lao động

Trong khuôn khổ hội thảo, vấn đề đào tạo, dạy nghề cũng được nhiều nhà giáo dục đề cập.

Tiến sĩ Đặng Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường trung cấp Bách khoa TPHCM - cho biết hiện nay quy mô giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TPHCM có 360 cơ sở, đạt khoảng 371 ngàn người học, chiếm 16,8% so với cả nước.

Theo thống kê, trên 80% học sinh, sinh viên tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp. Lao động qua đào tạo nghề đã tham gia vào hầu hết các lĩnh vực, đảm nhận được nhiều vị trí, công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.

Tiến sĩ Đặng Văn Sáng
Tiến sĩ Đặng Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường trung cấp Bách khoa TPHCM đề xuất nhiều giải pháp trong đào tạo nghề - Ảnh: Anh Nhàn

Tiến sĩ Đặng Văn Sáng nhìn nhận, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TPHCM còn một số khó khăn cần phải giải quyết như: chưa có đủ quỹ đất sạch cho phát triển cơ sở, trang thiết bị đào tạo đa phần chỉ dừng ở mức đầu tư tối thiểu theo quy định; việc chuyển giao, nhân rộng các chương trình theo chuẩn quốc tế chưa đồng bộ...

Từ những khó khăn trên, tiến sĩ Đặng Văn Sáng đề xuất ngành giáo dục cần chú trọng phân luồng sớm, tăng cường lồng ghép giáo dục nghề nghiệp trong giáo dục phổ thông, đào tạo nghề phải gắn chặt với thị trường lao động.

“Cần quy hoạch thêm nhiều quỹ có đường giao thông. Chủ đầu tư nào đã có quỹ đất nhưng chưa phù hợp quy hoạch thì tạo điều kiện để chuyển đổi sang đất giáo dục” - tiến sĩ Đặng Văn Sáng nhấn mạnh.

Vị hiệu trưởng Trường trung cấp Bách khoa TPHCM cho rằng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập cần sắp xếp lại theo hướng tinh giảm, đẩy nhanh tiến độ tự chủ. Hệ thống dự báo nhu cầu lao động, thành lập sàn giao dịch việc làm chung của TPHCM, kết nối cung - cầu lao động cần được nâng cao. Công tác phối hợp giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp từ khâu tuyển sinh đến đào tạo, phát triển ngành nghề trọng điểm, mũi nhọn của thành phố cũng cần được chú trọng.

Anh Nhàn - Tú Ngân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI