Nhiều phim Việt trở thành “thảm họa”

19/11/2022 - 19:27

PNO - Điện ảnh trong nước đang bị đe dọa bởi chính sự gia tăng của nhiều phim Việt bị xem như “thảm họa”.

Trong lĩnh vực phim ảnh, một bộ phim kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại cho đơn vị sản xuất, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của phim Việt nói chung.

Kỷ lục về doanh thu thấp

Chưa kết thúc năm 2022, nhưng điện ảnh Việt đã tìm ra được bộ phim có doanh thu thấp nhất năm, và có lẽ là của cả những năm gần đây, đó là Virus cuồng loạn. Sau 2 tuần ra rạp, bộ phim của đạo diễn trẻ Nhất Duy chỉ thu được gần 150 triệu đồng (số liệu tham khảo của trang Box Office Việt Nam).

Phim về thảm họa Virus cuồng loạn thực sự là “thảm họa”
Phim về thảm họa Virus cuồng loạn thực sự là “thảm họa”

Ở tuần mở màn, phim thu 90 triệu đồng, một con số thấp kỷ lục vì thông thường theo trang Box Office Việt Nam, các phim Việt dù kém cũng đều vượt mốc doanh thu trăm triệu đồng trong tuần đầu tiên. 
Chưa bao giờ phòng vé lại chứng kiến sự thua lỗ nặng nề của phim Việt như năm nay.

Từ đầu năm đến nay, có 33 phim nội ra rạp, nhưng chưa đến 10 phim có doanh thu khả quan. Nếu trước thời điểm dịch bệnh, phim Việt ăn khách có thể chạm đến cột mốc trăm tỉ đồng, thì hiện giờ, đây chỉ là con số trong mơ. Duy nhất có phim Em và Trịnh đạt doanh thu 100 tỉ đồng theo công bố của đơn vị sản xuất, phát hành phim.

Lượng phim năm nay thu 1 tỉ đồng trở xuống khá nhiều như Mỹ nhân thần sách, Ê ông già yêu ha, Những cô vợ hành động, Kẻ đào mồ, Là mây trên bầu trời ai đó, Trò chơi tử thần (Việt - Nhật hợp tác), Qua bển làm chi.

Những phim Việt doanh thu thấp trong năm nay đa số đều là tác phẩm đầu tay. Tất nhiên ít ai dám ăn xổi ở thì, làm ăn kiểu chụp giật ở tác phẩm đầu đời. Có điều, khi tham vọng làm phim điện ảnh lấn át tài năng hoặc khả năng tài chính, thì khó có được phim hay.

Mến gái miền Tây, Khát vọng thượng lưu, Qua bển làm chi, Ê ông già yêu ha, Những cô vợ hành động nếu chỉ đem chiếu trên mạng, hẳn sẽ không bị chê nhiều như khi đem ra rạp. Dù cất công ấp ủ kịch bản trong mấy năm, chịu chi 600 triệu đồng dựng bối cảnh, mất 8-9 tháng cặm cụi sửa từng khuôn hình, thì đứa con tinh thần Virus cuồng loạn của đạo diễn - biên kịch Nhất Duy vẫn bị xem là “thảm họa” điện ảnh, vì sạn từ khâu nội dung đến kỹ thuật.

Ê ông già yêu ha, một trong những bộ phim có doanh thu duới 1 tỷ
Ê ông già yêu ha, một trong những bộ phim có doanh thu duới 1 tỷ

Phim Kẻ đào mồ cũng cho thấy cách làm phim chân thành, không ngại khó của đạo diễn Công Hậu, nhưng điểm cộng này không bù nổi điểm trừ trong cách kể chuyện, cách dựng phim cũ kỹ lỗi thời của anh. Mỹ nhân thần sách, Là mây trên bầu trời ai đó đầu tư bài bản với việc mời diễn viên ngoại góp mặt, nhưng mô típ câu chuyện, cách kể quá cũ.

Hệ lụy lớn

Không hẳn phim đầu tay nào cũng thất bại phòng vé, biến thành “thảm họa”, bởi vẫn có những trường hợp thành công như Đêm tối rực rỡ (đạo diễn Aaron Toronto), Bẫy ngọt ngào (Đinh Hà Uyên Thư). Và cũng có không ít phim của đạo diễn lành nghề vẫn thua lỗ, chẳng hạn Người tình (đạo diễn Lưu Huỳnh), Bóng đè (đạo diễn Lê Văn Kiệt). Nhưng nguyên nhân chung của phim “thảm họa” luôn xuất phát từ việc không lượng được sức mình. Lần đầu làm phim đã chọn thể loại, chủ đề khó như xác sống (phim Cù lao xác sống của Nguyễn Thành Nam, Virus cuồng loạn của Nhất Duy), điều tra kết hợp tâm linh kinh dị (phim Kẻ đào mồ). 

Nhưng điều đáng nói ở các “thảm họa” phim Việt không chỉ là vấn đề chất lượng nội dung, mà còn cả phần kỹ thuật. Kịch bản vô lý, diễn viên diễn thiếu cảm xúc, hay cách kể lạc hậu không đáng sợ bằng việc phải xem những bộ phim dưới chuẩn chiếu rạp. Cù lao xác sống, Virus cuồng loạn có tạo hình xác sống sơ sài. Kỹ xảo trong Duyên ma, Virus cuồng loạn thô sơ lạc hậu.

Trailer phim Virus cuồng loạn: 

 

 

Trong Virus cuồng loạn, Kẻ đào mồ khẩu hình diễn viên không khớp tiếng. Bối cảnh, trang phục thời xưa trong Kẻ đào mồ, và của giới nhà giàu trong phim Khát vọng thượng lưu thiếu chăm chút. Những lỗi này cho thấy các nhà làm phim chưa thực sự chăm chút cho đứa con tinh thần của mình từ những chi tiết nhỏ nhất.

Phòng vé năm nay chứng kiến sự lên ngôi của phim ngoại và sự ngã ngựa của phim nội. Thế nhưng, phim Việt thời gian qua nếu không bị phim ngoại đè bẹp, thì sẽ rơi vào tình trạng phe mình hại phe ta. Tham vọng làm phim điện ảnh bất chấp thực lực của các đạo diễn, sự dễ dãi của các đơn vị phát hành khi nhận cả phim yếu kém, khiến các bộ phim Việt “thảm họa” xuất hiện quá nhiều.

Phim ảnh khác với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác, chất lượng phim không chỉ ảnh hưởng đến uy tín đơn vị sản xuất, mà còn tạo ra tác động dây chuyền đến uy tín của điện ảnh Việt Nam. Quá nhiều phim kém chất lượng khiến công chúng dần mất niềm tin vào phim nội. Điều này gây hệ lụy lớn cho những người làm phim.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI